LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 5
LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 5
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai |
Năm xuất bản | 2017 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI |
LỜI NÓI ĐẦU
Vấn đề lịch sử Việt Nam thời Nguyễn hay lịch sử Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX từ lâu đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm chú ý với mục đích nghiên cứu phục dựng lại một giai đoạn lịch sử có tính chất "bản lề" từ thời trung đại sang thời cận đại, trước khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược.
Trong chương trình biên soạn bộ thông sử 15 tập của Viện Sử học, chúng tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn tập V {Lịch sử Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1858) - tập cuối cùng về thời kỳ lịch sử cổ trung đại Việt Nam.
Mục tiêu đã được chúng tôi xác định ngay từ đầu và quán triệt trong suốt quá trình thực hiện, đó là: nghiên cứu và biên soạn cuốn Lịch sử Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1858 một cách có hệ thống và toàn diện để trình bày dưới dạng thông sử.
Cuốn sách được giới hạn trong niên đại từ 1802 đến 1858 tức là từ khi vương triều Nguyễn được thành lập ở điểm thực dân Pháp chính thức nổ súng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam.
Cuốn sách được chia làm 10 chương với nội dung như sau:
Chương I: Triều Nguyễn thiết lập nhà nước quân chủ chuyên chế.
Chương II: Hệ thống quản lý hành chính các địa phương.
Chương III: Tổ chức hành chính, xã hội và chính sách của nhà nước đối với làng xã.
Chương IV: Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp.
Chương V: Công nghiệp và thủ công nghiệp.
Chương VI: Thương nghiệp.
Chương VII: Quan hệ đối ngoại.
Chương VIII: Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân.
Chương IX: Văn hóa.
Chương X: Âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.
Bắt tay vào nghiên cứu, biên soạn cuốn sách này, chúng tôi có những thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn.
Thuận lợi đầu tiên đối với chúng tôi là có nguồn tư liệu phong phú. Điều này không có gì lạ bởi đây là thời kỳ cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, nó là quá khứ nhưng không cách thời đại chúng ta quá xa. Chúng tôi có điều kiện để tiếp xúc với nhiều dạng văn bản, từ chính sử cho đến các loại chế, chiếu, biểu, hương ước, khoán ước, địa bạ, v.v... ở thư viện cũng như ở các di tích, các dòng họ, tại các địa phương. Đối với những người nghiên cứu lịch sử cổ trung đại Việt Nam đây là một thuận lợi lớn.
Trong việc khai thác, tiếp xúc với các nguồn tư liệu, cũng là một may mắn cho nhóm tác giả bởi so với các giai đoạn lịch sử trước đó, hầu hết các văn bản gốc ở thời kỳ này đã được dịch, trong đó có 2 bộ sử quan trọng nhất là Đại Nam thực lục và Đại Nam hội điển. Ngoài ra còn có các bộ địa chí tầm cỡ như: Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, v.v... Các tài liệu như Châu bản cũng được lược dịch và giới thiệu...
Một thuận lợi nữa cũng cần phải nhắc đến là: từ sau những năm 90 của thế kỷ XX, trong xu thế đổi mới của đất nước, nhiều vấn đề khoa học đã được nêu ra thảo luận, nghiên cứu một cách khách quan, khoa học hơn. Triều Nguyễn là một trong những triều đại được các nhà sử học chú ý. Đã có hàng loạt các cuộc hội thảo khoa học về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn được tổ chức. Tại các cuộc hội thảo mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những tư liệu mới, những ý kiến đánh giá ở các mức độ khác nhau về các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật... Các tham luận tại hội thảo cũng đề cập đến các nhân vật lịch sử, đánh giá các thành tựu kinh tế, văn hóa, trao đổi về những hạn chế trong việc quản lý, điều hành đất nước, đánh giá công, tội của triều Nguyễn trước lịch sử, v.v... Nhìn chung, tuy chưa đi đến sự thống nhất toàn diện nhưng những vấn đề của triều Nguyễn đã được nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, khoa học với tư duy đối mới. Bên cạnh đó còn có hàng loạt các bài nghiên cứu được công bố trên những tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Nghiên cứu Văn học, Lịch sử Quân sự, Tạp chí Hán Nôm, v.v... về từng vấn đề chuyên biệt. Một số luận văn Tiến sĩ, Thạc sĩ về các vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao... đã cung cấp cho chúng tôi những tư liệu và ý kiến tham khảo để tiến hành việc nghiên cứu và biên soạn một cuốn sử riêng về giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX.
Có lẽ khó khăn lớn nhất đối với nhóm tác giả chúng tôi trong quá trình nghiên cứu và biên soạn là: không có một khuôn mẫu nào về lịch sử giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX. Trong những cuốn thông sử đã được Viện Sử học tiến hành biên soạn trong những năm qua, giai đoạn này vẫn còn bỏ trống. Như vậy, đây là cuốn thông sử đầu tiên của Viện Sử học về giai đoạn lịch sử quan trọng này.
Khó khăn thứ hai đối với nhóm tác giả chúng tôi chính là việc tiếp thu những quan điểm đánh giá về triều Nguyễn. Trước những năm 90 của thế kỷ XX, về cơ bản, những công trình nghiên cứu về triều Nguyễn (của các tác giả trong nước) dù ở dạng các giáo trình đại học hay các cuốn sách, bài viết theo dạng chuyên khảo đều có xu hướng chung là chỉ trích lên án triều Nguyễn với cách đánh giá không được khách quan, khoa học. Phần lớn các tác giả cho rằng, đây là thời kỳ quân chủ chuyên chế với pháp luật hà khắc, công nông nghiệp sút kém, thương nghiệp "bế quan tỏa càng", v.v... làm cho đất nước suy yếu, vì thế triều Nguyễn mang tội đã để mất nước một cách dễ dàng... ở kỳ Đổi mới của đất nước, triều Nguyễn đã được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan và công bằng hơn, nhưng lúc này lại nảy sinh những ý kiến trái chiều. Một số người đề cao quá mức công trạng và đóng góp của triều Nguyễn, muốn chiêu tuyết cho các nhân vật ở thời kỳ này, đề cao vai trò của những ông vua đầu triều Nguyễn, v.v... Việc cân nhắc để có được sự đánh giá đúng mực (trên cơ sở tư liệu cho phép) về các vấn đề và nhân vật ở thời Nguyễn thực sự cũng không đơn giản.
Trong quá trình nghiên cứu biên soạn, chúng tôi có sự thống nhất về đề cương, về cách trình bày trên tinh thần tôn trọng các sự kiện chính yếu, không đưa vào nội dung những bình luận đánh giá mang tính chủ quan. Các tác giả tự chịu trách nhiệm về phần viết của mình nhưng cũng có sự trao đổi để có những quan điểm tương đối thống nhất. Chúng tôi cũng đã tổ chức những cuộc điền dã tại Huế và một số địa phương.
Trên cơ sở thừa hưởng những thành quả nghiên cứu về triều Nguyễn của những người đi trước, khai thác, tiếp thu những thông tin tư liệu cập nhật và ý kiến của các nhà nghiên cứu gần đây đã giúp chúng tôi hoàn thành cuốn sách này. Chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Tổng Chủ biên là PGS. TS. Trần Đức Cường cùng nhiều ý kiến đóng góp của các GS. TS. frong Hội đồng nghiệm thu. Một công trình biên soạn tập thể về một thời kỳ chỉ có 50 năm nhưng đầy những biến cố phức tạp, chắc chắn sẽ có nhiều sai sót. Chúng tôi mong được các đồng nghiệp và bạn đọc xa gần góp ý để có thể có được một công trình đạt chất lượng tốt hơn khi tái bản.
Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2013
Chủ biên
TS. TRƯƠNG THỊ YẾN