Vua Gia Long Và Người Pháp
Vua Gia Long Và Người Pháp
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | HỒNG ĐỨC |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Public domain |
Năm xuất bản | 2017 |
Coppy right | Nhà xuất bản Hồng Đức |
Là người ngoại đạo đối với sử học, khi định viết cuốn sách này, những gì biết được về thời Gia Long của tôi không quá những điều đã học trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, còn những kiến thức thu lượm được qua sự đọc về sau, cũng chưa xoá nổi cái án mà người Việt dành cho nhà vua qua công thức: “Gia Long cõng rắn cắn gà nhà”.
Hơn 50 năm sống ở Pháp, cho phép tôi nhìn người Pháp một cách công bằng hơn, tức là nhìn họ như một thực thể con người, không phải là bọn “thực dân tàn ác”, cũng không phải là một dân tộc “cao” hơn, giỏi hơn chúng ta về mọi mặt, một sự “cao sang” của người Âu, người da trắng, mà chúng ta muốn mà không đạt nổi, đã biến thành cách lập ngôn “như Tây”.
Ở Pháp, tôi mới hiểu ra rằng: Chỉ khi mặc cảm thấp hèn của người dân thuộc địa bị tiêu diệt đi rồi, ta mới có thể nhìn người Pháp một cách bình thường, và điều tra lại lịch sử Pháp-Việt một cách thẳng thắn hơn. Cuốn sách này nằm trong mục đích đó.
Đề tài là tìm lại công trạng đích thực của những người Pháp đến giúp Gia Long, có nghiã là phải tìm xem những người Pháp ấy đã sống, đã tham dự vào các sự kiện lịch sử xảy ra trong thời kỳ Gia Long khởi nghiệp như thế nào, họ đã để lại những công trình gì, họ đã lập được bao nhiêu chiến công? Sự khảo sát này sẽ phải đi từ chính những gì mà những người trong cuộc viết lại qua thư từ, hồi ký, để so sánh với những điều mà các sử gia thuộc địa thuật lại sau này, trong quá trình soạn sử từ hơn 100 năm nay.
Bộ sách chứa đựng nhiều tài liệu quan trọng, có thể làm nền cho việc nghiên cứu là toàn bộ tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế, BAVH) do linh mục học giả Cadière làm chủ bút, với sự cộng tác của nhiều tác giả khác nhau, trong hơn 20 năm, đã tạo nên một thứ “học viện” về vấn đề này, với những bài nghiên cứu, chủ yếu loạt bài Les français au service de Gia Long (Những người Pháp giúp Gia Long) do vị linh mục chủ bút chủ xướng và thực hiện. Tập san này chia làm hai phần:
1- Phần nghiên cứu: sưu tập, dịch và in lại nhiều tài liệu gốc, rút ra từ những văn khố.
2- Bình luận hoặc trình bày lịch sử theo quan điểm thuộc địa.
Phần một, về tài liệu gốc, có giá trị cơ bản.
Phần hai, dù được viết dưới dạng phân tích và tổng hợp một cách khoa học, nhưng mấu chốt vẫn dựa trên những điều do các ngòi bút đi trước như La Bissachère, Sainte-Croix, Alexis Faure, Louvet… viết ra, và những người này, đã dựng nên một số điều, lấy sự bịa đặt làm cơ sở. Tuy nhiên, những bịa đặt này của họ, không thể đi xa được, nếu không có sự tiếp tay của các nhà nghiên cứu, sử gia như Maybon, học giả như Cadière.
Cho nên, có thể nói, từ thập niên 20 thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu thuộc điạ, đã xây nên một thứ huyễn sử, trong đó, Bá Đa Lộc có công tột đỉnh: đứng đầu tổ chức, mua súng ống, tàu chiến, mộ các “sĩ quan” và binh lính Pháp về giúp Nguyễn Ánh thống nhất đất nước. Các “sĩ quan” này, không những đã lập chiến công rực rỡ mà còn làm tàu chiến, dựng nền pháo binh và tổ chức quân đội theo lối Tây phương, xây dựng những thành trì kiến trúc kiểu “Vauban” trên toàn thể nước Việt, dưới thời Gia Long và Minh Mạng.
Hơn 100 năm qua, chẳng những chúng ta chấp nhận huyễn sử đó, không một lời bàn lại mà còn khuếch trương thêm trong sách sử Việt. Chỉ riêng Trần Trọng Kim, khi viết về giai đoạn này, đã theo sát Thực Lục hơn cả, nên ông ít bị sai lầm. Còn những ai tiếp nhận lập luận và thông tin do các tác giả thực dân đưa ra mà không so sánh với những điều ghi trong quốc sử, hoặc coi thường quốc sử, thường mắc những sai lầm nghiêm trọng.
