Một Lương Tâm Nổi Loạn
Một Lương Tâm Nổi Loạn
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | Chưa rõ |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Public domain |
Năm xuất bản | 1970 |
Coppy right | Henry David Thoreau |
Hãy dám sống cuộc đời chân chính với lương tri
HENRY DAVID THOREAU đã chứng minh một cá nhân, nếu sống như một con người đích thực, sẽ có sức mạnh và sự tự do to lớn, bằng cả cuộc đời của ông.
Walden cùng Bất tuân chính quyền - hai tác phẩm được dẫn trong cuốn sách Một lương tâm nổi loạn - chính là bằng chứng cho điều ông tin tưởng và hành động: Sống một cuộc đời tự do và của chính mình toàn vẹn nhất. Đó chính là cuộc đời dám sống chân chính với lương tri.
“Tôi sinh ra không phải để chịu sự cưỡng bức. Tôi muốn sống theo ý tôi.” (Henry)
Walden giải quyết cho con người khỏi cái ách về vật chất.
Đó là câu chuyện của chính ông sống bằng phương thức tự cung tự cấp suốt hai năm trời ở trong rừng. Ông tự xây nhà, làm vườn, làm thuê lặt vặt… để có tiền vừa đủ để trang trải nhu cầu sống của cá nhân. Ông chỉ mất chừng sáu tuần trong một năm để làm lụng lo cho nhu cầu ăn, ở. Thời gian còn lại ông dành cho suy tư, chiêm ngưỡng cuộc sống. Và bởi vậy ông đạt được những viên mãn trong tâm hồn mình, và cũng không cảm thấy sự thiếu thốn vật chất.
Walden là những lời tự sự, những tính toán chi li sáng suốt của chính Henry, để biết được một cách chân xác rằng con người ta không nhất thiết phải khốn đốn để kiếm cái ăn trong cuộc đời. Mà họ có thể như con chim vừa kiếm ăn vừa hát ca được.
Còn Bất tuân chính quyền lại giải quyết cái ách về phẩm hạnh của một con người xã hội chân chính – Tác phẩm nói cho mỗi cá nhân phải sử dụng chính quyền như thế nào cho phải lẽ, cho đúng thực là con người có lương tâm và dám hành động cho những điều tốt đẹp nhất.
Một chính quyền tốt đẹp nhất theo ông chính là một chính quyền không can thiệp vào cuộc sống của mỗi cá nhân, miễn là cá nhân đó không tổn hại gì cho ai. Còn nếu chính quyền đó sai trái thì bổn phận của mỗi cá nhân phải là bày tỏ sự không tuân theo con đường sai trái đó. “Mọi người đều nhận cái quyền làm cách mạng; nghĩa là cái quyền từ chối sự trung thuận với chính phủ và chống lại chính phủ khi chính phủ tàn bạo quá hoặc bất lực quá, chịu không nổi.” Cách bày tỏ đơn giản chính là không ủng hộ cả về vật chất (đóng thuế) và con người (không hành động theo mệnh lệnh của chính quyền – đi lính). Và chỉ bằng cách như vậy, con người ta có thể làm thay đổi cả một chính quyền bất công, tàn bạo, bất hợp lý với những lẽ phải trong đời.
Tuy nhiên, cái ý của Henry không chỉ dừng lại ở đó. Trong Bất tuân chính quyền ông vạch ra được:
Thứ nhất: Điều gì làm cản trở một công dân hành động theo lẽ phải mà đáng lẽ ra họ phải hành động khi cần thiết để phản đối một chính quyền không nhân đạo?
Câu trả lời chính là sự sở hữu vật chất và cả lòng sợ mất mát một cuộc đời không có lương tri – tức là sinh mạng. Và cả những hiểu lầm tai hại về sự phục tùng chính quyền cùng với lòng ái quốc.
Vật chất hay của cải chính là cái trói buộc sự tự do và cả sự cao thượng của con người nữa. Thường để có được của cải càng nhiều con người ta buộc phải gắn chặt với chính quyền, vì chính quyền bảo hộ cho những cuộc làm ăn, những sự vụ kinh tế của họ để tạo ra tài sản. Ngược lại, chỉ bằng với cách đe dọa tước đi của cải của một người cũng đủ để chính quyền bắt người đó suốt đời phục tòng như nô lệ mà không dám nói lên được điều bản thân cảm thấy đúng đắn, nếu mà người ấy sợ mất của cải. Và vì vậy, Henry chủ trương con người đừng bắt đầu mua dây buộc mình bằng cách tích trữ tài sản. Càng nghèo, anh càng ít bị đe dọa sự tự do hơn, bởi vì anh ít có cái để mất hơn và người ta không vin được vào đó mà đe dọa hay bắt ép anh được. Mà nghèo thì chẳng có gì đáng sợ, còn là hạnh phúc nữa, như cái cách mà Henry đã nói trong Walden.
