Trúng Số Độc Đắc
Trúng Số Độc Đắc
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | VĂN HỌC |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Public domain |
Năm xuất bản | 2019 |
Coppy right | Nhà xuất bản Văn Học |
Trong cuộc đời ngày nay, trúng số độc đắc là một biến cố, thường đem đến những thay đổi thật lạ lùng. Cái ngày trúng số như chia cuộc đời con người gặp may ra hai phần, mà bao nhiêu thứ đều trái ngược nhau đến mức bi đát. Cuốn “Trúng Số Độc Đắc” này đã vẽ lại con đường rất biện chứng, biến một anh ký kiết ra một tay cự phú, với các hoàn cảnh gia đình, xã hội vây quanh anh ta.
Thất nghiệp, anh Phúc ngày ngày ra ngồi vườn hoa đọc sách “để tu thân sửa chí” thì bị vợ sỉ vả đủ thứ. Bố mẹ thì nói ra nói vào, chửi Phúc là “ăn hại, đái nát, vô tích sự, gàn dở, không đáng bưng bát cơm lên mà ăn”. Nhẫn nhục đi xin một chân thư ký hãng buôn thì lão chủ Tây ném đơn xuống đất. Viết bài báo được đăng lên trang nhất, nhưng khi hỏi tiền nhuận bút thì bị tòa báo nhục mạ để quỵt.
Chưa đầy nửa tháng, nghe tin Phúc trúng số thì các nhà báo kéo đến chụp ảnh, phỏng vấn, cung
kính vô cùng. Bố mẹ thì thay đổi như có phép thần thông, khiến Phúc “phải cay đắng nhận ra rằng khi đứa con trúng số mười vạn cố nhiên là bất thình lình cả bố lẫn mẹ nó cũng đều thấy nó biến hình ra là đại quý tử”. Cái số độc đắc không chỉ làm sinh ra hài kịch gia đình mà còn làm nổ ra những bi kịch ghê gớm nữa: bố và anh cả Phúc tranh nhau năm trăm bạc của Phúc cho “như hai con ác thú trước một miếng mồi”. Cả cái lão Tây, chủ hãng buôn ô tô, thấy Phúc đến là cúi đầu chào rất thấp, nịnh hót liên hồi, xin lỗi tới tấp, thú nhận là “lấy làm hối hận. thật thế, vô cùng hối hận”, khiến Phúc phải chớt nhả một câu: “Xin phục ông đấy ông có cái mõm khiếp quá”.
Nhân tình thế thái, thì ra cái số độc đắc là giọt rượu quý đủ ma lực làm cho nó đỏ hay xanh trước mắt người đời. Và như kết luận về cái khoản ấy. Vũ Trọng Phụng đã để cho Phúc “tức cảnh sinh tình, nghêu ngao ngâm một đoạn trong cái bài Thế tục phú của Trần Văn Nghĩa đời xưa:
«Khi đắc thế thì đất nặn nên bụt, nghe hơi khá thì xăm xăm chen gót tới, đến ngỡ đàn ruồi…
Khó giữa chợ nào ai thèm hỏi, chẳng mua thù bán giận cũng thờ ơ; giàu trên non, lắm kẻ đi tìm, không ép đâu, nài thương mà sục sạo».
Thói đời đổi trắng thay đen. Đúng thế, nhưng mà lòng người cũng thường thay đổi theo thói đời.
