Ác Mộng Đại Khủng Hoảng 1929
Ác Mộng Đại Khủng Hoảng 1929
Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí
Nhà xuất bản | Trí thức - Nhà phát hành: Alpha books |
---|---|
Nhà xuất bản sách tiếp cận | Public domain |
Năm xuất bản | 2009 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC |
LỜI GIỚI THIỆU
Quan điểm của những năm 1990
Ác mộng đại khủng hoảng 1929 được xuất bản lần đầu năm 1955 và cho đến nay liên tục được tái bản. Điều làm nên sự thành công này chính là sự bền bỉ của cuốn sách. Mỗi lần cuốn sách chuẩn bị rời nhà in để đến các hiệu sách, thì một đợt đầu cơ, một bong bóng hay một rủi ro nào đó lại khơi dậy sự quan tâm của công chúng đến lịch sử của những hiện tượng này: câu chuyện bùng nổ và suy thoái của thời hiện đại, nguyên nhân dẫn đến những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử.
Một trong những đợt khủng hoảng như thế đã xảy ra ngay khi cuốn sách vừa rời khỏi nhà in. Mùa xuân năm 1955, thị trường chứng khoán chứng kiến một đợt bùng nổ nhỏ. Và, tôi được mời đến Washington làm chứng về những cuộc khủng hoảng trước đây trong cuộc điều trần của Thượng nghị viện. Tuy nhiên, khi tôi đang làm nhiệm vụ của mình, thị trường chứng khoán đột ngột trượt giá. Rất nhiều người, đặc biệt là những nhân vật lão làng đã đổ lỗi cho tôi về sự sụp đổ này. Thư đe dọa tới tấp gửi về, thậm chí một kẻ cuồng tín còn nói sẽ cầu cho tôi ốm đau bệnh tật mà chết sớm. Vài ngày sau khi ra làm chứng, tôi đi trượt tuyết ở Vermont và bị gãy chân. Các báo đều nhắc tới sự kiện này. Vô số thư lại được gửi tới nói rằng lời cầu nguyện đã linh nghiệm. Ít nhất, tôi đã đóng góp một điều gì đó cho tôn giáo. Trong không khí của thời đại, thậm chí một thượng nghị sĩ của Indiana tên là Homer E. Capehart còn tuyên bố, vụ việc này có bàn tay của một đảng viên cộng sản bí mật.
Đó mới chỉ là sự bắt đầu. Sự điên rồ của các quỹ huy động vốn từ nước ngoài những năm 1970, cú sụt giảm lớn của thị trường vào năm 1987, những cuộc khủng hoảng ít bi kịch hơn, tất cả đều hướng sự chú ý của mọi người về năm 1929 khiến cuốn sách được tái bản liên tục. Và năm 1997 này là một lần nữa.
Khi tôi đang viết những dòng này, chúng ta đang trải qua một thời kỳ mà nạn đầu cơ dấy lên mạnh mẽ. Bất cứ ai không lạc quan đến mức ngây ngô đều dễ dàng nhận ra điều này. Hiện giờ, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán đã vượt quá khả năng quản lý nó. Số lượng quỹ tương hỗ đã cao hơn rất nhiều so với số người có đủ kiến thức tài chính và lịch sử để kiểm soát chúng. Tôi không dự đoán bởi dự đoán luôn bị lãng quên, chỉ có sai lầm là được nhớ rõ. Nhưng ở đây có một quá trình cơ bản đang tái diễn. Nó xảy ra khi giá cả, dù là giá chứng khoán, giá địa ốc, giá một tác phẩm nghệ thuật hay bất kỳ một loại hàng hóa nào khác, tăng cao. Giá tăng thu hút sự chú ý của người mua, gây ra những tác động sâu hơn. Kỳ vọng vì thế được biện minh bởi hành động đẩy giá lên. Quá trình này tiếp diễn, sự lạc quan tin tưởng vào tác động của nó đối với thị trường trở thành các lệnh giao dịch trong ngày. Giá cả, vì thế, ngày một leo thang. Sau đó, vì những lý do mà người ta sẽ không ngừng tranh cãi, cái kết ập đến. Quá trình trượt dốc lúc nào cũng đột ngột hơn quá trình tăng giá, giống như một quả bóng bị châm kim, nó sẽ xẹp xuống rất nhanh.
Xin được nhắc lại, tôi không dự đoán, tôi chỉ quan sát thấy hiện tượng này đã lặp lại rất nhiều lần kể từ năm 1637, khi các nhà đầu cơ Hà Lan coi củ hoa tulíp là con đường thần tiên dẫn tới thịnh vượng(1); năm 1720, khi John Law(2) mang sự giàu sang giả hiệu và sau đó là nghèo đói đột ngột tới Paris bằng các cuộc tìm kiếm vàng (thứ vàng mà cho tới tận ngày nay người ta vẫn không thể phát hiện ra ở Louisiana). Trong những năm này, khủng hoảng Bong bóng biển Nam (South Sea Bubble)(3) cũng phá hủy nền tài chính Anh quốc.
