Việt Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771 - 1802

Ảnh bìa; Việt Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771 - 1802

Việt Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771 - 1802

Subject: History
Category: Reference - Research
Format: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Log in to download this book.

Publisher CÔNG AN NHÂN DÂN
Accessible book producer Public domain
Published year 2007
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN

          Khởi nghĩa Tây Sơn là một đề tài luôn luôn hấp dẫn giới nghiên cứu Việt Nam. Đây không phải chỉ là một cuộc khởi nghĩa đã đánh đổ được hai dòng họ phong kiến trị vì trong nhiều thế kỷ ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, mà còn hoàn thành sự nghiệp chống ngoại xâm đánh lui hai kẻ thù hùng mạnh ở miền nam và miền bắc. Vì vậy trong những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, khi tinh thần dân tộc được nâng cao do tác động của các phong trào đấu tranh giải phóng, thì cuộc khởi nghĩa lại trở thành trọng tâm chú ý của nhiều nhà sử học. Tiếp đến trong những năm sau chiến tranh chống Pháp, trong xu hướng đề cao vai trò động lực lịch sử của nông dân, cuộc nổi dậy của những người anh hùng áo vải lại tăng thêm sức hấp dẫn các nhà sử học Mác xít ở miền Bắc, muốn chứng minh cho một định đề có sẵn. Thậm chí có tác giả còn đi đến nhận định đây là một cuộc cách mạng nông dân, hoặc đi xa hơn, cho đây là cái mốc đánh dấu sự hình thành của dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, trong thư mục của Thư viện Quốc gia Hà Nội, đã có không dưới 60 cuốn sách của các tác giả Việt Nam nghiên cứu về phong trào này, đấy là chưa kể hàng trăm hàng ngàn bài báo và tạp chí cứ mỗi năm đến ngày Tết nguyên đán lại nhắc đến chiến thắng Đống Đa lịch sử và đưa ra những đánh giá mới về cuộc khởi nghĩa.         

          Nhưng rồi những suy nghĩ cảm tính dần dần cũng lắng đọng để đi đến những phân tích lý trí. Các nhà nghiên cứu quan tâm hơn đến những tài liệu bổ trợ ngoài lịch sử chính thống, đặc biệt là những tài liệu dân gian và những văn bản của thời đó còn sót lại, mong dựng lại một bức tranh chính xác về bản chất cuộc khởi nghĩa. Phải thừa nhận rằng trong mấy thập niên qua, chúngg ta đã sưu tập được khá nhiều tài liệu mới về Tây Sơn, từ những văn bia bị bỏ quên, những gia phả trong các dòng họ, đến những văn thư trao đổi ở các đồn biên cảnh còn lưu giữ được, và nhất là những câu chuyện kể dân gian rất phong phú. Nhưng lúc này chúng ta đang đứng trước một thách thức, đó là tài liệu về thời Tây Sơn còn lại không đầy đủ, nhiều lỗ hổng chưa được chứng minh. Chẳng hạn riêng chuyện các viên tướng Tây Sơn chỉ huy các mũi tấn công Thăng Long năm 1789, cũng đã làm tốn bao giấy mực tranh luận mà vẫn chưa làm người đọc thỏa mãn.          

