Sào Huyệt Của Những Ông Trùm
Sào Huyệt Của Những Ông Trùm
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | LAO ĐỘNG - XÃ HỘI |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Public domain |
Năm xuất bản | 2016 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - XÃ HỘI |
Martin A. Siegel vội vã băng qua Sân bay Quốc gia ở Washington, D.C và lẩn vào một trạm điện thoại gần cửa trượt phía Đông. Suốt nhiều năm trở lại đây, các trạm điện thoại, thường ở phi trường, đã đóng vai trò như những văn phòng tức thời của anh ta. Anh vẫn thường than phiền về việc thường xuyên vắng mặt, xa cách vợ và ba đứa con, trong khi phải sống một cuộc sống đầy áp lực với cương vị của một giám đốc ngân hàng đầu tư số một nước Mỹ.
Ngày 12 tháng Năm năm 1986 cũng bắt đầu hệt như bao ngày khác. Sớm hôm ấy, anh ta bay từ New York tới Washington để viếng thăm một khách hàng quan trọng là ngài Martin Marietta, một trong những nhà thầu quân sự hàng đầu nước Mỹ. Cách đây vài năm, anh ta đã giúp Marietta ngăn cản đề nghị thâu tóm của Tập đoàn Bendix, và thương vụ ấy đã đưa Siegel lên hàng ngôi sao. Anh ta trở thành một trong những nhà chiến lược thâu tóm được săn đón nhiệt tình nhất ở Mỹ.
Cuộc viếng thăm Marietta diễn ra êm đẹp với chỉ một gút mắc phiền toái duy nhất. Chủ tịch công ty, Thomas Pownall, đang rầu rĩ về một vụ kiện giao dịch nội gián mới xảy ra. Pownall buộc phải ra tòa làm nhân chứng cho Paul Thayer, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời Reagan, người bị buộc tội giao dịch nội gián do làm rò rỉ thông tin tuyệt mật mà ông ta lượm lặt được khi còn là giám đốc của Anheuser-Busch tới rất nhiều người, trong đó có cô nhân tình ở Dallas. Pownall cùng giới tài phiệt Mỹ được một phen kinh hồn táng đởm. Ông ta vẫn thường làm ăn với Thayer ở Bộ Quốc phòng, và hai người trở thành bạn bè của nhau. “Thật không thể tin nổi, đúng không?” Ông thốt lời bình luận với Siegel.
Siegel gật đầu và gạt ngay những ý nghĩ về Thayer sang một bên. 38 tuổi, điển trai như tài tử điện ảnh, da ngăm, chắc khỏe, Siegel mới vừa chuyển về làm việc tại Tập đoàn Drexel Burnham Lambert, một công ty kinh doanh trái phiếu rủi ro có thế lực. Anh ta đã sẵn sàng để bước lên nấc cao hơn trên chiếc thang danh vọng.
Đến lúc này, Siegel gọi về văn phòng của mình tại New York. Mới 2 giờ 45 phút chiều, anh ta tự hỏi thị trường chứng khoán đang hoạt động ra sao. Anh ta ghét bị ngăn cách với hệ thống truyền tin tinh vi của mình, từ những màn hình máy tính cho đến hệ thống dịch vụ truyền tin.
Thư ký của Siegel, Kathy, nhanh chóng báo cáo tóm tắt tình hình rồi bắt đầu đánh dấu vào rất nhiều cuộc gọi cần hồi đáp ngay trong ngày. Đột nhiên một hồi chuông dồn dập vang lên ở băng điện báo Dow Jones ngay phía ngoài văn phòng của Siegel, tín hiệu cho biết một thông báo tin tức quan trọng sắp xuất hiện.
Kathy chuyển sang băng điện báo và sửng sốt ngạc nhiên lúc dòng tiêu đề hiện ra. “Uỷ ban Chứng khoán (SEC) cáo buộc quan chức Drexel Burnham Lambert với tội danh giao dịch nội gián”, cô đọc lớn.