Bởi vì, từ sự so sánh này, sẽ nảy ra những khác biệt vô cùng quan trọng, giữa những con người đích thực và những con người trong huyễn sử. Những tài liệu gốc, do chính tay Bá Đa Lộc và những người lính Pháp viết ra, để lại cho chúng ta hình ảnh:
- Một Bá Đa Lộc, thất bại nặng nề, trong sự cố sức vận động chính phủ Pháp đem quân giúp Nguyễn Ánh, mục đích dẫn đường cho Pháp vào Việt Nam, để khi Gia Long tại vị, sẽ có một chính quyền thân đạo; để khi hoàng tử Cảnh nối nghiệp cha, sẽ có một ông vua thân Pháp, học trò của mình.
- Những người lính Pháp vô học, vì hoàn cảnh xung lính tình nguyện, nhưng không kham nổi chính sách khắc nghiệt trên các tàu chiến thời đó, nên đã đào ngũ, đã trôi giạt đến Nam Hà, mà họ tưởng là một nước giàu có, họ tưởng Nguyễn Ánh là một thứ tiểu vương Ấn Độ, vàng bạc châu báu đầy người; nhưng rồi họ sớm thất vọng, phần lớn đều đã bỏ đi.
- Trong số rất ít người còn lại, chỉ Olivier de Puymanel là có công hợp tác với các chuyên viên Việt, chế tạo các hạng hoả xa, chấn địa lôi, và làm kế hoả công đốt thuyền địch; chỉ Vannier, Chaigneau và de Forçant là được quản ba thuyền bọc đồng, Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, trong hai năm cuối của cuộc chiến: 1801-1802.
Nhưng khi các sử gia thuộc điạ thuật lại công trạng của Bá Đa Lộc và những người lính này, thì như có một ngọn đũa thần: đức cha Bá Đa Lộc thoát khỏi vị trí thầy tu để trở thành vị “nguyên thủ”, “người cha tinh thần”, đã “cầm đầu” cuộc chiến.
Những người lính vô học đào ngũ, trở thành những vị “sĩ quan”, những “kỹ sư”, những “kiến trúc sư”, những nhà lãnh đạo, tổ chức và huấn luyện quân đội, xây dựng những thành quách “Vauban” ở Việt Nam…
Sự biến đổi có tính cách thần thoại đó, không chỉ ngừng ở các sách nghiên cứu có tính cách thuộc địa của một miền như tập san Đô Thành Hiếu Cổ, mà nó đã đi và bộ nhớ kinh viện của các từ điển như Larousse. Khi tra chữ Gia Long, chúng ta sẽ thấy những dòng sau đây: “Nguyễn Ánh, sinh ở Huế (1762-1820), Hoàng đế An Nam (1802-1820). Ông chiếm lại đất nước bằng sự giúp đỡ của nước Pháp và xây dựng nên triều đại nhà Nguyễn” (Petit Larousse en couleurs, Paris, 1980, t. 1248).
Vì thế, việc điều tra lại sự thật, là cần thiết; có thể, ngay bây giờ, chưa đem lại hiệu quả, nhưng 5 năm nữa, 10 năm nữa, 100 năm nữa, nếu chúng ta kiên trì trong sự tìm kiếm lại sự thực lịch sử, không chỉ trong giai đoạn Gia Long, mà tất cả những giai đoạn khác, từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đến thời Pháp thuộc, sang chiến tranh Đông Dương, và cuộc chiến Việt Nam, 1954-1975.
Việc làm chúng tôi vừa thử nghiệm với Gia Long chỉ là bước đầu, với những dò dẫm, khám phá, cố gắng tìm kiếm một số sự kiện chúng ta tưởng rằng như thế, mà thực sự không phải thế. Còn lại, là cả một không gian và thời gian lịch sử mênh mông trước mắt chúng ta, chưa hề được khám phá và tháo gỡ để hiểu đâu là sự thực.
Nhờ các bộ chính sử biên niên của nhà Nguyễn, về bốn triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, mà chúng ta có những tài liệu đáng tin cậy về phiá Việt, để có thể đối chiếu với những tài liệu của Pháp. Việc viết lại sử về các thời đại này, tuy khó, nhưng còn có thể làm được. Sau khi vua Tự Đức mất, nước ta mất dần quyền tự trị, các sử gia của triều đình Huế, không còn tự do để ghi lại những sự thật mà người Pháp thực dân không muốn đưa ra. Vì vậy, công việc nghiên cứu sử, sau thời Tự Đức, đã là khó khăn gấp bội.
