NGỮ VĂN 6 - TẬP MỘT

Ngữ văn 6 - tập một

NGỮ VĂN 6 - TẬP MỘT

Tác giả: NGUYỄN KHẮC PHI
Chủ đề: Văn học
Thể loại: Sách giáo khoa
Định dạng: Daisy Audio With Text, Epub

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản GIÁO DỤC
Nhà xuất bản sách tiếp cận Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai
Năm xuất bản 2011
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM

LỜI NÓI ĐẦU

Bộ sách giáo khoa Ngữ văn bậc Trung học cơ sở được biên soạn theo chương trình Trung học cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 03/2002/QĐ – BGD & ĐT, ngày 24 tháng 1 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh những hướng cải tiến chung của bộ Chương trình như giảm tải, tăng thực hành, gắn đời sống, nét cải tiến nổi bật nhất của Chương trình và Sách giáo khoa môn Ngữ văn là hướng tích hợp. Biểu hiện rõ nhất của hướng đó là sáp nhập ba phần lâu nay vẫn thường được gọi là ba phân môn (Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn) vào một chỉnh thể là Ngữ văn và do đó, từ chỗ có ba bộ sách Văn học, Tiếng việt, Tập làm văn, nay chỉ còn có một bộ sách duy nhất là Ngữ văn. Việc thay đổi cấu tạo và tên gọi môn học ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc sách giáo khoa, tổ chức bài học cũng như nhiều mặt của nội dung và phương pháp học tập, giảng dạy. Mỗi bài học, đơn vị của sách giáo khoa, nói chung đều gồm đủ ba phần: Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn. Mục Kết quả cần đạt đặt ở đầu nêu mục tiêu mà học sinh cần đạt tới ở mỗi bài, nói chung cũng gồm đủ ba phần ứng với ba phân môn. Trừ phần Văn bản và Chú thích dùng chung cho cả ba phần, các mục còn lại đều thống nhất sắp xếp theo trình tự Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn. Các văn bản được bố trí theo hệ thống thể loại và phần nào theo tiến trình văn học sử. Trong phần Chú thích, các yếu tố Hán Việt khi được giải thích riêng đều in nghiêng; phần lớn những yếu tố này sẽ được tập hợp lại một cách có hệ thống ở cuối sách giáo khoa tập hai của mỗi lớp. Ngoài số lớn văn bản được hướng dẫn tìm hiểu tại lớp, còn một số văn bản “tự học có hướng dẫn” mang tính chất bắt buộc nhằm hình thành, phát triển thói quen và khả năng tự học, tìm tòi nghiên cứu; số lượng loại văn bản này sẽ được nâng dần lên ở những lớp trên. Ở từng phân môn, còn một số văn bản phụ và văn bản “đọc thêm” có tính chất tư liệu nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn một vài phương diện của văn bản chính, nắm vững hơn các vấn đề lí thuyết hay có thêm chất liệu để làm tốt hơn các bài tập.

Để học tốt môn Ngữ văn theo tinh thần mới, điều mà học sinh cần lưu ý nhất trong phương pháp học tập là kết hợp chặt chẽ việc học tập, rèn luyện các kiến thức, kĩ năng của ba phân môn. Dĩ nhiên, mỗi phân môn đều có một số yêu cầu riêng cần nắm giữ. Để đạt được điều đó, cần chú ý các bài Tổng kết, ôn tập và riêng ở phần Văn, cần đọc kĩ những chú thích dấu (*) nói về đặc trưng các thể loại văn học.

Sách giáo khoa là công cụ để thầy (cô) giáo tổ chức hoạt động học tập của học sinh trên lớp cũng như ở nhà. Bởi vậy, điều quyết định kết quả học tập là sự quán triệt mục tiêu, yêu cầu của môn học, của từng bài học cụ thể, cũng như quyết tâm thực hiện các yêu cầu đó của mỗi người.

Rât mong và tin rằng tất cả các em học sinh đều có đầy đủ nhận thức và quyết tâm ấy.

TM. Nhóm biên soạn

Tổng chủ biên

NGUYỄN KHẮC PHI