Trong khi Kathy đợi chờ băng điện báo hiện toàn bộ nội dung, Siegel cảm giác như thế giới gần như hoàn hảo của mình đang sụp đổ. Mất hết những gì anh ta đã quần quật làm ra trong suốt cuộc đời mình. Khoản bồi thường trị giá 3,5 triệu đô-la và khoản lời trị giá 2 triệu đô-la mà anh ta đã kiếm được khi chuyển tới Drexel từ Tập đoàn Kidder, Peabody mới hồi đầu năm. Thủ đoạn thâu tóm và sáp nhập béo bở mà anh ta đã tung hứng với cỗ máy in tiền trái phiếu lãi suất cao của Michael Milken. Những khách hàng sáng giá như Martin Marietta, Goodyear và cả Lear Siegler, mới đây thôi còn lũ lượt lao vào sử dụng những dịch vụ của Drexel và của anh ta. Căn biệt thự trên bãi biển ở Connecticut với những sân quần vợt riêng cùng bể bơi. Căn hộ bốn phòng ngủ sang trọng trong khu Quảng trường Gracie xa hoa ở Mahattan. Chiếc trực thăng bay tới Manhattan. Những bản lý lịch sáng choang trên các mặt báo cùng tạp chí.
Đột nhiên hình ảnh của nhà đầu cơ ăn chênh lệch Ivan Boesky, người từng là bạn tâm giao và là bậc thầy của Siegel, chợt lóe lên trước mắt, anh chợt rùng mình. Không lẽ Boesky sẽ khiến cuộc đời mình tiêu tan.
“Ôi Chúa ơi!” Kathy thốt lên khi tấm băng chạy hết nội dung. “Là Dennis! Là Dennis Levine! Anh ta bị bắt rồi!”
Siegel yêu cầu thư ký của mình tiếp tục đọc. “Ủy ban Chứng khoán cáo buộc Dennis Levine, một giám đốc điều hành của Tập đoàn Drexel Burnham Lambert, tội danh giao dịch nội gián, vì có dính líu đến một âm mưu mua bán chứng khoán dựa trên các thông tin nội bộ được thu thập trong khoảng thời gian năm năm anh ta làm việc với vai trò một chuyên viên ngân hàng đầu tư,” cô đọc tiếp. “Drexel Burnham nói sẽ hợp tác đầy đủ với Ủy ban Chứng khoán trong quá trình điều tra…”
Dennis Levine nguyên là một chuyên viên ngân hàng đầu tư ở văn phòng ngay kế bên. Siegel toát mồ hôi hột. Tất cả những gì anh ta có thể nghĩ đến là một họng súng chĩa thẳng vào đầu mình, cò súng đã được kéo lên, và kỳ diệu biết bao, thay vào giết anh ta, viên đạn đã giết chết Dennis Levine, tên béo ục béo ịch, hăm hở thái quá, khuếch khoác bản thân và não nề vô lực ấy.
* * *
Tại văn phòng Drexel Burnham Lambert ở Beverly Hills, lúc ấy mới xế trưa theo múi giờ chuẩn Thái Bình Dương, giờ cao điểm của một ngày giao dịch. Michael Milken ngồi ở trung tâm của một chiếc bàn giao dịch khổng lồ hình chữ X, các giao dịch viên và nhân viên bán hàng trung thành của anh ta tỏa ra trên các trục. Trong lúc say sưa rà soát những dữ liệu giao dịch trên màn hình máy tính của mình, anh ta với lấy hai chiếc điện thoại đang reo lên – mỗi cái áp một bên tai.
