CÁC QUY TẮC CỦA PHƯƠNG PHÁP XÃ HỘI HỌC

CÁC QUY TẮC CỦA PHƯƠNG PHÁP XÃ HỘI HỌC

CÁC QUY TẮC CỦA PHƯƠNG PHÁP XÃ HỘI HỌC

Tác giả: EMILE DURKHEM
Chủ đề: Xã hội học
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub
Ebook:
Miễn phí

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC
Nhà xuất bản sách tiếp cận Trung Tâm Vì Người Mù Sao Mai
Năm xuất bản 2012
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC

DẪN NHẬP

Cho đến nay, các nhà xã hội học ít quan tâm đến việc làm rõ đặc trưng và định nghĩa phương pháp mà họ vận dụng để nghiên cứu các sự kiện xã hội. Chính vì vậy, trong toàn bộ công trình của ông Spencer, vấn đề phương pháp luận không chiếm được một vị trí nào; vì cuốn Nhập môn khoa học xã hội, một cuốn sách mà nhan đề của nó có thể khiến cho người ta tưởng lầm, lại được dành để chứng minh những khó khăn và khả năng của xã hội học, chứ không phải để trình bày các phương pháp làm việc mà ngành này cần sử dụng. Mill thực sự chú ý khá nhiều đến vấn đề này,[1] nhưng ông ta chỉ dùng phép biện chứng để sàng lọc những gì Comte đã nói, chứ không bổ sung thêm vào đó cái thực sự riêng của ông ta. Cuối cùng thì chỉ có chừng một chương trong Giáo trình triết học thực chứng là phần nghiên cứu duy nhất độc đáo và quan trọng mà chúng ta có được về vấn đề này.[2]

Vả lại, tình trạng không quan tâm này không có gì phải ngạc nhiên. Thực vậy, những nhà xã hội học lớn mà chúng tôi vừa nhắc đến vẫn chưa vượt ra khỏi những ý tưởng khái quát về bản tính của các xã hội, về các mối quan hệ giửa lĩnh vực xã hội với lĩnh vực sinh vật, về bước đi chung của sự tiến bộ; ngay cả công trình xà hội học đồ sộ của ông Spencer cũng không nhằm mục tiêu nào khác hơn là chứng minh quy luật tiến hóa phổ quát được áp dụng vào các xã hội như thế nào. Và để giải quyết các vấn đề triết học này, người ta không cần phải dùng đến những phương pháp làm việc nào đặc biệt và phức tạp. Họ đành bằng lòng với việc cân nhắc giữa phương pháp diễn dịch với phương pháp quy nạp và tiến hành một cuộc điều tra sơ lược về những nguồn dữ liệu tổng quát nhất có thể có được từ sự khảo sát xã hội học. Nhưng họ hoàn toàn không chú ý đến những thận trọng cần phải có khi quan sát các sự kiện, cách thức đặt ra những vấn đề chính yếu, phương hướng của các cuộc nghiên cứu, những thủ tục chuyên biệt để tiến hành những cuộc nghiên cứu này, và những quy tắc chi phối việc đi tìm các luận cứ chứng minh.

Một sự trùng hợp may mắn của các hoàn cảnh, trong đó quan trọng hàng đầu là việc mở ra cho chúng tôi một khóa học chính thức về môn xã hội học tại Khoa Văn trường Bordeaux cho phép chúng tôi sớm chuyên tâm vào việc nghiên cứu khoa học xã hội và làm cho nó trở thành môn chuyên ngành của chúng tôi, chúng tôi có thể vượt ra khỏi những vấn đề quá tổng quát ấy và đề cập đến một số vấn đề chuyên biệt nào đó. Vì thế, do thôi thúc của thực tế, chúng tôi đã đi đến chỗ tự xây dựng một phương pháp xác định hơn mà chúng tôi tin là hoàn toàn phù hợp với bản tính đặc thù của các hiện tượng xã hội. Đó chính là những kết quả của cách làm mà chúng tôi muốn trình bày ở đây trong tổng thể của chúng và đưa ra để thảo luận. Chắc chắn, những kết quả ấy đã được ngầm chứa trong quyển sách mà chúng tôi mới xuất bản gần đây: Sự phân công lao động xã hội. Nhưng theo chúng tôi, có lẽ tốt hơn là rút chúng ra từ công trình này, trình bày chúng theo từng phần, bằng cách kèm theo chúng là những chứng cứ và minh họa chúng bằng những ví dụ được vay mượn hoặc là từ công trình ấy hoặc là từ những công trình khác vẫn còn chưa xuất bản. Như vậy, người ta mới có thể nhận định đúng hơn về cái phương hướng mà chúng tôi muốn cố gắng đưa vào các nghiên cứu xã hội học.

 

[1] Système de Logique ! Hệ thống logic họ2 I. VI, ch. VII-XII.

[2] V. 2e éd., tr. 294-336