Thiền Đạo
Thiền Đạo
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | THẾ GIỚI |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp HCM |
Năm xuất bản | 2015 |
Coppy right | Nhà xuất bản thế giới |
Suốt hai mươi năm qua, mối lưu tâm dành cho Phật giáo Thiền đặc biệt gia tăng. Từ sau Thế chiến II, sự lưu tâm này tăng cao đến mức dường như nó đang trở thành một sức mạnh đáng kể trong giới trí thức và nghệ sĩ phương Tây. Điều này hiển nhiên liên quan đến sự hào hứng chung đối với nền văn hóa Nhật Bản - một trong những kết quả tích cực của cuộc chiến tranh vừa qua - nhưng đó có thể chẳng là gì hơn một trào lưu thời thượng thoáng qua. Lý do sâu xa hơn của sự lưu tâm này là thế giới quan Thiền rất gần gũi với đường biên đang dãn rộng của tư tưởng phương Tây.
Bất chấp những khía cạnh hủy hoại và đáng báo động hơn của nền văn minh phương Tây, chúng ta hẳn vẫn nhận ra thực tế rằng ngay thời điểm này, nó đang ở vào một trong những thời kỳ sáng tạo nhất. Trong một số lĩnh vực mới của khoa học phương Tây, như tâm lý học và tâm lý trị liệu, luận lý và triết học về khoa học, ngữ nghĩa học và lý thuyết truyền thông, đang xuất hiện những tư tưởng và nội kiến đặc biệt hấp dẫn. Có thể một số trong những thành tựu phát triển này chịu ảnh hưởng của triết học Á Đông, nhưng nhìn chung, tôi nghiêng về cảm giác rằng đây chủ yếu là sự phát triển song song mang nhiều tương đồng hơn là do ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, chúng ta đang dần nhận thức được sự tương đồng ấy, và điều này hứa hẹn những trao đổi quan kiến hẳn vô cùng hấp dẫn.
Ở thế kỷ này, tư tưởng phương Tây đã thay đổi nhanh đến nỗi chúng ta rơi vào trạng thái khá bối rối. Không chỉ có những lệch pha nghiêm trọng về giao tiếp giữa giới trí thức và quần chúng, mà chiều hướng tư duy và chính chiều hướng lịch sử của chúng ta đã làm xói mòn nghiêm trọng những mặc định theo lẽ thường, vốn là cội rễ của các quy ước và thể chế xã hội. Những khái niệm quen thuộc về không gian, thời gian và vận động, về tự nhiên và quy luật tự nhiên, về lịch sử và biến đổi xã hội, và về chính nhân cách con người đã mất dần; chúng ta thấy mình trôi dạt vô định trong một vũ trụ ngày càng giống nguyên lý “Đại Không” của Phật giáo. Những truyền thống minh triết khác nhau của phương Tây, dù là tôn giáo, triết học hay khoa học, cũng không cung cấp nhiều chỉ dẫn về nghệ thuật sống trong một vũ trụ như vậy, và chúng ta đứng trước viễn cảnh phải tự mở con đường của mình trong một đại dương mông lung khá đáng sợ của tính tương đối. Chúng ta thường quen với những gì tuyệt đối, với những nguyên lý và quy luật chính xác mà mình có thể nắm lấy để được an toàn về tâm lý và tinh thần.
Theo tôi, đây là lý do tại sao lại có nhiều lưu tâm đến vậy đối với một lối sống hữu ích về văn hóa khiến qua suốt một thiên niên kỷ rưỡi người ta cảm thấy hoàn toàn an nhiên trong cái “Không”, và không những không cảm thấy sợ cái “Không” ấy, mà còn an lạc tích cực. Nói theo ngôn ngữ đặc thù của Thiền thì Thiền luôn là:
Trên không miếng ngói che,
Dưới không đất cắm dùi.(1)
Loại ngôn ngữ này hẳn không quá xa lạ với chúng ta, một khi chúng ta thực sự sẵn sàng chấp nhận ý nghĩa của “con chồn có hang, chim trời có tổ; nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”(2).