Càng về sau, tần suất lặp lại các sự kiện này càng lớn! Trong suốt thế kỷ XIX, cứ 20 hoặc 30 năm, nước Mỹ lại chứng kiến một đợt đầu cơ. Điều này đã trở thành truyền thống, bởi các thuộc địa, cả Nam và Bắc, đều đã phải trả giá đắt cho những chính sách tài chính không mang lại sự hỗ trợ hữu hình nào. Họ đã làm rất tốt cho tới khi nhận ra chẳng có gì tốt đẹp xảy ra. Cuộc cách mạng phải trả giá bằng sự trượt giá của tiền Lục địa (Continental notes)(4), khiến câu nói “không đáng một đồng tiền Lục địa” trở thành bất hủ. Trong những năm sau cuộc chiến tranh 18121814, một đợt bùng nổ địa ốc lớn đã diễn ra. Năm 1830, nạn đầu cơ hoành hành trong các dự án đầu tư kênh rạch và xa lộ, hay còn được gọi là các dự án nâng cấp các công trình công cộng. Cùng với nó, tiền ngân hàng không được bất cứ thứ gì có giá trị bảo đảm và gần như bất kỳ ai cũng có khả năng phát hành. Đến năm 1837, tình trạng này mới kết thúc. Vào những năm 1850, một đợt bùng nổ và suy thoái nữa lại xảy đến, và trong những năm đó, một ngân hàng ở New England – vùng đất có tiếng là thận trọng bậc nhất nước Mỹ – đã phá sản. Lượng tiền giấy lưu hành của ngân hàng này trị giá 500.000 đôla nhưng tài sản để bảo đảm cho nó chỉ có giá trị vẻn vẹn 86,48 đôla.
Sau Nội chiến là đến thời kỳ ngành đường sắt ở Mỹ phát triển mạnh mẽ và cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng vào năm 1873. Một thời kỳ bùng nổ nữa cũng kết thúc đầy kịch tính như thế vào năm 1907, nhưng các ngân hàng lớn của New York lần này đã phần nào hạn chế được thiệt hại. Trước đó, một số lượng quỹ đáng kể của Anh đã thâm nhập vào thị trường Mỹ, tiếp sức cho nạn đầu cơ ở nước này, nhưng đáng chú ý là nó chỉ xảy ra trong ngành đường sắt. Các quỹ của Anh cũng đầu tư xuống cả vùng Nam Mỹ và Bong bóng South Sea lúc này đã hoàn toàn chìm vào quên lãng. Ngân hàng tiếng tăm Baring Brothers khi đó phải nhờ đến Ngân hàng Anh quốc mới thoát khỏi nguy cơ phá sản do các khoản vay của Argentina. Đây là một chi tiết đến nay vẫn còn thú vị, bởi vào những năm 1990, một chi nhánh nhỏ của Barings ở Singapore có dính líu tới một vụ lũng đoạn thị trường lớn. Lần này, không có sự giải thoát nào hết, vì lợi ích chung cho cộng đồng, Barings đã biến mất.
Nếu quả thật nền kinh tế hiện đang xuống dốc – hay ngày đền tội sắp đến, thì chúng ta có thể nhìn thấy trước một số điều. Theo ước tính, có khoảng 1/4 dân số Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp, chơi chứng khoán. Nếu khủng hoảng kinh tế diễn ra, người dân sẽ phải hạn chế tiêu dùng, đặc biệt là đối với những hàng hóa lâu bền, do đó, gây sức ép đối với các khoản nợ lớn trên thẻ tín dụng của họ. Kết quả sẽ là những tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Có thể nó sẽ không ghê gớm như hậu quả của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929; khi đó, các ngân hàng rất yếu và không có bảo hiểm ký gửi; thị trường cho hàng hóa nông phẩm là thị trường quan trọng, nhưng lại đặc biệt dễ bị tổn thương; các hiệu ứng hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ thất nghiệp, trợ cấp phúc lợi và an sinh xã hội không tồn tại. Ngày nay, mọi thứ đều đã tốt đẹp hơn. Nhưng suy thoái vẫn có thể xảy ra, đó là điều bình thường. Chắc chắn, sẽ có những lời trấn an thường thấy từ Washington. Bất cứ khi nào thị trường lâm nguy, những lời này sẽ được nhắc đi nhắc lại: “Tình hình kinh tế về cơ bản là ổn định” hoặc đơn giản là “Các yếu tố kinh tế cơ bản vẫn bền vững”. Nếu những lời này lại được nói ra, chúng ta nên hiểu là tai họa đang đến.
Một lần nữa, tôi nhắc lại, tôi không dự đoán mà chỉ dựng lại câu chuyện quá khứ. Tôi xin đưa ra lời cuối cùng cho cuốn sách này. Cuốn sách được xuất bản từ mùa xuân năm 1955 cho những độc giả ”kén sách”, biết thưởng thức. Nó được vinh danh trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất, và tôi thật sự hài lòng khi nhìn vào cửa kính các hiệu sách. Tuy nhiên, trong những chuyến bay thường xuyên tới New York, tôi rất buồn khi không thấy bóng dáng cuốn sách của mình trong hiệu sách nhỏ ở sân bay La Guardia. Một buổi tối, tôi quyết định dừng lại và ngó nghiêng các giá sách. Cuối cùng, cô nhân viên quầy sách cũng để ý tới tôi và hỏi tôi đang tìm cuốn sách gì. Hơi xấu hổ, tôi nói tên tác giả và cho biết thêm đó là cuốn sách có tên The Great Crash. “Đó không phải thứ sách có thể bán tại sân bay”, cô nhân viên trả lời chắc nịch(5).