Khi Nguyễn Quốc Trị tìm lại lịch sử Nguyễn Văn Tường, ông đã gặp những khó khăn đó: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất thuyết, vì cực lực chống Pháp, nên đã bị bôi nhọ bằng đủ cách, không chỉ trong tài liệu và sử sách của Pháp, mà còn cả trong chính sử Việt Nam. Nguyễn Quốc Trị đã tìm tòi và đưa ra ánh sáng, trình bày các tư liệu gốc đã bị các ngòi bút thực dân che đậy, xuyên tạc, không chỉ trong trường hợp Nguyễn Văn Tường – Tôn Thất Thuyết, mà còn cả về các vua quan nhà Nguyễn.
Tựu trung, sự vắng mặt một nền nghiên cứu sử học có hệ thống về triều đại nhà Nguyễn, trong khoảng 100 năm nay, cộng thêm sự chôn vùi và bôi nhọ nhà Nguyễn do chính quyền cộng sản gây ra, đã tạo ra một thế hệ người Việt không biết rõ sử của nước mình, từ cuối thế kỷ XVIII đến ngày nay, tức là gần ba thế kỷ. Lỗ hổng không thể lấp nổi này, hiện nay quá trễ với một số người, nhưng còn có thể cứu vãn với một một số người khác, nếu chúng ta kịp thời hành động. Để làm gì?
Để biết rõ đời sống người Việt trong khoảng hơn 200 năm nay.
Để biết những gì đã thực sự xảy ra trong lịch sử. Biết công lao đích thực của nhà Nguyễn, đặc biệt, Gia Long vừa lên ngôi đã phải ngăn ngừa tham vọng Anh, Pháp xâm chiếm lãnh thổ, Minh Mạng đã xây dựng và bảo toàn bờ cõi, Thiệu Trị đã bị tàu Pháp đánh lén, chấm dứt hy vọng “ngoại giao và thông thương”, Tự Đức đã chống trả với Pháp trong gần ba mươi năm, trong những điều kiện như thế nào.
Để biết những gì người Việt thực sự đã làm, mà người Pháp thực dân tìm cách cướp công.
Để biết những khó khăn của triều Nguyễn, trong việc giữ gìn xứ sở được toàn vẹn trong gần 100 năm, khi làn sóng Âu Châu tràn sang chiếm hữu Á Châu, khiến những nước lớn như nước Tàu cũng bị liệt cường xâu xé.
Lịch sử không chỉ nằm chết trong những ngày tháng bất động, ai thắng, ai thua, mà lịch sử còn là đời sống con người, là vua Gia Long nói gì, là Bá Đa Lộc nói gì, là người dân cửa biển Đà Nẵng phản ứng thế nào khi thấy tàu ngoại quốc tiến vào bến cảng?
Lịch sử còn là Gia Long đối phó như thế nào khi tàu Việt bị tàu Anh bắt giữ.
Lịch sử còn là sự tiếp đãi một tàu ngoại quốc dưới thời Gia Long, Minh Mạng như thế nào, và những sự kiện này đã bị sử gia thực dân xuyên tạc ra sao?
Lịch sử còn là tìm hiểu việc các sứ bộ Anh Pháp đến xin “thông thương”, mà chúng ta ngây thơ tưởng họ chỉ xin “buôn bán” mà các vua “bế quan toả cảng” không cho. Thực ra, sự “thông thương” của họ có nghiã là “xin” một mảnh đất, một thành phố, để đặt “bản doanh” trên nước Việt.
Lịch sử còn là việc Minh Mạng đã bắt đầu thay đổi chính sách ngoại giao, năm 1839, đã gửi phái đoàn sang Âu Châu quan sát và học hỏi, nhưng khi họ trở về thì Minh Mạng đã mất đột ngột vì ngã ngựa, nên chương trình bị bỏ dở.
Lịch sử còn là sự điều tra xem những gì đã xảy ra, khi hai tàu chiến Pháp Gloire và Victorieuse do Lapierre và Rigault de Genouilly điều khiển, đến Đà Nẵng, 15/4/1847, đã tấn công lén, đã tiêu diệt 5 thuyền chiến bọc đồng của triều đình, rồi bỏ trốn, khiến vua Thiệu Trị phẫn uất mà chết, trong những tháng sau đó. Nhưng phiá Pháp, câu chuyện được trình bày ngược lại: Tàu Pháp đến để “cứu” Giám mục Lefèbvre (đã được vua Thiệu Trị trả tự do từ trước); đậu ở Đà Nẵng, bị 5 tàu đồng Việt “tấn công” và đã chuốc lấy thảm bại!
