Thương Hiệu Lớn Rắc Rối Lớn

Ảnh bìa; Thương Hiệu Lớn Rắc Rối Lớn

Thương Hiệu Lớn Rắc Rối Lớn

Tác giả: Jack Trout
Chủ đề: Chuyên ngành khác
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản LAO ĐỘNG - XÃ HỘI
Nhà xuất bản sách tiếp cận Public domain
Năm xuất bản 2011
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - XÃ HỘI

            Trong những năm gần đây, các nhà điều hành doanh nghiệp liên tục tìm kiếm các mô hình kinh doanh tiêu biểu. Và Tom Peters đã góp phần đẩy mạnh xu hướng này cùng cuốn sách thành công mà ông là đồng tác giả ‒ Kiếm tìm sự hoàn hảo (Haper & Row, 1982).

            Tuy nhiên, sự hoàn hảo, như được chỉ rõ trong cuốn sách, không đồng nghĩa với sự tồn tại vĩnh viễn, khá nhiều ví dụ điển hình được đưa ra trong cuốn sách đã “chìm xuống”.

            Cuốn sách dựa trên một nghiên cứu của McKinsey được tiến hành với 75 công ty có vị trí cao trên thị trường và dựa trên những cuộc phỏng vấn chuyên sâu cùng 25 năm xem xét tài liệu. Để đạt tiêu chuẩn hoàn hảo, mỗi tổ chức phải đạt điểm tốt trong một thời gian dài về cả hai mặt tăng trưởng và tình hình kinh tế. Tuy nhiên, không bao lâu sau khi cuốn sách nổi tiếng này được xuất bản, rất nhiều những tên tuổi hoàn hảo trong đó đã gặp trục trặc, trong đó có những công ty như Digital Equipment, IBM, Data General, Kmart và Kodak.

            Những bài học được rút ra là những điều quen thuộc và cơ bản như: Hãy duy trì sự gần gũi, thân thiện với khách hàng; Chú trọng xây dựng các giá trị của doanh nghiệp; Tìm kiếm năng suất thông qua con người; Làm nhiều hơn nói và luôn hướng đến giá trị; Tập trung vào những thế mạnh vốn có. Một trong những điều mà tôi từng ưa thích là “chỉ hướng vào hành động”. Một nhân viên quản lý cấp cao của Digital Equipment Corporation cũng từng nói, “Khi gặp phải một vấn đề lớn, chúng tôi tập hợp 10 nhân viên cấp cao vào một căn phòng trong khoảng một tuần. Họ sẽ tìm ra một câu trả lời và thực thi nó.” Tuy nhiên, cuối cùng họ đều cùng đi đến những câu trả lời sai. Rất nhiều bài học được rút ra từ trải nghiệm “10 người trong một căn phòng” này.

            Và những cuốn sách sau này của Tom Peters cũng không mang lại cho bạn nhiều chỉ dẫn hơn. Đúng như một bài báo trên tờ Fortune nhận xét: “Càng trò chuyện với Peters, người ta càng nhận ra rằng Peters, trong những năm 1990, dành quá nhiều thời gian nói về những hiện tượng đặc biệt, những ví dụ không thể làm theo.” (ngày 13 tháng 11 năm 2000)

            Gần đây hơn, có một cuốn sách khá nổi tiếng viết theo cách thức đưa ra phương pháp bằng các ví dụ là Xây dựng để trường tồn (Built to last) (HaperCollins, 1994), của James Collins và Jerry Porras. Trong cuốn sách, các tác giả trình bày một cách sinh động về “Những mục tiêu lớn táo bạo” đã biến những công ty như Boeing, Wal-Mart, General Electric, IBM trở thành những người khổng lồ thành công như họ đã đạt được.

            Những công ty mà các tác giả cuốn Xây dựng để trường tồn gợi ý để làm theo là những công ty được thành lập từ 1812 (Citicorp) đến 1945 (Wal-Mart). Các doanh nghiệp này không phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt như trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Quả thật có rất nhiều thứ bạn có thể học hỏi từ thành công của họ, nhưng nên nhớ họ có được tăng trưởng khi môi trường kinh doanh còn dễ dàng hơn rất nhiều. Vì vậy, những tấm gương này không thật sự hữu ích cho các công ty hiện nay.

            Tôi có một hướng tiếp cận tốt hơn.

            Không chỉ vì việc học hỏi từ thất bại dễ dàng hơn, nó còn đưa ra những phân tích thấu đáo hơn về điều gì mang lại hiệu quả và điều gì không. Chúng ta luôn được dạy rằng nên học từ những thất bại của chính mình. Nhìn nhận thời kỳ sa sút cùng với những thời điểm thăng hoa của các thương hiệu lớn có thể chỉ cho bạn điều gì dẫn đến sai lầm của họ. Trong khoảng thời gian gần đây, con số các công ty đã đi từ huy hoàng đến khó khăn là không ít.

            Độc giả các cuốn sách trước đây của tôi có thể sẽ nhận ra rằng một số công ty đã trở thành các trường hợp nghiên cứu điển hình. Cho dù trước đây tôi đã từng viết về các công ty đó, lần này, tôi sẽ đặt họ dưới kính hiển vi và rút ra những lý do ẩn sâu trong những khó khăn của họ, từ đó đưa ra gợi ý về những hành động có thể giúp họ vượt qua thử thách.

            Lồng trong các câu chuyện đó, lần đầu tiên tôi cũng kể lại một số sự kiện mang tính cá nhân. Đây không phải là một cuốn sách có thể nói cho bạn tất cả, nhưng nó sử dụng những phân tích trung thực nhằm giúp độc giả hiểu rằng những vấn đề có thể dẫn các công ty giàu có, thành công đến rắc rối là không hề hiếm.

            Mà việc giải quyết các rắc rối đó lại không hề dễ dàng.