Nhìn chung, tôi không ủng hộ “nhập khẩu” Thiền từ Viễn Đông, vì Thiền gắn kết sâu sắc với các định chế văn hóa khá xa lạ với chúng ta. Nhưng rõ ràng Thiền có những thứ chúng ta có thể học hỏi, hay loại trừ, và áp dụng theo cách riêng của mình. Giá trị đặc biệt của Thiền là nó có cách tự biểu đạt dễ hiểu - hoặc có thể gây bối rối - cho giới học thức cũng như người bình thường, cung cấp những khả năng truyền đạt mà chúng ta chưa từng trải nghiệm. Thiền có tính trực tiếp, nên thơ và hài hước, một cảm giác vừa đẹp đẽ vừa vô nghĩa, do vậy vừa gây bực tức vừa làm say mê. Và trên hết, Thiền có một khả năng lột trần tâm trí người ta, khiến những vấn đề dường như bức bách nhất của con người tan rã vào những câu hỏi như “Vì sao là một con chuột khi nó xoay?”(3) Ở cốt lõi của Thiền là lòng từ bi mãnh liệt nhưng hoàn toàn không ủy mị đối với chúng sinh đang đau khổ và rã rượi vì chính những nỗ lực tự cứu mình của họ.
Sách về Thiền có nhiều cuốn rất hay, mặc dù một số cuốn hay nhất hiện không còn nữa hoặc khó kiếm. Nhưng, cho đến nay chưa ai - kể cả giáo sư Suzuki - từng trình bày vấn đề này một cách toàn diện, đầy đủ nền tảng lịch sử và mối liên hệ của Thiền với lối tư duy Trung Hoa và Ấn Độ. Ba tập Thiền luận (Essays in Zen Buddhism) của Suzuki là một tập hợp thiếu hệ thống các bài viết mang tính hàn lâm về những bình diện khác nhau của đề tài, cực kỳ hữu ích cho môn sinh cấp cao, nhưng lại trở ngại cho người đọc thông thường không am hiểu các nguyên lý chung. Cuốn Phật giáo Thiền nhập môn (Introduction to Zen Buddhism) khá lý thú của ông thì có tính chuyên sâu và khá hẹp. Sách bỏ sót những chi tiết cốt lõi về mối liên hệ của Thiền với Đạo giáo Trung Hoa và Phật giáo Ấn Độ, và hơi thần bí quá mức ở một số mặt. Những tác phẩm khác của ông nghiên cứu các khía cạnh đặc thù của Thiền, tất cả đều thiếu trình bày về bối cảnh chung và hoàn cảnh lịch sử.
Thiền trong văn học Anh ngữ và cổ thư phương Đông (Zen in English Literature and Oriental Classics) của R. H. Blyth là một trong những cuốn sách nhập môn tốt nhất hiện nay, nhưng chỉ được phát hành tại Nhật Bản, và cũng lại thiếu các thông tin căn bản về Thiền. Là một loạt những quan sát tản mạn và nặng về cảm nhận, cuốn sách không chủ ý trình bày chủ đề một cách có trình tự. Cuốn Tinh thần Thiền (Spirit of Zen) của tôi chỉ là phổ biến các tác phẩm trước đây của Suzuki, và ngoài việc thiếu tính học thuật, ở một số phương diện nó còn lỗi thời và gây lầm lẫn, mặc dù có thể có giá trị vì giản dị và dễ hiểu. Cuốn Phật giáo Thiền (Zen Buddhism) của Christmas Humphreys, chỉ được ấn hành ở Anh, cũng làm công việc phổ biến sách của Suzuki, và một lần nữa, chưa thực sự bắt đầu đặt Thiền vào bối cảnh văn hóa của nó. Sách viết sáng sủa mạch lạc, nhưng tác giả phát hiện ra những tương đồng giữa Phật giáo và thuyết Thần trí mà tôi thấy rất đáng nghi ngờ. Những nghiên cứu khác về Thiền của các tác giả phương Tây lẫn châu Á thì hoặc quá chuyên sâu, hoặc chỉ nhân tiện (à propos) nói về Thiền khi bàn về thứ gì đó khác như tâm lý học, nghệ thuật, hoặc lịch sử văn hóa.
