LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 3
LỊCH SỬ VIỆT NAM – TẬP 3
Log in to download this book.
Publisher | NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI |
---|---|
Accessible book producer | Sao Mai Center for the Blind |
Published year | 2017 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI |
LỜI MỞ ĐẦU
Sử học là khoa học nghiên cứu về quá trình phát triển của xã hội loài người nói chung hay của một quốc gia, một dân tộc nói riêng. Nghiên cứu lịch sử là nhằm tìm hiểu những sự kiện xảy ra trong quá khứ để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai. Nghiên cứu và biên soạn lịch sử, vì vậy, trở thành một yêu cầu bức thiết của mọi quốc gia, dân tộc. Phạm Công Trứ, nhà chính trị danh tiếng, nhà sử học sống ở thế kỷ XVII, trong bài Tựa sách Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên viết: "Vì sao mà làm quốc sử? Vì sử chủ yếu là để ghi chép sự việc. Có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời. Mà ngòi bút chép sử giữ nghị luận rất nghiêm, ca ngợi đời thịnh trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời, mặt trăng, lên án kẻ loạn tặc thì gay gắt như sương thu lạnh buốt, người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ đến việc chính trị không phải là không nhiều. Cho nên làm sử là cốt để cho được như thế"[1].
Việt Nam là một dân tộc có lịch sử lâu đời. Việt Nam cũng là một dân tộc yêu sử và có rất nhiều người ham thích tìm tòi, nghiên cứu và biên soạn lịch sử. Đã có nhiều công trình lịch sử được công bố, không chỉ do các cơ quan, tổ chức chuyên nghiên cứu biên soạn, mà còn do cá nhân người yêu sử thực hiện... Điều này vừa có mặt tích cực, lại có mặt tiêu cực. Tích cực vì sẽ góp phần giúp nhân dân hiểu thêm về lịch sử nước nhà, nhưng cũng chứa đựng yếu tố tiêu cực là dễ dẫn tới những hiểu biết phiến diện, sai lầm về lịch sử... đôi khi đồng nhất truyền thuyết với lịch sử?
Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong gần 60 năm xây dựng và phát triển, đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố nhiều tư liệu lịch sử; đồng thời tập trung công sức nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam trên tất cả các phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... Việc nghiên cứu, làm sáng rõ những vấn đề cơ bản trong lịch sử Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời chuẩn bị điều kiện cần thiết về nội dung khoa học tiến tới biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến ngày nay.
Trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội kiêm Viện trưởng Viện Sử học, Viện Sử học đã tổ chức biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam gồm ba tập, Tập I xuất bản năm 1971, Tập II xuất bản lần đầu năm 1985, tái bản có sửa chữa, bổ sung năm 2004.
Đến thập niên 90, Viện Sử học tổ chức biên soạn và công bố một số tập Lịch sử Việt Nam, gồm: Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X, Lịch sử Việt Nam thế kỷ X và XV, Lịch sử Việt Nam 1858-1896, Lịch sử Việt Nam 1897-1918, Lịch sử Việt Nam 1954-1965 và Lịch sử Việt Nam 1965-1975.
Kế thừa thành quả nghiên cứu của thời kỳ trước, bổ sung các kết quả nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực, trong khoảng 10 năm gần đây, Viện Sử học tổ chức biên soạn và nay cho xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam 15 tập trên cơ sở kết quả Chương trình nghiên cứu cấp Bộ của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Để biên soạn bộ sách này, Viện Sử học xác định Lịch sử Việt Nam phải được nhận thức là lịch sử của các cộng đồng quốc gia và tộc người đã từng sinh sống trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam hiện nay, đóng góp vào sự phát triển của văn hóa và văn minh Việt Nam, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Viết về tiến trình lịch sử Việt Nam cần phải có cái nhìn đa tuyến với điểm xuất phát là sự tồn tại trong thời kỳ cổ đại của ba trung tâm văn hóa dẫn đến sự hình thành những nhà nước sơ khai: trung tâm văn hóa Đông Sơn và nước Văn Lang - Âu Lạc ở miền Bắc, trung tâm văn hóa Sa Huỳnh và nước Lâm Ấp (Champa) ở miền Trung, trung tâm văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam ở miền Nam.
Chính sự hội nhập của ba dòng văn hóa ấy, mà dòng chủ lưu thuộc về văn hóa Đông Sơn và nước Văn Lang - Âu Lạc, đã tạo nền tảng phong phú, thống nhất trong đa dạng của lịch sử văn hóa Việt Nam ngày nay.
Trong quá trình biên soạn, những đặc diêm khác của lịch sử Việt Nam cũng được chú ý đến. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một quốc gia đa tộc người, trong đó người Kinh chiếm đa số (hơn 86% dân số). Đây cũng là lịch sử của một dân tộc luôn thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì vậy bên cạnh các trang viết về lịch sử chống ngoại xâm như một đặc điểm nổi bật và xuyên suốt của lịch sử Việt Nam, thì lịch sử xây dựng đất nước, lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng được coi trọng. Đồng thời, lịch sử Việt Nam được đặt vào bối cảnh khu vực và quốc tế trong mỗi thời kỳ. Mục tiêu của chúng tôi là có gắng dựng lại trung thực, khách quan bức tranh toàn cảnh về lịch sử Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử cụ thể.
Mặc dù có nhiều có gắng, song với một công trình lớn như vậy, chắc chắn các tác giả sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong bạn đọc góp ý để công trình đạt chất lượng tốt hơn khi có dịp tái bản.
Xin trân trọng cảm ơn.
Hà Nội, tháng 8 năm 2013
PGS.TS. Trần Đức Cường
Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sử học,Tổng Chủ biên công trình
[1] Đợi Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, fr. 96.