Đây chính là tâm điểm của trật tự kinh tế mới, kinh đô của đế chế trái phiếu trả lãi suất cao mà Milken đã xây dựng nên. “Này, Mike,” tiếng một giao dịch viên gọi Milken khi thông tin về Levine được truyền tới. “Xem này.” Chỉ vài tuần trước đó, Levine mới xuất hiện lần đầu tiên trong một bữa sáng xoay quanh chủ đề mua lại và sáp nhập tại chương trình hội thảo thành công rực rỡ của Mikken về trái phiếu trả lãi suất cao năm 1986, chương trình này được biết đến như một “Vũ hội của loài thú ăn thịt”. Milken ngưng nói chuyện điện thoại, ghé mắt nhìn vào thông điệp trên màn hình, sau đó tiếp tục công việc thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. “Giống như một vụ tai nạn xe hơi tồi tệ thôi ấy mà,” một trong các nhân viên bán hàng nhún vai. “Ông sẽ phải giảm hoạt động mất mấy ngày sau đó lại tẹt ga phóng vù vù như thường.” Chẳng có gì có thể chặn bước cơn càn quét mang tên Drexel.
* * *
Ivan Boesky, nhà đầu cơ ăn chênh lệch huyền thoại, đi ra từ phòng họp ở trụ sở của mình trên Đại lộ số Năm, bước xuôi trên hành lang cùng ông ta là một đám nhân viên. Đột nhiên Jeffrey Hennig, một trong các giao dịch viên của Boesky lao ra khỏi văn phòng của mình, huơ mẩu băng điện báo trên tay. Anh ta thét to về phía Boesky, “Ông đọc tin về Dennis Levine này chưa?”
Boesky lập tức dừng bước và quay lại hỏi: “Dennis nào cơ?”.
“Levine,” Hennig đáp. “Đây này.” Jeffrey Hennig chìa băng điện báo công bố cáo buộc của Ủy ban Chứng khoán với Levine ra.
Boesky đọc lướt qua mẩu giấy, rồi trả lại Jeffrey Hennig. “Tôi chưa bao giờ nghe về tay này,” ông nói, rồi quả quyết bước đi.
* * *
Nhiều năm sau, khi nghĩ lại ngày hôm ấy, Siegel mới nhận ra rằng mình đã lầm. Viên đạn giết chết Levine cũng giết chết anh ta. Nó giết cả Ivan Boesky lẫn Michael Milken.
Cũng viên đạn ấy đã phá tan cơn lốc thâu tóm và cơn sốt kiếm tiền ghê gớm nhất trong lịch sử Phố Wall, và nó cũng phơi bày âm mưu tội ác khủng khiếp nhất mà giới tài chính từng biết tới. Thập kỷ Tham tàn còn mất bốn năm nữa mới phân rõ trắng đen rạch ròi, nhưng sau ngày 12 tháng Năm năm 1986 ấy, nó bắt đầu phải chịu phận bi đát.
Kể cả đến lúc này, cũng khó có thể nắm bắt chính xác được mức độ nghiêm trọng và phạm vi của tội ác đã bại lộ, bắt đầu từ giữa thập niên 1970, trong các thể chế thị trường và tài chính của nước Mỹ. Nó làm lu mờ bất cứ tội ác tài chính nào có thể đem ra so sánh, từ vụ Siêu Trộm Tàu Hỏa cho tới những âm mưu thao túng cổ phiếu mở đường cho sự ra đời của các điều luật về chứng khoán quốc gia trước đó. Tầm cỡ của những khoản lời phi pháp kếch xù đến mức không thể hiểu nổi trong con mắt của những kẻ người trần mắt thịt.
Dennis Levine, con cá nhỏ, thú nhận khoản lợi nhuận lên tới 12,6 triệu đô-la. Ivan Boesky đồng ý chi 100 triệu đô-la cho các tài sản bị tước quyền và những khoản phạt khác; giờ đây cũng không ai dám chắc rằng số tiền đó có ngấp nghé tổng số những khoản thu bất chính của anh ta trong suốt nhiều năm không. Và rồi còn có cả Michael Milken, người gây ra những tội ác còn phức tạp, ngoài sức tưởng tượng và tham tàn hơn nhiều so với cáo buộc giao dịch nội gián thuần túy. Trong năm 1986, Milken kiếm được 550 triệu đô-la tiền lương thưởng từ một doanh nghiệp vốn đã dính líu hoạt động phi pháp suốt nhiều năm trời. Khi cuối cùng đã thừa nhận sáu tội danh nghiêm trọng, Milken đồng ý bồi thường 600 triệu đô-la – một khoản tiền thậm chí còn lớn hơn nhiều so với ngân sách thường niên của toàn bộ Ủy ban Chứng khoán.