Anh Phúc, “Vốn có óc một nhà triết lý” Phúc thấy trong xã hội loài người ngày xưa tranh nhau mồi, “ngày nay tranh nhau tiền, thế thôi”. Nhân nghĩa, bác ái, vị tha nào ai quý mà còn bài bác nữa, nên anh quyết chí “phải làm một người khác hẳn mọi người, quyết tu thân sửa chí để lên được địa vị một hiền nhân quân tử ở đời”. Vốn có bụng thương người, tuy bản thân mình chi tiêu mỗi tuần lễ chỉ vẻn vẹn có năm xu diêm thuốc, anh ta vẫn tìm cách giúp bác phu quét vườn tiền để chạy cho cai, khỏi phải mất việc như mình, nhưng nhân thế mà thấm thía nhận ra một điều là “nhân bần khí đoản”, mình coi khinh tiền bạc cứ an bần lạc đạo thế này thì làm nổi việc gì có ích cho người khác được vì “không có tiền thì không làm gì được”. Anh ta cam đoan với bạn là sẽ quyết chí làm giàu, để dùng đồng tiền làm phương tiện làm nhiều việc tốt đẹp, “là nhân đạo, là bác ái, nói tóm lại thì để cho người ta được nhờ”. Anh nghĩ ra cả một chương trình “thực hành những tư tưởng cao thượng vẫn sôi nổi trong óc”, anh ta sẽ đem tiền cứu chữa “những sự bất công, ngang tai, chướng mắt, thương tâm, đáng chán đời mà nguyên nhân là chữ bần và chữ phú”.
Nguyễn Văn Phúc của Vũ Trọng Phụng không thể không làm ta liên tưởng đến Raxkonnikov của F. Doxtoievxki trong Tội Ác Và Hình Phạt, cùng một lứa tuổi thanh niên, cùng một cảnh nghèo khổ, nhất là cùng biết thương người, thấy những nỗi bất công trong xã hội là muốn cứu giúp những kẻ khốn cùng, và nhất là cùng đi đến một nhận định như nhau: Muốn làm được việc ích lợi là phải có tiền. Nhưng muốn có tiền thì việc đầu tiên là Raxkonnikov đã giết người, một mạng thành hai, đã gây “tội ác” để rồi phải chịu “hình phạt”. Phúc của ta bình thường hơn, hiền lành, không có ý nghĩ gì về bạo động, chỉ mua cái vé xổ số, tin rằng sẽ trúng số độc đắc, và y như rằng, đã trúng thật. Và anh ta đã thực hiện chương trình từ thiện, lý tưởng giúp đời như thế nào khi “trong tay đã sẵn đồng tiền?”.
Đối với gia đình, người quen kẻ thuộc, anh ta đều giúp đỡ. Về cứu tế xã hội, anh ta kính phục cụ Cả Mọc, một người có thật, tám mươi tuổi, suốt đời tận tụy, hy sinh hết sản nghiệp để nuôi hàng ngàn trẻ con thiên hạ mà bố mẹ nghèo đói bỏ cầu bất, cầu bơ, “lòng kính phục của Phúc trở nên một thứ ngưỡng mộ của người sùng đạo trước hình tượng đấng Cứu Thế” và Phúc liền cúng tiền vào hội Tế sinh của cụ Cả Mọc. Đến thăm lại vườn hoa Nhà Kèn, cái khung cảnh cho quãng đời thất nghiệp vừa qua khi mấy đứa trẻ ma cà bông đã gọi anh là “cậu áo trắng dài”, Phúc không tránh khỏi than thầm: “Từ nhà thi sĩ, ta đã trở nên một tay tư bản rồi”. Và hiểu lòng mình lắm, anh ta chỉ “nguyện cố gắng được chút nào thì hay chút ấy…”.
Vừa nghe tin Phúc trúng số tức khắc có tay tư bản cần tiền, đến bán tòa biệt thự sang trọng. Bố mẹ, vợ, bạn thúc giục tậu nhà, sắm ô tô. Bắt đầu sống cuộc đời trưởng giả, Phúc cũng trác táng. Được khen là trước kia hiền lành, đứng đắn, đạo đức, Phúc thật thà tự nhận xét “xưa kia tôi đạo đức là vì chưa đủ tiền để hư”. Anh đã thú nhận là nay anh không chống lại nổi hoàn cảnh. Và cái triết lý của anh ngày ấy, nào là khinh của cải sống thanh cao, có tiền thì để giúp đỡ người nghèo khổ… đó chỉ là triết lý của người ta lúc còn nghèo, là triết lý của những người nghèo, lập luận theo hoàn cảnh của họ, ước mong của họ.
