LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 12

LỊCH SỬ  VIỆT NAM – TẬP 12

LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 12

Chủ đề: Lịch sử
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub
Ebook:
Miễn phí

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI
Nhà xuất bản sách tiếp cận Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai
Năm xuất bản 2014
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI

LỜI NÓI ĐẦU

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã dần tới việc ký kết Hiệp định Giơnevơ vào ngày 20 tháng 7 năm 1954 lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Riêng đối với Việt Nam, Hiệp định nêu rõ: Hai năm sau ngày ký Hiệp định, tức khoảng tháng 7 năm 1956, nước Việt Nam sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước nhằm hòa bình thống nhất đất nước. Trong khi chờ tiến hành tổng tuyển cử. hai bên ngừng bắn, chuyển quân tập kết về hai miền Nam, Bấc, lấy vĩ tuyến 17 làm vĩ tuyến quân sự tạm thời.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghiêm chỉnh cấp hành các điều khoản được nêu trong Hiệp định Giơnevơ: Tập kết quân đội về các nơi quy định rồi từ đó lên tàu ra Bắc. Chỉ hai ngày sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “chúng ta phải ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc đặng thống nhất nước nhà”.

Chúng ta phải ra sức khôi phục và xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng của ta về mọi mặt, đế thực hiện quyền độc lập hoàn toàn của nước ta.

Chúng ta phái ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự” .

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết và hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam, nhân dân miền Bắc đã ra sức lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi -phục và phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường giao lưu và mở rộng quan hệ quốc tế trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Nhân dân miền Bắc không có nguyện vọng nào hơn là xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và nguyện cùng nhân dân miền Nam đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất Tổ quốc để tiến tới một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Dù có một số khó khăn do những sai lầm trong quá trình thực hiện cuộc cải cách ruộng đất và xử lý vụ “Nhân văn Giai phẩm” trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1957 nhưng nhờ có đường lối đúng của Đảng và Nhà nước bộ mặt miền Bắc đã có sự đổi khác, nhiều nhà máy, công trường, bệnh viện, trường học mọc lên, tạo nên cuộc sống vui tươi, đầm ấm nơi bàn làng, thôn xóm, phố thị. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) mở ra những khát vọng có được một cuộc sống no đủ hơn...

Trong khi đó, ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn được Mỹ - vừa là người chủ mưu, vừa là kẻ đồng lõa trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ - dùng súng đạn và các thủ đoạn lừa mị, ngang nhiên chống lại nguyện vọng thiêng liêng hòa bình thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Chủ trương của Mỹ là: Không thi hành Hiệp định Giơnevơ, chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lấy miền Nam làm phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á, đồng thời làm căn cứ để tiến công miền Bắc, bao vây và uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa, ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc đang có chiều hướng ngày càng phát triển trên thế giới.

Để thực hiện chủ trương này, Mỹ đã tìm cách nhanh chóng hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam, lập nên ở Sài Gòn một chính phủ thân Mỹ, làm theo sự chỉ đạo của Mỹ do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng. Để rồi sau khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử riêng rẽ vào ngày 4 tháng 3 năm 1956, Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống của chính thể Việt Nam Cộng hòa. Song, chính thể ấy mang danh độc lập nhưng thực chất chỉ là một sản phẩm của một chế độ lệ thuộc Mỹ. Tướng H. Navarre, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương trong hai năm 1953 và 1954 đã nhận xét về chế độ cộng hòa được lập nên ở Sài Gòn: "Không có toàn quyền, công sứ, cao ủy Mỹ, nhưng có một đại sứ Mỹ, và không có một điều gì có thể thực hiện nếu không được ông ta cho phép. Các dân tộc tường minh được tự do mà không thấy rằng mình đã bị tiền bạc chi phối một cách khắc nghiệt, mình chỉ là con rối của Mỹ” 

Nhưng âm mưu của Mỹ và các thế lực thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã bị nhân dân cả hai miền Nam - Bắc kiên quyết chống lại. Họ đấu tranh để đòi độc lập, tự do và hòa bình thống nhất đất nước. Bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn dùng lực lượng quân đội đàn áp dã man, nhân dân miền Nam đã kiên quyết chống lại, bất chấp sự khủng bố của chính quyền thân Mỹ. Những cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ và hòa bình thống nhất Tổ quốc của nhân dân miền Nam, đã biến thành phong trào Đồng khởi trong các năm 1959 và 1960 rồi phát triển thành chiến tranh cách mạng với mục tiêu lật đổ ách thống trị của chính quyền Sài Gòn - công cụ của Mỹ. Cuộc chiến tranh đã làm thất bại hình thức điển hình của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, rồi chiến lược “chiến tranh đặc biệt", và tiếp đó sẽ là “chiến tranh cục bộ” của Mỹ... Trong khi đó, lực lượng Cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh đã dẫn tới sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 nhằm chống chế độ thuộc địa trá hình của Mỹ vì mục tiêu “Đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai Mỹ, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa chống xâm lược của quân và dân miền Nam luôn có sự chi viện kịp thời, hiệu quả của hậu phương lớn miền Bắc và sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế...

Trên đây là những nội dung cơ bản của Tập 12 trong bộ lịch sử Việt Nam 15 tập do Viện Sử học tổ chức biên soạn. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để có thể kịp thời bổ sung, sửa chữa khi có điều kiện tái bản.

Thay mặt nhóm tác giả

PGS.TS. TRẦN ĐỨC CƯỜNG