Đây không phải những sự việc tình cờ riêng lẻ. Chỉ xét riêng về mức độ và tác động tiềm tàng, âm mưu do Milken đầu sỏ đã làm lu mờ hết thảy những tội ác còn lại. Những trò biển lận tài chính là “chuyện thường ngày” trên Phố Wall hồi thập niên 1980. Một điệp khúc chung của hầu hết những bị cáo trong vụ scandal này đó là sẽ thật bất công nếu chỉ khởi tố một cá nhân trong khi có quá nhiều kẻ cũng phạm những tội danh này, nhưng lại chưa bị luật pháp rờ đến. Thứ luật im lặng tạo điều kiện cho tội ác ăn sâu bám rễ và đua nở tưng bừng trên Phố Wall, thậm chí cả trong nội bộ những cơ quan, tổ chức tiềm lực và đáng kính nhất – tiếp tục bao che cho rất nhiều kẻ có tội.
Vậy nhưng, quá sa đà vào những khoản lợi lộc bẩn thỉu của các cá nhân riêng lẻ, sẽ lại là mạo hiểm đánh mất bức tranh tổng thể. Trong làn sóng tội ác này, quyền sở hữu của toàn bộ các tập đoàn đã được thay tên đổi chủ, thường là bằng sức mạnh vũ lực, với nhịp độ chóng vánh chưa từng thấy. Những cái tên đình đám – như Carnation, Beatrice, General Foods, Diamond Shamrock đã biến mất không dấu vết trong những cuộc thâu tóm, sản sinh ra đủ loại hoạt động tội phạm và những trò vi phạm các điều luật chứng khoán.
Những công ty khác, như Unocal và Union Carbide, sống sót ngoi ngóp nhưng cũng gần như bị phá tan tành. Hàng nghìn nhân công mất việc làm, công ty oằn mình gánh đủ các khoản nợ phải trả cho những thỏa thuận, hy sinh lợi nhuận để chi trả tiền lãi phát sinh từ các khoản vay và hơn thế nữa, rất nhiều công ty cuối cùng cũng bị ép buộc phải tuyên bố phá sản hoặc tái cơ cấu. Những người giữ phiếu nợ cùng cổ đông còn mất nhiều hơn thế. Chỉ lòng tham không thôi sẽ không thể gây ra thiệt hại khủng khiếp nhường ấy. Đây là cái giá phải trả của lòng tham gắn chặt với mãnh lực thị trường – thứ quyền năng không thể bị kiềm thúc bởi những cơ chế kiểm soát và cân bằng của thị trường tự do, hoặc kể cả bởi nỗi âu lo rằng một ngày kia sẽ bị tóm gọn.
Và những hệ quả kinh tế của các tội ác này, dù tàn tệ đến đâu, cũng không thể che giấu thách thức mà chúng đặt ra với năng lực thực thi pháp luật, hệ thống tòa án của cả quốc gia, và hơn tất cả, là với ý niệm về sự công bằng và ngay thẳng – chính là nền tảng của xã hội văn minh. Nếu thực sự tồn tại những con người tin rằng bản thân mình quá sức giàu có và quyền năng tới mức vượt trên pháp luật, vậy thì những kẻ ấy có thể được tìm thấy trong lòng và xung quanh Phố Wall hồi những năm 1980. Nếu tiền có thể mua được công lý ở nước Mỹ, vậy thì Milken và Drexel đã sẵn sàng để làm điều đó, và quả thực họ đã làm thế. Họ thuê riêng những luật sư cùng cố vấn quan hệ công chúng đắt giá nhất, giỏi giang nhất và quyền lực nhất ‒ những người mà thành công đáng sợ của họ đã xoay chuyển những tranh luận công khai trở thành một phiên tòa của riêng các luật sư công và các công tố viên chứ không còn là phiên tòa của những kẻ bị cáo buộc phạm tội nữa.