Vậy nên, do thiếu những trình bày căn bản, có thứ lớp và toàn diện về đề tài này, không có gì lạ khi ấn tượng của người phương Tây về Thiền đều phần nào mù mờ, cho dù nó đã khơi gợi được nơi họ nhiệt tình và hứng thú. Cho nên, vấn đề là phải viết một cuốn sách như thế nào - và đây là điều tôi đã cố làm, vì dường như không có ai hiểu về đề tài này hơn tôi lại muốn viết nó hoặc có khả năng viết nó. Tôi cho rằng, lý tưởng là tác phẩm ấy được viết bởi một thiền sư đã thực chứng và được ấn chứng. Nhưng hiện tại chưa có vị nào như thế đủ tinh thông Anh ngữ. Chưa kể, khi người ta lên tiếng từ bên trong một truyền thống, đặc biệt từ trong hệ thống thứ bậc thiết chế của truyền thống ấy, thì luôn dễ thiếu một nhãn quan chung nhất định, và không thể có cái nhìn của người ở bên ngoài. Lại nữa, một trong những trở ngại lớn nhất cho việc truyền đạt giữa các thiền sư Nhật Bản và người phương Tây là sự mù mờ về những khác biệt trong các tiền đề văn hóa căn bản. Cả hai bên đều đã bị “gò chặt vào những khuôn mẫu riêng” đến mức không nhận ra những hạn chế trong cách thức giao tiếp của họ.
Cho nên có lẽ tác giả thích hợp nhất cho một tác phẩm như vậy là một người phương Tây đã trải qua vài năm tu học với một vị thầy Nhật Bản, kinh qua toàn bộ khóa huấn luyện Thiền. Nhưng theo quan điểm “hàn lâm khoa học” của phương Tây thì điều đó cũng không hề thích hợp, vì một người như thế đã là một người “nhiệt tình” và “thiên lệch”, không thể có cái nhìn khách quan và vô tư được. Nhưng may thay, hoặc rủi thay, Thiền trên hết là một kinh nghiệm, mang tính vô ngôn, đơn giản là không thể tiếp cận được theo cách thuần túy sách vở và hàn lâm. Để biết Thiền là gì, và đặc biệt cái gì không phải Thiền, chẳng có cách nào khác hơn là phải thực hành Thiền, trải nghiệm nó một cách cụ thể để khám phá ý nghĩa ẩn dưới ngôn từ. Tuy nhiên những người phương Tây đã trải qua những cách huấn luyện đặc biệt của Thiền Lâm Tế lại có xu hướng “thoái thác” và tránh giao tiếp theo nguyên tắc:
Người biết thì không nói, người nói thì không biết.(4)
Mặc dầu vậy, dù không “nói ra”, họ cũng không hoàn toàn “im miệng”. Một mặt, họ thích chia sẻ hiểu biết của mình với người khác. Nhưng mặt khác, họ tin rằng ngôn từ xét cho cùng là vô ích, chưa kể họ còn phải cam kết không kể về những khía cạnh nhất định trong sự tu học của mình. Do vậy, họ bắt đầu có thái độ đặc trưng châu Á là “Hãy đến và tự tìm hiểu”. Nhưng một người phương Tây được đào tạo theo khoa học dĩ nhiên là một anh chàng cẩn trọng và hoài nghi, sẽ muốn biết mình đang “tham dự” vào cái gì. Anh ta nhận thức sâu sắc rằng tâm trí có thể tự dối gạt, nó không thể đi tới những nơi mà đường vào chỉ dành cho những ai đã buông bỏ cái nhìn phán xét ở ngoài cửa. Người Á Đông hay có khuynh hướng xem thường thái độ này, và các đệ tử phương Tây của họ còn hơn thế, đến nỗi họ bỏ mặc không nói cho người tìm cầu bằng khoa học nhiều điều hoàn toàn có thể lĩnh hội qua hiểu biết lý trí và ngôn ngữ loài người.
Bởi vậy, viết về Thiền cũng khó khăn cả với người quan sát “khách quan” bên ngoài, lẫn đệ tử “chủ quan” bên trong. Nhiều lúc tôi thấy mình rơi vào cả hai tình huống khó xử trên. Tôi đã cộng tác và nghiên cứu với những “người quan sát khách quan” và tôi tin rằng, bất chấp mọi ưu điểm họ có, những người này không tránh khỏi bỏ mất điểm chính, nhai thực đơn thay vì thưởng thức bữa ăn. Tôi cũng đã ở trong một thứ bậc truyền thống - không phải Thiền - và tương tự cũng tin rằng từ vị thế này người ta không biết mình đang ăn gì. Từ một vị thế như vậy, người ta trở nên “khờ khạo” về mặt phương pháp, hay nói cách khác, không thể truyền đạt với những người ngoài cuộc.
