Vượn Trần Trụi

Ảnh bìa; Vượn Trần Trụi

Vượn Trần Trụi

Tác giả: Desmond Morris
Chủ đề: Chuyên ngành khác
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN
Nhà xuất bản sách tiếp cận Public domain
Năm xuất bản 2010
Coppy right Nhà xuất bản hội nhà văn

            Hiện tại có 193 loài khỉ và vượn còn sinh tồn. 192 loài có lông che phủ. Ngoại lệ là loài vượn trần trụi, tự gọi chính mình là Homo sapiens (Người khôn ngoan). Loài đặc biệt và thành công lớn này dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu những động cơ của các tập tính “cao sang” hơn của mình và cũng gần ngần ấy thời gian để cố tình phủ nhận những động cơ nền tảng trong số đó. Nó tự hào về việc có bộ não lớn nhất trong số mọi loài linh trưởng, nhưng cũng cố gắng che giấu một thực tế rằng nó có dương vật lớn nhất, mà cứ thích dành danh dự này một cách giả dối cho loài vượn gôrila to lớn. Nó cũng là loài vượn có thanh âm mãnh liệt, rất ưa khám phá, sống bầy đàn quá đông đúc. Đã đến lúc chúng ta nên khảo sát tập tính cơ bản của nó.

            Tôi là một nhà động vật học và vượn trần trụi là một động vật. Vì thế nó là con mồi sòng phẳng cho ngòi bút của tôi và tôi không muốn lảng tránh nó lâu thêm nữa, chỉ vì lý do một số kiểu tập tính của nó phức tạp khó giải thích và gây ấn tượng lạ lùng. Lý do biện hộ của tôi là, cho dù trở thành quá uyên bác, nhưng Homo sapiens vẫn mãi cứ là loài vượn trần trụi; để đạt được các động cơ tập tính mới cao quý, thì nó vẫn chẳng mất một cái nào trong số các động cơ cũ “thấp hèn”. Điều này thường xuyên là nguyên nhân gây ra một số bối rối đối với nó, vì các xung lực bản năng cũ vẫn đi theo cùng nó trong hàng triệu năm, còn các xung lực mới chỉ có nhiều nhất là vài nghìn năm - vậy nên không có hi vọng gì về việc nhanh chóng rũ sạch tài sản di truyền đã tích lũy trong toàn bộ quá khứ tiến hóa của nó. Chỉ khi nào chấp nhận thực tế này, nó mới có thể trở thành loài động vật ít âu lo hơn và mãn nguyện nhiều hơn. Có lẽ đây là chỗ mà một nhà động vật học có thể giúp đỡ nó.

            Một trong những đặc điểm kỳ quặc nhất của các nghiên cứu trước đây về tập tính của vượn trần trụi là ở chỗ người ta gần như luôn luôn lảng tránh những điều hiển nhiên. Các nhà nhân loại học trước đó đổ xô vào đủ mọi ngóc ngách không chắc có thật của thế giới nhằm lần ra manh mối sự thật cơ bản về bản chất của chúng ta, đang nằm tản mát trong những chốn hẻo lánh, tù đọng văn hóa, không điển hình và không thành công đến mức gần như tuyệt chủng. Sau đó họ quay trở lại với các sự kiện gây sửng sốt về các tập quán hôn phối kỳ quái, các hệ thống quan hệ họ hàng kỳ dị, hoặc các thủ tục lễ nghi kỳ quặc của các bộ lạc này, và sử dụng các tư liệu này như thể chúng có tầm quan trọng trung tâm đối với tập tính của loài chúng ta khi xét tổng thể. Tất nhiên, công việc do những nhà nghiên cứu này thực hiện cực kỳ thú vị và có giá trị nhất trong việc chỉ ra cho chúng ta thấy điều gì có thể xảy ra khi một nhóm những con vượn trần trụi bị lạc vào một ngõ cụt văn hóa. Nó hé lộ rằng các kiểu hành vi của chúng ta có thể đi chệch xa đến đâu ra khỏi chuẩn thông thường mà không dẫn tới sự sụp đổ xã hội hoàn toàn. Nhưng nó không cho chúng ta biết tí gì về tập tính điển hình của những con vượn trần trụi điển hình. Điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách xem xét các kiểu hành vi chung được chia sẻ giữa mọi thành viên thông thường và thành đạt của các nền văn hóa lớn - các mẫu vật dòng chủ đạo, những cá nhân điển hình đại diện cho đại đa số. Về mặt sinh học, đây là cách tiếp cận hợp lý duy nhất. Phản bác lại điều này, một nhà nhân loại học theo phong cách cũ có thể biện hộ rằng các nhóm bộ lạc đơn sơ về mặt công nghệ gần với bản chất của vấn đề đang xét hơn so với các thành viên của các nền văn minh tiên tiến. Tôi cho rằng không hẳn như vậy. Các nhóm bộ lạc đơn giản đang sinh sống ngày nay không phải là nguyên thủy mà đang tự phủ nhận chính mình. Các bộ lạc nguyên thủy thật sự đã không tồn tại trong nhiều nghìn năm. Vượn trần trụi về bản chất là loài thích khám phá và bất cứ xã hội nào không tiến bộ lên được thì trong một số khía cạnh nhất định là đã thất bại, đã “đi sai đường”. Có điều gì đó đã xảy ra đối với nó làm cho nó tụt hậu, là điều đang chống lại các xu hướng tự nhiên của loài ưa khám phá và điều tra thế giới xung quanh nó. Những đặc trưng mà các nhà nhân loại học trước đây đã nghiên cứu ở các bộ lạc này có thể chính là các đặc trưng cản trở sự tiến bộ của các nhóm liên quan. Vì thế thật nguy hiểm khi sử dụng thông tin này làm cơ sở cho sơ đồ tổng quát bất kỳ về tập tính của chúng ta xét trên phương diện một loài.

