ĐƯỜNG VỀ NÔ LỆ
ĐƯỜNG VỀ NÔ LỆ
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | TRI THỨC |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Public domain |
Năm xuất bản | 2009 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC |
Sau các cuốn Hayek, Cuộc đời và Sự nghiệp (Alan Ebenstein, NXB Tri thức, 2007) và Chủ nghĩa tự do của Hayek (Giiles Dostaler, NXB Tri thức, 2008), là các tác phẩm của các học giả nổi tiếng giới thiệu diễn trình tư tưởng kinh tế của Hayek (1899 - 1992), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trong các công trình nghiên cứu quan trọng nhất của Hayek, công bố từ năm 1944, mang tựa đề Đường về nô lệ (The Road to Serfdom).
Từ lần xuất bản đầu tiên cho tới nay, cuốn Đường về nô lệ luôn luôn được coi là tuyên ngôn chính trị của trường phái tân tự do, mà Hayek là chủ soái, làm hồi sinh và phát triển học thuyết kinh tế tự do (laiser-faire) của Adam Smith (1723 - 1790) đối lập với trường phái tân cổ điển do J. M. Keynes (1883 -1946) chủ trương sự can thiệp mạnh của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế. Cuốn sách này đã được coi là cẩm nang của nhiều nền kinh tế: Anh và Mỹ vào những năm 80 của thế kỷ trước dưới thời của Thatcher và Reagan; Nga và các nước Đông Âu với nền kinh tế chuyển đổi thời kỳ sau 1990, và Trung Quốc từ khi mở cửa 1978… Cuốn sách phản ánh đầy đủ tư duy kinh tế - xã hội phong phú và sâu sắc của tác giả, nhưng nhất quán trong thông điệp ngắn gọn: Bất cứ thể chế toàn trị nào (dù là Liên Xô cũ hay Đức Quốc xã..,) quốc hữu hóa tư liệu sản xuất xã hội và kế hoạch hóa tập trung sớm muộn đều dẫn đến sự nghèo khổ và bất bình đẳng mà Hayek gọi là Nô lệ.
Thế nhưng “thời hoàng kim” của chủ nghĩa tân tự do hình như đã đến hồi choạng vạng khi các cuộc khủng hoảng tài chính lần lượt diễn ra trong hai thập kỷ vừa qua; mà đỉnh cao là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay, khởi đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính do đầu cơ bất động sản quá đáng ở Hoa Kỳ. Lại một lần nữa vị thế tư tưởng kinh tế của hai trường phái tân tự do và tân cổ điển có thể đảo ngược: giờ đây người ta lại chú ý nhiều hơn đến những lời cảnh báo của Keynes về sự thống trị của các quyền lực tài chính đối với chủ nghĩa tư bản, những quyền lực sùng bái tuyệt đối đồng tiền và khả năng sinh lời tài chính; như thể nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã trở thành “một thứ phẩm của các hoạt động trong sòng bạc”. Tuy vậy, việc nghiên cứu những tác gia kinh điển như Hayek vẫn luôn luôn là cần thiết và thú vị.
Chúng tôi xin trân trọng lưu ý bạn đọc rằng đây là sách tham khảo, chủ yếu dành cho những người làm công tác nghiên cứu. Đối với các bạn đọc khác, chúng tôi nghĩ là nên đọc trước Lời giới thiệu tác phẩm của Đinh Tuấn Minh và Lời bạt của Lữ Phương để dễ dàng nắm bắt ý tưởng của tác giả hơn với tinh thần phê phán cần thiết.
NXB Tri thức