Sẽ vừa nguy hiểm và ngớ ngẩn nếu thế giới của chúng ta là một tập hợp của các nhóm không thể giao tiếp với nhau. Điều này đặc biệt đúng trong những nền văn hóa lớn của phương Đông và phương Tây, nơi mà những tiềm lực giao tiếp thuộc về giới giàu nhất, còn những nguy cơ không thể giao tiếp thuộc về tầng lớp thấp kém nhất. Là người đã dành đâu đó trên hai mươi năm cố gắng làm sáng tỏ phương Đông với phương Tây, tôi ngày càng chắc chắn một điều, để diễn giải một hiện tượng như Thiền, cần đi theo một nguyên tắc rõ ràng. Một mặt, cần đồng cảm và tự thân trải nghiệm cách sống Thiền theo hết khả năng của mình. Mặt khác, phải cưỡng lại sự thôi thúc muốn “gia nhập tổ chức”, muốn dấn sâu vào những cam kết thể chế của nó. Từ vị thế hòa nhã trung dung này, người ta mới không quá dính mắc đến cả hai phía. Mặt khác, trong trường hợp tệ nhất, cách trình bày sai lạc sẽ khiến người ta biểu đạt bản thân rõ ràng hơn. Đó là vì mối quan hệ giữa hai vị thế sẽ sáng tỏ hơn nhiều khi có một cái thứ ba để đối chiếu. Vì vậy, kể cả nếu nghiên cứu này về Thiền không làm được gì hơn ngoài diễn tả một quan điểm chẳng phải Thiền cũng không phải thứ gì của phương Tây, ít nhất nó vẫn cung cấp điểm tham chiếu thứ ba ấy.
Tuy nhiên, chắc chắn một điều, cốt lõi của Thiền không thể được tổ chức hoặc bị biến thành sở hữu riêng của bất kỳ thể chế nào. Nếu có thứ gì trên đời vượt lên các tính chất tương đối của tác động văn hóa, thì đó là Thiền - dù nó được gọi bằng tên gì. Đây là một lý do tuyệt vời khiến Thiền không bị thể chế hóa, và lý giải cho thực tế rằng nhiều thiền giả tiêu biểu trong quá khứ là những người “đầu đội trời chân đạp đất”, chưa bao giờ là thành viên của một tổ chức Thiền nào, và chẳng bao giờ tìm kiếm sự thừa nhận từ giới chức có thẩm quyền nào.
Vì vậy, đây là cách tôi tiếp cận Thiền - và tôi cảm thấy cần thành thật với độc giả bởi ngày nay người ta quá quan tâm đến thành tích hay “năng lực” của một người. Tôi không thể miêu tả mình như một thiền tử, hay thậm chí một Phật tử, vì điều đó với tôi như thể cố gắng bao bọc bầu trời và dán nhãn cho nó. Tôi không thể miêu tả mình như một viện sĩ hàn lâm khách quan về mặt khoa học, vì với Thiền, điều này chẳng khác nào nghiên cứu tiếng hót của chim bằng một bộ sưu tập chim sơn ca nhồi bông. Tôi không tuyên bố mình có quyền nói về Thiền. Tôi chỉ khẳng định sự thú vị do đã nghiên cứu kinh sách về nó, đã quan sát những biểu đạt dưới dạng nghệ thuật của nó từ khi chỉ là một cậu bé mới lớn, và đã có niềm vui do gắn bó thân thiện với một số lữ khách Nhật Bản và Trung Hoa cũng đi trên con đường vô định này.
Mục đích của cuốn sách nhằm hướng đến độc giả nói chung cũng như các môn sinh chuyên sâu hơn, và tôi hy vọng quý độc giả nói chung sẽ chấp nhận những trường hợp sử dụng các thuật ngữ chuyên môn và những chỉ dẫn khảo cứu khác, hết sức hữu ích cho những người muốn khám phá sâu hơn chủ đề này. Cuốn sách được chia thành hai phần, phần đầu nói về bối cảnh và lịch sử của Thiền, phần hai về các nguyên lý và hành trì. Thông tin tham khảo đến từ ba nguồn. Đầu tiên, tôi sử dụng hầu hết các nghiên cứu về Thiền có trong ngôn ngữ Âu châu. Đương nhiên, tôi đã tận dụng đáng kể các công trình của giáo sư D. T. Suzuki, nhưng đồng thời cũng cố gắng không dựa quá nhiều vào chúng - không phải vì chúng có khiếm khuyết, mà vì tôi cho rằng độc giả đáng được thứ gì hơn thế, một quan điểm mới mẻ thay vì chỉ tổng hợp lại những kiến giải của ông.