Về tính mạng, Henry không chủ trương con người ta phải hy sinh tính mạng để tranh đấu cho một lẽ phải trong đời, bởi cuộc sống nào cũng đáng quý. Nhưng ông vạch ra, không phải cuộc tranh đấu nào cũng dẫn đến mất mạng. Và sự tranh đấu không tổn hại đến tính mạng mà vẫn đạt được hiệu quả to lớn vẫn có. Đó chính là: đấu tranh bất bạo động. “Nếu ta buộc chính quyền phải lựa chọn, một là bỏ tù hết những người công bằng, hai là phải từ bỏ chiến tranh và chế độ nô lệ đi, thì chính quyền tất phải biết lựa chọn đường nào.” Việc đấu tranh chống lại chính quyền này có thể thắng lợi chỉ cần 1000 người không nộp thuế và cam chịu vào tù mà thôi.
Và mỗi người phải hiểu rằng: “khi lương tâm bị thương tổn thì có khác gì máu đã đổ rồi”.
Cuối cùng, sự nhầm lẫn giữa phục tòng chính quyền và lòng ái quốc cũng là cái bẫy khiến cho mỗi người không dám hành động chống đối lại một chính quyền đã hư hỏng. Vì: “ dưới cái danh hiệu “trật tự và chính quyền”, rốt cuộc người ta bắt chúng ta tôn trọng sự đê hèn của chính ta.”. Nghĩa là bắt mỗi cá nhân phải hành động không như ý mình muốn chỉ bởi vì suy nghĩ đang phụng sự cho quốc gia. Điển hình đây là hình ảnh của những người lính phải bất đắc dĩ cầm súng ra chiến trường vô nghĩa – chiến trường của những cuộc xâm lăng chẳng hạn.
Điều thứ hai: Những biểu hiện giả dối của lương tri nửa vời.
Để theo đuổi được con đường của lương tri thì phải tuyệt đối rời bỏ con đường lương tri nửa vời. Con đường nửa vời đó còn nguy hiểm hơn là việc không theo đuổi, bởi vì nó làm cho con người ta nghĩ rằng mình đã đủ tốt trong khi chẳng làm nên tích sự gì cả. Nó biểu hiện dưới sự ủng hộ, đồng thuận, bỏ phiếu, tán dương…những cá nhân khác đang đấu tranh cho lẽ phải bằng hành động, mà lại không có hành động cụ thể nào hơn, không dám từ bỏ sự an toàn của mình, lo sợ mất mát tài sản hoặc tính mệnh của bản thân.
Con đường nửa vời còn là là tin tưởng, gởi gắm hay ủy thác điều mình mong muốn và nhận định chân xác là đúng đắn, cho một người anh hùng nào đó. Mỗi cá nhân phải hành động theo lương tri của mình, và mỗi cá nhân có đủ sức mạnh để thay đổi tất cả chứ không phải chờ đợi đến một vĩ nhân làm thay họ.
“Cứ một người có đạo đức thì có tới chín trăm chín mươi chín người bảo vệ đạo đức; nhưng để thỏa thuận với người làm chủ một vật gì còn dễ dàng hơn là với người chỉ tạm thời giữ vật đó thôi.”(Henry)
Hai tác phẩm của Henry chính là gươm báu sắc bén để chặt đứt những gông xiềng mà con người tự mang cho mình và tưởng rằng sẽ chẳng có cách nào thoát được. Nó là chìa khóa để mỗi người có thể tự tin vào chính mình để đi con đường đồng hành cùng lương tri, miễn là anh chịu đồng hành. Chỉ cần lắng nghe lương tri, hành động trong sự không lo sợ, và như vậy mỗi người sẽ đạt đến việc sống một cuộc sống thực sự với đầy đủ những tinh túy và ban tặng của nó.
Henry không phải là một triết gia đương thời, không phải một nhà cải cách xã hội đương thời, không cả một nhà văn tên tuổi đương thời. Henry có vẻ như là một kẻ nổi loạn lập dị, thích sự một mình và chống đối lại cả thế giới không dám nhận lấy tiếng nói của lương tâm xung quanh ông. Henry là một kẻ vô danh khi còn sống, nhưng là một lương tâm bất tử mà mọi con người nên soi vào đó để cố gắng tranh đấu giữ lấy phần người của mình và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc tranh đấu tưởng như “ngu dại, điên rồ” nhưng thực sự là cuộc đời chân chính đó.
Ban Tang Du Tử