          Chính vì vậy mà việc tái bản cuốn Việt Nam thời Tây Sơn của Tạ Chí Đại Trường là một đóng góp mới đối với việc nghiên cứu lịch sử cuộc khởi nghĩa. Có lẽ đây là một trong những công trình sớm nhất đã cố gắng thu thập tối đa những tư liệu viết về Tây Sơn của đủ các loại người, từ các sử gia chính thống, đến những người trong cuộc đương thời, và quan trọng hơn là lời chứng của các giáo sĩ, thương nhân và bọn phiêu lưu nước ngoài đã có mặt ở Đại Việt trong những thời kỳ đó (sách xuất bản lần đầu năm 1970 tại Sài Gòn). Tác giả đã làm công việc khảo cứu một cách có hệ thống, đi từ việc giám định các tư liệu được sử dụng, xác định tính chân xác của các tư liệu đó, từ tài liệu chữ Hán Nôm, đến các ghi chép và bút ký của người nước ngoài. Những địa danh bằng chữ Hán Nôm được xác định lại như Bân Thiết là Mang Thít, Xuy Miệt là Xoài Mút, Thán Lung là Thang Trông. Những tên người tên đất được người nước ngoài ghi lại bằng, những cái tên kỳ quặc như Ou doi be, Hoe Hanh Loie, Choya, cua Heo đã được tác giả đối chiếu, tìm quy luật chuyển âm để dựng lại chính xác hoặc đưa ra giả định mới. Qua tham khảo một khối lượng tài liệu phong phú mà tác giả đã dựng lại được cả một giai đoạn lịch sử kể từ khi nổ ra cuộc khởi nghĩa ở Tây Sơn cho đến khi nhà Nguyễn thống nhất đất mrớc, kết thúc cuộc chiến tranh hơn 30 năm. Mỗi một sự kiện đều có sự so sánh giữa tài liệu ghi lại của các đại thần nhà Lê, đến các sử quan nhà Nguyễn, và tham chiếu những ghi chép của các nhân chứng ngoại quốc và tư liệu Trung Hoa. Tác giả không bỏ qua những tư liệu văn học và truyền thuyết dân gian để hiểu rõ thêm tình cảm của nhân dân đối với từng nhân vật và từng sự kiện lịch sử.      

          Nếu trong lần xuất bản đầu tiên tác giả lấy tên công trình là Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, thì trong khi trình bày, tác giả không dừng lại ở những xung đột giữa các tập đoàn quân sự Bắc Hà, Nam Hà và quân khởi nghĩa, mà còn đề cập đền nhiều hoạt động khác của xã hội mà nổi lên trên hết là hai cuộc chiến chống ngoại xâm vang dội ở Rạch Gầm-Xoài Mút và ở Đống Đa. Vì vậy trong lần tái bản này, được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi đã đổi lại tên sách là Việt Nam thời Tây Sơn, mang tính bao quát hơn. Như tác giả đã nhận định trong lời kết là “Tất cả đã tạo nên một hoàn cảnh sôi sục trong phát triển ở Nam Hà. Địa phương và trung ương trông chừng nhau ở cả hai bên sông Gianh, nhưng sức mạnh địa phương miền Bắc đã yếu thế nhiều vì quá khứ 10 thế kỷ kết tập chung sống. Cho nên biến cố có tên là Tây Sơn lại nổ bùng ra ở Nam Hà và đủ sức mạnh để đảo lộn tất cả: chiến tranh 32 năm chỉ là cái gút để tóm thâu kết quả của mấy trăm năm gầm gừ phân tranh, mấy trăm năm biến đổi dần dà trong xã hội Đại Việt ( ... ). Cho nên phải nói rằng những thừa hưởng của quá khứ, của trận chiến kết thúc phân tranh, đậm hay lạt, nhiều hay ít rồi sẽ hợp với những điều kiện mới nảy sinh để bắt đầu lịch sử Việt Nam. Đất nước sẽ càng ngày càng phức tạp hơn để theo những biến động thế giới mà bước vào thời cận đại với Gia Long”.         

          Việt Nam thời Tây Sơn là mộl giai đoạn bản lề trong lịch sử đất nước ta. Đó là sự bùng nổ của những xung đột ngấm ngầm bên trong một xã hội đang trên đà phát triển, để san bằng tất cả mọi trở ngại trên con đường thống nhất dân tộc, phát triển quốc gia. Mong rằng việc tái bản cuốn sách này sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, muốn hiểu sâu thêm về một giai đoạn đầy biến động của dân tộc, có được cái nhìn đầy đủ hơn về những nhân vật anh hùng cũng như những kẻ phiêu lưu của một thời kỳ lịch sử.                  

          ĐÀO HÙNG         

          Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam