Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào ?
Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào ?
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | THỜI ĐẠI |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Public domain |
Năm xuất bản | 2015 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN THỜI ĐẠI |
Hàng ngày, tất cả chúng ta đều tham gia vào các hoạt động kinh tế. Các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí, Internet v.v... cũng đầy rẫy những bài viết, phân tích hay đưa tin về các sự kiện kinh tế. Tuy nhiên, với đa số người dân, kinh tế học dường như vẫn là điều gì đó khó hiểu, trừu tượng, một lĩnh vực mà chỉ các “chuyên gia” mới biết và dám bàn đến mà thôi. Điều này hẳn nhiên là không tốt, không chỉ với những “dân ngoại đạo” với kinh tế học, mà còn với cả những người làm chính sách kinh tế, các cơ quan quản lý kinh tế, các doanh nghiệp. Do tất cả các cá nhân và tổ chức trong xã hội đều là các chủ thể kinh tế, sự hiểu biết cơ bản về kinh tế học là vô cùng cần thiết. Chính vì lẽ đó, trong những năm gần đây nhiều học giả kinh tế nước ngoài đã bắt đầu biên soạn những cuốn sách đơn giản, dễ hiểu, nhằm giới thiệu đến độc giả đại chúng những khái niệm cơ bản nhất của kinh tế học, hy vọng giúp lĩnh vực khô khan này trở nên gần gũi hơn với mọi người. Cuốn sách này cũng nằm trong số đó.
Các tác giả bắt đầu cuốn sách như một câu chuyện ngày xưa: trên một hòn đảo nhỏ, chỉ có ba người đàn ông cư ngụ. Họ phải dành cả ngày để bắt cá kiếm ăn bằng đôi tay trần, tuyệt nhiên không có một dụng cụ nào khác. Một ngày nọ, một người trong số họ nghĩ ra cách dùng lưới để bắt cá, sau đó là những dụng cụ bắt cá khác, từ đó dân đảo bắt đầu có những khoảng thời gian dôi dư để theo đuổi những công việc khác. Cá trở thành tiền tệ của hòn đảo, rồi một Ngân hàng trung ương mang tên Ngân hàng Dự trữ Cá ra đời. Câu chuyện cứ thế tiếp diễn trong một nền kinh tế đảo, với vô vàn những câu chuyện vui buồn, thăng trầm của nó...
Peter D. Schiff và Andrew J. Schiff đã biến những bài giảng khô khan về kinh tế học trở nên cực kỳ vui tươi và dễ hiểu. Rất nhiều tranh minh họa dí dỏm trong cuốn sách này cũng góp phần vào giá trị của nó. Độc giả hẳn sẽ có những tiếng “À!”, “Ồ!” thú vị và ngạc nhiên khi đọc tác phẩm này. Ai đó đã từng nói rằng không có gì dễ nghe và dễ nhớ hơn là một câu chuyện, bởi từ bé mỗi chúng ta đều đã quen và thích nghe những câu chuyện kể về đủ mọi thứ trên đời. Cuốn sách này chính là như vậy: đây là một câu chuyện, và hơn nữa, có thể khẳng định rằng đây là một câu chuyện hay, bởi nó khiến chúng ta suy ngẫm!
Chuyện là chuyện do người Mỹ kể, đương nhiên sẽ liên tưởng chủ yếu đến nền kinh tế Mỹ. Đâu có hư cấu nào không dựa trên thực tế, phải không các bạn? Tuy nhiên, người dịch tin tưởng rằng độc giả Việt Nam vẫn có thể nhìn ra những nét liên quan thú vị đến kinh tế và thị trường Việt Nam. Sau gần ba thập niên đổi mới và mở cửa kinh tế, nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng cao vào nền kinh tế toàn cầu, câu chuyện kinh tế nói chung đã trở thành chuyện không của riêng ai, từ những nhà hoạch định chính sách cao nhất của Chính phủ đến những bà nội trợ lo toan từng bữa ăn cho gia đình. Những biến động và phản ứng của các chủ thể kinh tế trên các thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường bất động sản, thị trường tài chính tiền tệ v.v... trong thời gian gần đây cho thấy sự quan tâm vô cùng lớn, cũng như những bất cập và lỗ hổng trong hiểu biết thấu đáo về kinh tế thị trường của khá nhiều chủ thể kinh tế. Trong bối cảnh này, những cuốn sách như cuốn sách này có thể mang lại một giá trị nhất định. Bản chất của kinh tế thị trường hàm chứa khả năng xảy ra những đợt tăng trưởng và khủng hoảng kế tiếp nhau, đó là quy luật khó tránh khỏi. Hiểu biết thấu đáo về những khái niệm cơ bản nhất của kinh tế học nói chung và kinh tế thị trường nói riêng sẽ giúp chúng ta, dù là cá nhân hay doanh nghiệp, có những ứng xử đúng đắn và hiệu quả trước những biến động của thị trường trong và ngoài nước.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách hết sức thú vị và dí dỏm này đến bạn đọc!
Sài Gòn, tháng 9/2011
Nguyễn Dương Hiếu