LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 4

LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 4

LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 4

Chủ đề: Lịch sử
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI
Nhà xuất bản sách tiếp cận Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai
Năm xuất bản 2017
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI

LỜI NÓI ĐẦU

Lịch sử Việt Nam, tập 4: từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII là cuốn thứ 4 trong bộ thông sử nhiều tập, tiếp theo cuốn thứ 3 - Lịch sử Việt Nam, tập 3: từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI. Cuốn này được bắt đầu từ sau sự kiện triều Mạc bị đổ (1592) đến hết triều Tây Sơn (1802), trước triều Nguyễn. Đây là tập sách viết về toàn bộ diễn biến lịch sử của đất nước trên các mặt: chính trị - xã hội, kinh tế văn hóa trong hai thế kỷ XVII và XVIII.

Thế kỷ XVII-XVIII là giai đoạn lịch sử tương đối đặc biệt trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam thời cổ Trung đại. Đó là thời kỳ chiến tranh phân liệt giữa các tập đoàn phong kiến, thời kỳ đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau: vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, hình thành nên một thể chế lưỡng đầu: Vua và Chúa cùng điều hành chính sự - sản phẩm đặc biệt của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Đây cũng là thời kỳ nổi dậy mạnh mẽ nhất của phong trào nông dân, đồng thời lại là thời kỳ có những chuyn biến quan trọng trong nền kinh tế của đất nước, đặc biệt là kinh tế công thương nghiệp và cũng là thời kỳ phát triển của nền văn hóa dân tộc trên các lĩnh vực văn học, sử học, y học, khoa học quân sự...

Các bộ thông sử lớn của Việt Nam từ trước tới nay đã đề cập nhiều tới giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII:

- Từ những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, giới sử học Việt Nam đã đặt thời kỳ lịch sử này nằm trong một giai đoạn lịch sử dài từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX và coi chung đó là thời kỳ suy vong và sụp đổ của chế độ phong kiến dân tộc.

- Từ những năm 80 của thế kỷ XX trở lại đây, với những kết quả nghiên cứu mới, giới sử học Việt Nam đã có những tiếp cận mới hơn khi nhận định về sự phát sinh, phát triển và sự diệt vong của chế độ phong kiến Việt Nam nói chung, qua việc nghiên cứu về từng giai đoạn lịch sử cụ thể như: nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm, về nhà Mạc, về nhà Trịnh và vai trò của các chúa Trịnh trong lịch sử, về các chúa Nguyễn, về triều Nguyễn...

Với kết quả và những thành tựu nghiên cứu mới, giới sử học Việt Nam đã không còn coi lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XVI là thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến Việt Nam nữa và triều Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX cũng được nhìn nhận lại. Vì vậy, lịch sử Việt Nam ở giai đoạn giữa của thế kỷ XVI và XIX, tức giai đoạn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, cũng cần phải được nhận thức lại.

Những năm gần đây đã có hàng loạt bộ thông sử viết dưới dạng đại cương hoặc giản sử, hầu hết đều trình bày lịch sử trong các thế kỷ XVII-XVIII theo tinh thần của những nhận thức mới, nhưng hãy còn rất sơ lược. Quyển thông sử Lịch sử Việt Nam, tập 4: từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII được trình bày dưới đây là cùng góp thêm một phần nhỏ vào việc nhận thức lại quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam, cùng có chung tiếng nói với giới sử học nước nhà.

Sách được chia làm 12 chương, phân công biên soạn như sau:

1. PGS. TS. Trần Thị Vinh: Chương I, II, III, IX, X, XI và XII;

2. TS. Đỗ Đức Hùng: Chương IV và VII;

3. TS. Trương Thị Yến: Chương V và VI;

4. PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Chi: Chương VIII.

Nhóm tác giả đã sưu tm tài liệu và biên soạn theo tinh thần khách quan, chân thực, phản ánh đúng lịch sử đã từng diễn ra trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, hạn chế những bình luận sử học theo chủ quan của người viết. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song tập sách khó tránh khỏi những thiếu sót, nhóm tác giả rất mong độc giả gần xa lượng thứ và đóng góp ý kiến để cuốn sách có điều kiện bổ sung và hoàn thiện trong lần xuất bản sau.

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2013

Chủ biên

PGS. TS. Trần Thị Vinh