Thứ hai, cái nhìn cốt lõi về Thiền mà tôi trình bày ở đây dựa trên khảo cứu cẩn thận các tư liệu Hán cổ quan trọng hơn cả, đặc biệt là Tín Tâm Minh, Đàn Kinh hay Lục Tổ Đàn Kinh, Lâm Tế Lục và Cổ Tôn Túc Ngữ Lục. Kiến thức riêng của tôi về Hán ngữ đời Đường hẳn không đủ để hiểu những điều tinh tế hơn trong các kinh văn này, nhưng tôi cho là đủ để có được cái tôi muốn, đó là có cái nhìn sáng tỏ về giáo lý cốt tủy. Tôi đã được các đồng nghiệp và cộng sự nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu châu Á của Mỹ (American Academy of Asian Studies) giúp đỡ rất nhiều trong quá trình thực hiện tất cả những công việc này, đặc biệt, tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn tới giáo sư Sabro Hasegawa, giáo sư Gi-ming Shen, tiến sĩ Paul, tiến sĩ George Fung, tiến sĩ Frederick Hong, ông Charles Yick, và ông Kazumitsu Kato, một vị thầy của tông Tào Động.
Thứ ba, thông tin được rút ra từ nhiều cuộc tiếp xúc cá nhân với những thiền sư và thiền sinh trải suốt hơn hai mươi năm qua.
Trong những trang tiếp theo, phần dịch của kinh văn gốc là do tôi tự thực hiện, trừ trường hợp ghi chú khác. Để tiện cho những người biết tiếng Trung, sau phần Thư mục tham khảo, tôi đã cung cấp Phụ lục những trích đoạn và thuật ngữ chuyên môn quan trọng trong Hán văn. Với người đã là môn sinh chuyên sâu, tôi thấy đây là thứ gần như thiết yếu, vì ngay cả những học giả có năng lực nhất vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về cách dịch phù hợp các văn bản Hán ngữ đời Đường. Chỉ dẫn tham khảo dưới dạng chỉ số trên sử dụng chữ cái theo thứ tự abc sẽ dẫn đến Phụ lục này.(5) Đối với các tác phẩm khác, chỉ dẫn tham khảo bao gồm họ của tác giả và con số đối chiếu, hướng độc giả đến phần Thư mục để tham khảo chi tiết.
Tôi mong có sự cảm thông từ độc giả thuộc giới học thuật vì không sử dụng các ký hiệu dấu phụ ngớ ngẩn trong những từ Phạn ngữ được Latin hóa, bởi lẽ cách này chỉ gây rắc rối cho độc giả thông thường, và không cần thiết với các độc giả Phạn ngữ, chỉ cần nhìn là nhớ ngay hệ chữ viết Devanagari.(6) Tên riêng của các thiền sư và tiêu đề các kinh văn Thiền được ghi dưới dạng Latin hóa tiếng Quan Thoại hoặc tiếng Nhật tùy theo nguồn gốc xuất xứ, còn các thuật ngữ chuyên môn là Latin hóa tiếng Quan Thoại, trừ trường hợp sử dụng trong các bàn luận cụ thể về Thiền Nhật Bản. Gần như bắt buộc phải dùng tiếng Quan Thoại vì cách Latin hóa phổ biến là theo hệ Wade-Giles, do vậy sau phần Lời nói đầu, tôi cũng đưa thêm bảng hướng dẫn cách phát âm, chúng hầu như không giống với âm thực tế.
Tôi rất biết ơn R. H. Blyth đã rộng lượng cho phép trích dẫn một số bản dịch thơ haiku từ tuyển tập Haiku tuyệt vời gồm bốn tập của ông, do Nhà xuất bản Hokuseido ấn hành ở Tokyo; tôi cũng biết ơn giáo sư Sabro Hasegawa đã hết lòng giúp đỡ trình bày bìa và các minh họa; và cảm ơn con gái Joan của tôi về các bức hình chụp chùa Ryoanji.(7)
Cuối cùng, tôi vô cùng hạnh phúc bày tỏ sự cảm ơn Quỹ Bollingen đã tài trợ học bổng ba năm, đây là thời kỳ tôi thực hiện rất nhiều nghiên cứu sơ bộ cho việc viết cuốn sách này.
ALAN W. WATTS
Mill Valley, California
Tháng Bảy.1956