Lịch sử bắt buộc chúng ta phải điều tra lại tất cả những gì được các sử gia thực dân đưa ra, những gì của chính người Việt chép lại, rồi phải xem xét, đọc lại những bàn định, những kế hoạch, trong triều Thiệu Trị, phải khảo sát những chi tiết nhỏ xảy ra tại hiện trường, để đối chiếu với những gì mà thuyền trưởng Lapierre công bố trên báo chí thời đó, để che giấu, lấp liếm sự thật.
Điều tra, như vậy để làm gì?
- Điều tra để tìm lại sự thực lịch sử, dĩ nhiên, nhưng không chỉ lịch sử trận Đà Nẵng 15/4/1847. Trận Đà Nẵng chỉ là một yếu tố trong lịch sử, mà lịch sử bao gồm hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, yếu tố… mọi yếu tố đều phải soi rạng, chiếu kỹ, đến cùng.
Bởi nếu không điều tra, chúng ta sẽ phải đời đời chấp nhận, những “sự thực” của sử gia thực dân, như: vua Gia Long nhờ nước Pháp mới lấy lại được ngai vàng, Olivier de Puymanel là thủy tổ xây dựng nên các thành trì Vauban ở Việt Nam, v.v.
- Điều tra để rút kinh nghiệm quá khứ, cho hiện tại và tương lai.
- Điều tra bởi vì công việc các sử gia nhà Nguyễn, trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ, đã không được tiếp nối, trong thời kỳ Pháp thuộc, hoặc có, nhưng dưới sự giám định của chính quyền thực dân. Không được tiếp nối, sau hiệp định Genève, 1954, bở vì, miền Bắc thuộc chính quyền cộng sản với hậu quả của nó như chúng ta đã biết; và miền Nam trong 20 năm tương đối tự do, nhưng không đủ phương tiện và thời gian để dựng lại môt nền sử học có cơ sở. Sau đó, cả nước rơi vào thể chế toàn trị.
Sự ghi chép sử hàng ngày, hàng tháng của chúng ta đã dừng lại ở thời Tự Đức, tức là nửa sau thế kỷ XIX. Trong gần hai thế kỷ, chúng ta không có một nền nghiên cứu sử học liên tục theo lối biên niên hay phân tích tổng hợp.
Cho nên, những người nghiên cứu lịch sử sau này, sẽ không thể có những tài liệu, dù chính thống nhưng đúng đắn như Thực Lục, Liệt Truyện… để làm mốc dựa vào và điều tra thêm. Nhưng tệ hại hơn nữa, là họ sẽ không có tài liệu nào về phiá chính thống, có thể tin được để mà sử dụng. Với những hồi ký nhiều tập của Võ Nguyên Giáp, chúng ta khó rút ra được một sự thực lịch sử đáng tin cậy, về trận Điện Biên Phủ: Ai lập chiến thuật, quân lực hai bên, vũ khí, con số, tình hình các mặt trận… đã chính xác xảy ra như thế nào?
Bởi vì, người ta không thể viết lịch sử bằng những thông tin tuyên truyền; cho nên, khi một bên chỉ đưa ra những thông tin phóng đại, thì người viết sử bắt buộc phải dùng những thông tin “ít tuyên truyền lộ liễu” hơn, tức là họ sẽ dùng những tư liệu bên kia, của Pháp, trong chiến tranh Đông Dương và của Mỹ, trong cuộc chiến Việt Nam 1954-1975.
Và kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng, khi chỉ có tài liệu của một bên, thì sẽ đưa đến những khó khăn, sai lầm, không thể lường được, vì lịch sử sẽ được viết, theo những điều mà người ta cho phép công bố.
Sau cùng, lịch sử là môn học và nghiên cứu vô cùng lôi cuốn, là một cuộc điều tra không ngừng, về dữ kiện và về con người, về sự man trá và chính trực của con người, là kho tàng chứa những kinh nghiệm cứu nước, giữ nước và xây dựng đất nước.
Sở dĩ ngày nay, học trò không muốn học lịch sử vì người ta đã đánh chết lịch sử bằng phương pháp chôn vùi sự thật, mà lịch sử là sự đào bới sự thực. Tất cả những oan khuất của con người, trong những thế hệ đã qua, đều nằm trong da thịt của lịch sử, sẽ được hết lớp này, lớp khác thay phiên nhau đào lên, để cởi mở, giải thoát, bởi vì sự nghiên cứu lịch sử giúp chúng ta dựng lại con người toàn diện, dựng lại một đất nước toàn diện, dựng lại một nền văn minh toàn diện, dù cho nó đã bị lấp liếm, cướp đoạt, cả trăm năm, bởi những thông tin ngụy tạo.
Thụy Khuê
Paris ngày 18/9/2015