Thế nhưng Milken và Drexel đã thất bại, nhờ những nỗ lực mang tính anh hùng nhất thời của những luật sư công với chi phí bèo bọt cho một lượng công việc quá tải, những người đã cống hiến phần lớn sự nghiệp của mình để lật tẩy những vụ bê bối. Ở đây phải đặc biệt kể đến Charles Carberry và Bruce Baird ở văn phòng luật sư Manhattan U.S và cả Gary Lynch, trưởng bộ phận thi hành pháp luật tại Ủy ban Chứng khoán. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ không thành công hoàn toàn. Tình trạng phạm tội lan tràn trên Phố Wall sau một thập niên thi hành luật lỏng lẻo đến mức đôi khi lấn át cả tài xoay xở của họ. Không phải tất cả những kẻ đáng bị truy tố đều bị buộc tội, và sai lầm vẫn diễn ra. Thế nhưng thành công hơn hết thảy của họ trong việc kết tội những thủ phạm chính yếu và tiếp thêm động lực cho các điều luật chứng khoán chính là cống hiến đáng kể cho hệ thống tư pháp của nước Mỹ.
Đây là câu chuyện đầy đủ về những kẻ phạm tội từng thống trị Phố Wall, cách họ chiếm lĩnh những đỉnh cao tiền tài, quyền lực và danh tiếng, và cả chuyện họ đã bị phát hiện và đưa ra công lý như thế nào. Cho dù đã có sự công khai sát sao song hành cùng những vụ kiện chống lại những nhân vật này, nhưng chưa có mấy phần trong câu chuyện ấy được đưa ra công chúng. Milken, Boesky, Siegel và Levine, nhờ việc thừa nhận tội trạng để giảm nhẹ mức phạt, đã tránh được những phiên xử công khai đầy đủ. Câu chuyện trong cuốn sách này được xây dựng dựa trên hơn bốn năm thu thập, bao gồm các cuộc phỏng vấn, rà soát một khối lượng tài liệu khổng lồ, tư liệu đại bồi thẩm đoàn và các bản tường thuật khác, những ghi chép phỏng vấn luật sư, ghi chép của những người tham dự khác. Trong thời đại có xu hướng ngợi ca chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, câu chuyện này càng thể hiện rõ rằng thị trường tài chính nước Mỹ thực ra đã bại hoại từ bên trong và biến chất hòng phục vụ mục đích phạm pháp.
Ở mức độ cơ bản nhất, chủ nghĩa tư bản Mỹ nở rộ bởi tất cả mọi người, dù giàu dù nghèo, đều nhận định rằng thị trường bù đắp công lao xứng đáng cho những hành động táo bạo, sáng tạo đột phá, lao động cần cù và thông minh nhạy bén. Các điều luật chứng khoán được thi hành nhằm giúp bảo vệ quy trình ấy, bảo vệ tính minh bạch của thị trường và khuyến khích xây dựng nguồn vốn – thông qua việc mang lại một sân chơi bình đẳng, trong đó mọi người đều được mưu cầu thời vận của mình. Vi phạm luật chứng khoán không phải những tội ác không-có-nạn-nhân. Khi những kẻ giao dịch nội gián thu được đủ các khoản lời từ trên trời rơi xuống nhờ hối lộ nhân vật nào đó để moi những bí mật doanh nghiệp, trong khi giá cả bị thao túng và hàng khối cổ phiếu được lén lút thu gom, thì lòng tin của chúng ta đặt vào sự công bằng ngầm ẩn của thị trường cũng vỡ vụn. Chúng ta đều là những nạn nhân.