            Ngược lại, các nhà tâm thần học và phân tâm học thì ở gần đích nhắm hơn và tập trung vào nghiên cứu lâm sàng của các mẫu vật dòng chủ đạo. Phần lớn tư liệu ban đầu của họ, mặc dù không chịu tác động của các nhược điểm trong thông tin nhân loại học, nhưng cũng có sự thiên lệch đáng tiếc. Những cá thể mà công bố của các nhà khoa học nói trên dựa vào, dù đều gốc gác từ dòng chủ đạo, nhưng lại là các mẫu vật lệch chuẩn hay bất đắc chí về khía cạnh nào đó. Nếu đó là các cá thể mạnh khỏe, thành đạt và vì thế là cá thể điển hình, thì họ đã không cần phải tìm kiếm sự trợ giúp tâm thần và không đóng góp vào kho thông tin của các nhà tâm thần học. Một lần nữa, tôi không mong muốn làm giảm giá trị của những nghiên cứu loại này. Nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn thấu suốt hết sức quan trọng về cách thức các kiểu tập tính của chúng ta có thể bị phá vỡ. Tôi chỉ muốn nói rằng khi cố gắng thảo luận bản chất sinh học nền tảng của loài chúng ta như một khối tổng thể, sẽ không sáng suốt khi đánh giá quá cao những tìm tòi khám phá nhân loại học và tâm thần học trước đây.

            (Tôi cũng muốn bổ sung rằng tình hình của nhân loại học và tâm thần học đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều nhà nghiên cứu hiện đại trong các lĩnh vực này công nhận hạn chế của những điều tra nghiên cứu trước đây và đang quay sang nghiên cứu các cá thể điển hình và mạnh khỏe ngày càng nhiều hơn. Như một nhà nghiên cứu đã phát biểu gần đây: “Chúng ta đang đặt cái cày trước con trâu. Chúng ta đã túm lấy những người bất thường, và giờ đây chỉ mới bắt đầu, tuy hơi muộn một chút, tập trung vào những người bình thường.)

            Cách tiếp cận tôi sử dụng trong quyển sách này lấy tư liệu từ ba nguồn chính: (1) thông tin về quá khứ của chúng ta đã được các nhà cổ sinh vật học khai quật và dựa trên hóa thạch cùng các di vật khác của tổ tiên chúng ta; (2) thông tin có sẵn từ các nghiên cứu tập tính động vật của các nhà tập tính học so sánh, dựa trên quan sát chi tiết trên phạm vi rộng các loài động vật, đặc biệt là những họ hàng còn sinh tồn gần gũi nhất với chúng ta, các loài khỉ và vượn; và (3) thông tin có thể tập hợp được bằng quan sát đơn giản, trực tiếp đối với các kiểu tập tính cơ bản nhất và chia sẻ rộng nhất của các mẫu vật dòng chủ đạo thành đạt từ các nền văn hóa lớn đương đại của bản thân loài vượn trần trụi.

            Do khối lượng công việc, đơn giản hóa cao độ theo một cách nào đó sẽ là cần thiết. Cách thức tôi thực hiện điều này chủ yếu là tránh đi vào chi tiết của công nghệ và tránh nói dài dòng, mà tập trung vào những khía cạnh nào trong cuộc sống của chúng ta có sự tương ứng hiển nhiên ở các loài khác: các hoạt động như kiếm ăn, chải chuốt, ngủ, tranh đấu, kết đôi và nuôi nấng con cái. Khi đối mặt với các vấn đề nền tảng này, vượn trần trụi phản ứng như thế nào? Các phản ứng của nó so với phản ứng của những loài khỉ và vượn khác như thế nào? Ở phương diện cụ thể nào thì nó là độc nhất vô nhị, và những đặc điểm kì cục của nó có liên quan tới lịch sử tiến hóa đặc biệt của nó như thế nào?

            Trong quá trình giải quyết những vấn đề này tôi nhận thức rõ rằng tôi đang gánh chịu nguy cơ làm mếch lòng khá nhiều người. Có những người không thích thưởng ngoạn bản chất động vật của chính mình. Họ có thể cho rằng tôi đã hạ cấp loài chúng ta bằng việc thảo luận nó theo các thuật ngữ động vật thô thiển. Tôi chỉ có thể đảm bảo với họ rằng đây không phải là mục đích của tôi. Những người khác sẽ không hài lòng vì bất kỳ sự xâm nhập nào vào lĩnh vực động vật học chuyên sâu mà họ là chuyên gia. Nhưng tôi tin rằng cách tiếp cận này có thể có ích, và dù các thiếu sót của nó có là gì đi chăng nữa, thì nó sẽ rọi một luồng sáng mới (và ở một số khía cạnh khá bất ngờ) vào bản chất phức tạp của loài đặc biệt là con người chúng ta.