Bây giờ giàu rồi, anh ta được bao nhiêu người nịnh hót, tạo cơ hội cho anh ta lao mình hẳn vào con đường doanh thương của những tay tư bản đến nỗi thỉnh thoảng chợt nhớ lại những tư tưởng cũ của mình, anh lại lấy làm ngạc nhiên. Anh ta cũng đi theo cái mà Vũ Trọng Phụng gọi là “vết xe thiên hạ” thôi. Cái số độc đắc đã đưa anh từ một thế giới lý tưởng, nhưng không tưởng, sang một thế giới phũ phàng mà cá lớn nuốt cá bé, mà người là lang sói với người. Và anh ta, dù có mang theo bao ý nghĩ, dự định, quyết tâm tốt đẹp, rồi cũng dần hồi bị “cuốn theo chiều gió” không đi ngược lại được, vì nghĩ cho cùng thì anh ta cũng chỉ là “một con người như tất cả mọi người”.
Viết “Trúng Số Độc Đắc”, Vũ Trọng Phụng đã tập trung tất cả bút lực để theo dõi, phân tích, mô tả những thay đổi trong đời và trong lòng của chỉ một nhân vật, nhất là trong lòng. Điều rất đáng chú ý là hơn ba trăm trang của cuốn tiểu thuyết, không trang nào là không có Phúc. Các nhân vật khác mà có mặt là chỉ để đối thoại với Phúc hay là để làm nền cho cái vai trò của Phúc nổi lên mà thôi. Tìm đâu thấy một cuốn tiểu thuyết dài mà chỉ tập trung vào tả có một nhân vật như thế. Mà nào có tả ngoại hình gì đâu? Về hình dong của Phúc, người đọc chỉ được biết đó là “cậu áo trắng dài”, theo cái tên mà mấy đứa trẻ cầu bơ cầu bất cùng đóng trụ sở với cậu ở Vườn hoa Nhà Kèn đã đặt ra để gọi cậu đó thôi. Nhưng mà trong một năm trời Phúc đã học gì, nghĩ gì, yêu gì, ghét gì, suy luận gì về việc đời, dự định làm gì, tính toán lợi hại ra sao, quyết định hành động như thế nào, Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc trông thấy theo dõi cụ thể, tường tận và sinh động vô cùng.
Từ khi xây dựng ra Long trong Giông Tố, rồi Huyền trong Làm Đĩ, Liên và Quỳnh trong Lấy Nhau Vì Tình, phương pháp tả người của Vũ Trọng Phụng đã phát triển mạnh theo cái hướng rất khó này: Cho nhân vật suy nghĩ nhiều hơn nói năng nhiều, rồi nói năng nhiều hơn hành động nhiều. Tả nhân vật mà qua hành động nhiều hơn ngôn ngữ thì sẽ thành ra những nhân vật như kiểu Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký hay ít ra là như Trương Liêu, Trương Cáp… vân vân trong Tam Quốc Chí, để cho nhân vật nói nhiều, hơn làm thì các nhân vật thành ra… cụ cố Hồng “Biết rồi khổ lắm nói mãi”. Để cho nhân vật nghĩ nhiều, nói ít, làm càng ít hơn thì mới có được Julien Sorel trong Đỏ Và Đen, Raxkonnikov trong Tội Ác Và Hình Phạt. Nhưng Stendhal đâu có cho Julien Sorel chiếm hết toàn bộ cuốn Đỏ Và Đen, và Đoxtoievxki đâu có để Raxkonnikov xuất hiện từ đầu chí cuối cuốn Tội Ác Và Hình Phạt. Vũ Trọng Phụng thì không lúc nào là không tả diễn biến nội tâm của Phúc; đến cái tai nạn ô tô đã làm cho Phúc lệch cả nghiệp, mất toi vạn bạc - một phần mười số tiền trúng số độc đắc - cũng chỉ được tả vẻn vẹn có hai câu: đúng ra là thông báo cho bạn đọc biết, chứ không phải kể lại cho người ta nghe, chưa nói đến tả lại cho người ta thấy. Viết tiểu thuyết kiểu ấy khác nào làm một việc thách đố, thế mà Vũ Trọng Phụng đã thành công. Người ta thường nghĩ là trong văn học Việt Nam phải chờ đến Nam Cao, bước sang những năm 40 mới có nhà tiểu thuyết đi sâu vào phân tích tâm lý: từ giữa những năm 30, Vũ Trọng Phụng đã là người khảo sát lòng người, thực sự bậc thầy rồi, rõ ràng như vậy; rồi đến năm 39 với tác phẩm cuối cùng này của đời mình, Vũ Trọng Phụng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật phân tích tâm lý.
Tả Phúc, tác giả đã có cái nhìn rất sáng suốt, tính nhạy cảm thật tinh tế, không những trông thấy những tình cảm được biểu lộ mà cả những ý muốn sơ phát còn tiềm tàng, những ký ức bị quên đi bỗng hiện về, những cảm giác từ lâu bỗng sống dậy; tác giả lại phải có những trực giác, những khả năng tưởng tượng dồi dào và tinh vi, và có quan niệm biến chứng về các hiện tượng tâm lý, không chỉ xác định các biểu hiện của tâm trạng tách rời ra trên một cái nền cố định, mà còn nhìn chung toàn bộ tính cách trong sự thay đổi liên tục. Nhờ thế mà ánh đèn khảo sát của Vũ Trọng Phụng mới rọi đến tận những chốn sâu thẳm của tiềm thức, chiếu rộng ra mọi chốn ẩn khuất của lòng người, để mà tả lại đầy đủ mọi nét tinh vi, huyền diệu.
Ngoài ra lại còn điều đáng phục là dựng lên một anh Phúc hay triết lý. Vũ Trọng Phụng đã cho anh ta nói đến nhiều học thuyết triết học, nhiều quan niệm về cuộc đời, về hạnh phúc mà ngày nay không ít người có học hàm, học vị cao đã biết được đâu. Vũ Trọng Phụng không những rất giàu về “những điều trông thấy” trong đời, mà còn biết rất nhiều tri thức trong” di sản văn hoá của loài người, từ Khổng Tử sang Horatius, Senecus đến Montaigne, Shakespears. Và những tri thức đó không phải chỉ trình bày khô khan, mà kết hợp với diễn biến của cốt truyện thật nhuần nhuyễn và phù hợp với tâm trạng của nhân vật thật hữu cơ.
Nhưng trong “Trúng Số Độc Đắc” không phải Vũ Trọng Phụng chỉ tả thành công có anh Phúc; bên cạnh Phúc thường có Tấn mà tác giả đã đặt ở đấy như để làm bạn đường và làm đối trọng cho Phúc, khi thì phụ họa với Phúc, khi thì cãi lại Phúc, cốt làm cho Phúc phải bộc lộ hết tình cảm, ý nghĩ của mình ra. Và Tấn đã được tả hư thân mất nết lúc mà Phúc rất hiền từ, nghiêm chỉnh; nhưng rồi Tấn lại tu chí, sửa mình và cố gắng khuyên can Phúc hãm bớt cái đà hư hỏng lại. Điều ấy cũng dễ hiểu: Tấn trúng số có bốn nghìn, phải đâu mười vạn như Phúc, Tấn “Chưa đủ tiền để hư” như Phúc đã nói.
