Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay, rất nhiều những
khoảng cách trong học tập và công việc đã được thu hẹp nhờ việc ứng dụng AI hiệu
quả. Nhận thấy tiềm năng và sự cần thiết của việc tiếp cận AI trong cộng đồng người
khiếm thị, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, dự án “Trang bị kỹ năng AI cho người
khiếm thị ở Hà Nội và Bắc Ninh” đã được triển khai bởi nhóm Starlight, với sự hỗ trợ
của The Nippon Foundation thông qua Sao Mai vì người mù. Dự án hướng đến mục
tiêu trang bị các kỹ năng AI cần thiết phục vụ cho việc làm và học tập của người
khiếm thị, đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực cho các bạn trẻ khiếm thị về
trách nhiệm lan tỏa các giá trị tích cực tới cộng đồng.
Tập huấn ở Hà Nội
Khởi động dự án là khóa tập huấn được tổ chức tại Hà Nội, quy tụ 10 bạn trẻ khiếm
thị có tinh thần ham học hỏi và mong muốn đóng góp cho cộng đồng. Tại đây, các bạn
không chỉ được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các công cụ AI hữu ích như
ChatGPT, Gemini, Be My Eyes,… mà còn được trang bị kỹ năng sư phạm để trở
thành giảng viên nguồn. Với những kiến thức sau buổi tập huấn, cùng với sự đồng
hành hướng dẫn từ giảng viên, 10 bạn trẻ khiếm thị này đã tự thiết kế các nội dung tập
huấn phù hợp với đặc điểm của từng địa phương Bắc Ninh, sẵn sàng tham gia triển
khai các buổi tập huấn.
Tập huấn ở Bắc Ninh
Sau khi hoàn thành khóa tập huấn tại Hà Nội, các giảng viên nguồn đã trực tiếp triển
khai ba lớp tập huấn tại ba huyện của tỉnh Bắc Ninh: Tiên Du, Từ Sơn và Yên Phong.
Mỗi lớp có khoảng 20 học viên là người khiếm thị sinh sống tại địa phương. Nội dung
giảng dạy tập trung vào kỹ năng sử dụng các công cụ AI cơ bản, hỗ trợ cho công việc
và học tập, tiêu biểu như: tìm kiếm thông tin với Gemini, sử dụng Be My Eyes để hỗ
trợ nhận diện hình ảnh,... Qua các buổi học, học viên không chỉ nâng cao hiểu biết về
công nghệ mà còn cảm thấy tự tin hơn trong việc áp dụng AI vào công việc, học tập
và cuộc sống thường ngày.
Kết quả đạt được
Sau quá trình triển khai tại Hà Nội và Bắc Ninh, dự án đã mang lại nhiều kết quả thiết
thực:
- 10 bạn trẻ khiếm thị tại Hà Nội đã hoàn thành khóa đào tạo và trở thành giảng
viên nguồn, sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kỹ năng cho cộng đồng người khiếm
thị tại địa phương.
- 60 người khiếm thị tại Bắc Ninh đã được tiếp cận và thực hành sử dụng các
công cụ AI hỗ trợ học tập, làm việc và sinh hoạt hằng ngày.
- Nâng cao nhận thức về tiềm năng của công nghệ AI trong việc hỗ trợ người
khiếm thị độc lập hơn trong cuộc sống.
- Tạo ra một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau giữa các học viên và giảng viên nguồn,
góp phần thúc đẩy tinh thần học tập và chia sẻ lâu dài trong cộng đồng.
Share via:
EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin