LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 1
LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 1
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai |
Năm xuất bản | 2017 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI |
LỜI NÓI ĐẦU
Trước nhu cầu của xã hội cần có một bộ sử Việt Nam đầy đủ và phong phú; năm 2002, Viện Sử học đã xác lập một kế hoạch khoa học (Chương trình trọng điểm cấp Bộ được Viện Khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt) biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập, từ khởi thủy đến ngày nay. Với một yêu cầu nâng cao hơn chất lượng và phương pháp nghiên cứu, sách Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X do nhóm chúng tôi biên soạn nằm trong chương trình đó.
Quá trình tiến hành đề tài Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X vốn đặt ra quá nhiều vấn đề đòi hỏi nhóm nghiên cứu cần góp phần làm sáng tỏ. Khó khăn gai góc đầu tiên mà chúng tôi đối diện chính là những sự kiện lịch sử của con người thời tiền sử và sơ sử diễn ra trên một địa bàn mà cương vực chưa được xác định rõ ràng như nước ta ngày nay; theo một trục thời gian quá dài hàng mấy chục vạn năm, có khi sai số tới cả ngàn năm!
Liên quan đến thời kỳ này, các văn tự ghi chép vô cùng ít. Thời kỳ nguyên thủy chưa có tư liệu chữ viết, khi nghiên cứu hoàn toàn phải dựa vào tư liệu khảo cổ học (tư liệu không biết nói), cổ sinh học... Thời kỳ Hùng Vương dựng nước, nhóm nghiên cứu tuy có dựa vào truyền thuyết, nhưng lại là của người đời sau ghi chép, sáng tác. Thời kỳ Bắc thuộc, tư liệu chữ Hán cổ cũng rất tản mạn, nghèo nàn; đôi khi thiếu độ tin cậy, khách quan.
Từ trước đến nay có nhiều người nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X và có nhiều công trình đã được công bố. Chính từ các công trình đó, nhiều vấn đề lịch sử được đánh giá khách quan, nhất quán. Nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề gây tranh cãi; thậm chí đánh giá khác nhau, trái ngược nhau; khiến vấn đề đã khó, lại càng khó khăn và phức tạp thêm; ít nhiều gây quan ngại cho người nghiên cứu... Mặc dù vậy, chính những khó khăn đó lại có điều hấp dẫn chúng tôi.
Tuy nhiên, nhóm biên soạn cũng có những thuận lợi nhất định. Trước hết là sự thừa hưởng thành tựu của những thế hệ trước về phương pháp tiếp cận nghiên cứu; về khối tư liệu bao gồm tài liệu khảo cổ học, tài liệu văn tự Hán Nôm, tài liệu chữ phạn (Sanskrit), chữ Quốc ngữ, tài liệu nghiên cứu của người nước ngoài - Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... và quan trọng hơn là những kết luận khoa học liên quan.
Hơn nữa, nhóm biên soạn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Sử học tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện đề tài.
Những người tham gia biên soạn đều đã kinh qua nghiên cứu, có thời gian tích lũy, có tâm huyết và trách nhiệm cao.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sử dụng kết quả của phương pháp liên ngành: bao gồm kết quả một số phương pháp nghiên cứu của Khoa học tự nhiên như địa tầng - sinh quyển - phóng xạ các bon C14, cổ sinh...; phương pháp của ngành Khoa học xã hội: nhân học - khảo cổ học - dân tộc học - folklore - văn học - văn hóa học - văn bản học - chuyên gia..., mà nòng cốt là phương pháp lịch sử cụ thể và phương pháp lô gich. Thông qua việc áp dụng nhiều phương pháp, chúng tôi hướng tới sự đổi mới và nâng cao hơn chất lượng nghiên cứu.
Để thu thập, bổ sung tài liệu, nhóm biên soạn đã tiến hành nhiều đợt điều tra điền dã, sưu tầm tài liệu ở trong nước và nước ngoài.
Chúng tôi đã thực hiện khảo sát Văn hóa Chăm tại Đà Năng (năm 2008); Văn hóa Óc Eo - Văn hóa Phù Nam tại một số địa điểm thuộc miền Đông, miền Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh (năm 2008 - 2011).
Ngoài ra, quá trình khảo sát còn được chúng tôi tiến hành tại thành Cổ Loa, huyện Đông Anh; đền Chèm, huyện Từ Liêm; đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh; làng Đường Lâm (đất Hai Vua - Phùng Hưng - Ngô Quyền), Hà Nội; đền Cờn, huyện Diễn Châu, Nghệ An (năm 2009), và đền Hùng (năm 2011).
Một số thành viên trong nhóm đã sưu tầm thêm tài liệu tại Quảng Châu (năm 2008); Bắc Kinh, Thượng Hải, Ninh Ba, Trung Quốc (năm 2010).
Cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X được biên soạn công phu, nghiêm túc (2007 - 2011), với 9 chương; phần Phụ lục; và 435 đơn vị Tài liệu tham khảo.
Cuốn sách trình bày một cách khách quan về lịch sử nước ta từ khi xuất hiện con người đứng thẳng khôn ngoan (Homo Erectus), với quá trình chế tác công cụ lao động gian khổ kéo dài hàng vạn năm, con người dần dần hoàn thiện chính mình, chuyển từ trạng thái dã man sang văn minh.
Từ sự phát triển liên tục của các nền văn hóa bản địa thuộc ba trung tâm: Văn hóa Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả, đã hình thành nên Quốc gia Văn Lang - Âu Lạc đầu tiên thời Hùng Vương. Văn hóa Sa Huỳnh hình thành nên Quốc gia Lâm Ấp - Champa cổ đại ở miền Trung. Văn hóa Đồng Nai - Văn hóa Tiền Óc Eo Nam Bộ là nền tảng của sự ra đời Vương quốc cổ Phù Nam - Chân Lạp. Giữa ba trung tâm văn hóa - ba quốc gia đó tùy thời mà ít nhiều có sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại; thậm chí có cả sự xung đột, xâm chiếm nhau. Đây chính là cơ sở của sự tích hợp và thống nhất lãnh thổ đất nước sau này.
Văn hóa Đông Sơn - Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc sơ khai là trung tâm của tộc Việt - trong quá trình phát triển, luôn là lực lượng nòng cốt để duy trì, tiếp nối văn hóa truyền thống, tiếp biến văn hóa khu vực Đông Nam Á, Văn hóa Hoa - Ấn; thu hút, đoàn kết lực lượng đấu tranh bền bỉ, lâu dài, nhiều hy sinh gian khổ chống Bắc thuộc, chống Hán hóa thắng lợi, giành lại quyền độc lập, tự chủ, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta...
Mặc dù tập thể tác giả đã rất cố gắng, song cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc, để lần xuất bản sau chất lượng cuốn sách sẽ tốt hơn.
Hà Nội, ngày 8 tháng 6 năm 2012
Chủ biên
PGS.TS. VŨ DUY MỀN