Được tả rất khéo nữa là gia đình của Phúc: Bà mẹ ác khẩu với con đến thế, khinh bạc chồng đến thế là cùng; chị vợ thì đủ vành và khi mới bốc lên giàu có thì kệch không để đâu cho hết. Nhưng chẳng có nhân vật nào mà đáng tởm đến như bố và anh của Phúc, hai ông phán: Phán bố, phán con; bố thì đê tiện đến cùng cực vì là sản phẩm hoàn hảo của chế độ nô lệ, cả đời sợ Tây, nịnh Tây, rồi quen thói lại sợ con, nịnh con; đến khi thay bậc đổi ngôi thì mắng chửi con đến tối hạ cấp. Những cảnh họ xung đột nhau đã để lại cho bạn đọc những ấn tượng ghê người là nhờ tác giả đã cho họ nói ra những lời lẽ thật khủng khiếp nhưng mà đúng mười mươi đối với những hạng người như thế. Ngôn ngữ các nhân vật của Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng rất linh động, cứ xanh như rau mới hái, thắm như thịt còn tươi. Câu nào cũng như là nhân vật tự mình nói ra, tác giả không hề gọt dũa lại cho văn vẻ chút nào cả. Nhân vật của Vũ Trọng Phụng mà sống, mà có màu, có sắc thì phần lớn nhờ lời ăn tiếng nói của họ cả: Ông phán Tích mở mồm là chửi như kẻ vô học nhất đời; anh Tấn thì không bao giờ nói cái gì mà không viện dẫn Đức Thánh Khổng ra. Nhưng có một nhân vật rất đậm nét, khó quên nhờ ngôn ngữ của nó là lão Tây, chủ hãng buôn ô tô, và những ai không thông thạo tiếng pháp đều phải công nhận rằng lời ăn tiếng nói của nhân vật ấy thật đúng là của người Pháp: con buôn, cầu kỳ, kênh kiệu, cao đàm hùng biện đến cùng cực mà cứ tự nhiên như không. Ngày trước trên đất nước ta nhiều người Pháp như thế, các nhà văn có mấy ai tả Pháp, nhất là tả họ nói năng; Vũ Trọng Phụng thì hầu như trong cuốn tiểu thuyết nào cũng có tả người Pháp: từ kẻ doanh thương gian ngoan về chính trị trong Giông Tố, quan cai trị thuộc địa cáo già trong Vỡ Đê, đến miệng lưỡi con buôn và mồm mép thầy kiện trong “Trúng Số Độc Đắc” này.
Nhưng không những lời ăn tiếng nói của nhân vật, mà cả ngôn ngữ của tác giả cũng tự nhiên vậy thôi.
Qua những việc đã kể lại, những cảnh đã tả ra trong “Trúng Số Độc Đắc” ta thấy Vũ Trọng Phụng đã lên án thế gian và người đời nghiêm khắc lắm đấy chứ, thế mà giọng văn kể chuyện, tả cảnh, tả tình cứ hồn nhiên, vui vẻ, và có dịp là không quên hài hước một chút. Nhưng chính những lúc hài hước ấy lại là lúc quật những đòn đau nhất.
Hài hước có khi là do diễn biến bất ngờ nhưng rất hợp lý của sự việc, của suy nghĩ, nói năng của nhân vật. Phúc đang say sưa triết lý như Alfred de Viguy rằng: “chỉ có sự yên lặng là đáng kể mà thôi” thì chị vợ vô học nhưng thiết thực bẻ luôn: “Không phải chỉ có sự im lặng là đáng kể, nhưng mà sự đi làm mới đáng kể”. Thấy chồng cho bác Phu lục lộ tiền vì mới trúng sổ thì chị vợ nghĩ ngay: “Hay là em gái thằng này là con hàng mía, là con hàng bưởi, là con vú đầm… hở Chúa Giê Su?”. Phúc toan khen bác Phu lục lộ xem tướng giỏi lại thôi ngay, vì rất sợ như thế là xui bác ta bỏ nghề quét vườn “mà nhẩy lên làm thầy bói tân thời không thong manh thì xã hội sẽ nguy to, thì điều thiện của anh trở nên ác mất”.
Phúc lên ngồi chễm chệ trên sập để long trọng tuyên bố tin mình trúng số độc đắc thì bà mẹ tưởng là con mình đi lang thang phố xá “đã trót phóng uế vào gốc cây đa, cây đề nào đó” nên đã bị “các ngài hành” mà hóa điên hóa dại nên bà hỏi thất thanh: “Phúc ơi, con… con có làm sao không”.
Bình luận việc làm của con người, lắm khi Vũ Trọng Phụng nói ngược lại sự thật một cách rất buồn cười mà tự nhiên như không: ông phán già mặc cả xe kéo thì “theo lối đa số các cụ thượng lưu nhân vật, nhất định không chịu thua phu xe một đồng xu”. Thấy ông phán không dám lấy dăm hào giúp người anh họ nghèo khổ phải chờ hỏi vợ đã, thì Phúc “rất lấy làm phục cho cái tinh thần nữ quyền ở gia đình”. Bà vợ thì “vẫn biết cái quyền của vị hiền phụ chính danh là không bao giờ lại chịu để cho chồng cãi lại bất cứ điều gì”. Nhắc lại việc anh mình coi khinh mình gần như con chó, Phúc bình luận là anh muốn cho mình trở nên tốt “và đó là chính sách của Dương Lễ đối với Lưu Bình vậy!”. Thật là mỉa mai. Lắm khi Vũ Trọng Phụng chỉ dùng có một chữ mà sự thật bật ra ghê gớm vô cùng: Ông Phán già sợ con quá, ấy là “sợ mất hiếu với con”.
Thần tình nữa là các cách ví von của Vũ Trọng Phụng. Thường là những ẩn dụ mà tác giả ghép lại với nhau, hai việc ngó thì giống nhau nhưng thật chẳng có gì đáng sánh với nhau cả, như cái váy của vợ bác Phu lục lộ thì “sù sì như tờ giấy giáp số bốn”. Phúc bằng lòng lấy vợ do bố mẹ xếp đặt thì như người ta được bằng lòng vì bố mẹ làm quà cho mình một xâu tôm he hay một cặp cá thu vậy. Vợ Phúc lăng loàn quá thì Phúc nghĩ rằng “nếu Đức Thánh Khổng xưa kia phải bỏ vợ, ắt hẳn vì vợ ngài cũng giống như vợ anh mà thôi”. Vợ Phúc mua được nhẫn kim cương sướng quá chạy vội vào nhà khoe “Sầm sầm như Tây Đoan đi khám rượu lậu, nói nhanh như cãi nhau”. Phúc thì biết tin trúng số độc đắc “cả thân thể cứ run lên lật bật tựa hồ như anh vừa giết người vậy”. Bọn ác khẩu thì nói Phúc “ngồi trong ô tô mặt cứ vác mãi lên như có mấy chục cái chân sào đỡ dưới”. Có khi Vũ Trọng Phụng ghép với nhau những yếu tố so sánh thật bất ngờ gây tác dụng đả kích thật ghê gớm. Con chó Nhật “cứ cắn ngậu như một nhà báo vô ý thức dã tâm”. Nhưng lắm khi lại để Phúc cứ ngọt như mía lùi, bảo mẹ và em “ít khi được cái may tiếp kiến các nhà báo… Nên để ý mà học lấy cái tài ăn nói của các nhà ngôn luận”.
Vũ Trọng Phụng viết “Trúng Số Độc Đắc” một mạch cho đến khi hoàn thành, trái với lối thường viết các tiểu thuyết khác.
Cứ đến ngày báo ra mới viết một chương, đưa in, xong hết mới thành sách. Viết xong “Trúng Số Độc Đắc” lại tự tay đóng lấy thành quyển, ngắm nghía mân mê như không muốn rời tay, mãi rồi mới đưa cho nhà xuất bản, và người bạn cố tri là Ngọc Giao kể lại rằng mấy hôm trước khi qua đời, Vũ Trọng Phụng đã nhờ mình dìu đến tận nhà in, xin mấy tờ bản thảo đã xếp chữ rồi, lấm lem mực in và dấu tay thợ in dặn Ngọc Giao giữ lại để lót đầu cho mình khi đặt thi hài mình vào áo quan.
Tác phẩm cuối đời của Vũ Trọng Phụng, tác phẩm tuyệt mệnh ấy, quả thật là một tuyệt tác về thật nhiều phương diện.
Hoàng Thiếu Sơn