Kết Cườm - Dùng Tay Thay Mắt Tập 1

Image
Video URL

Xem video này trực tiếp từ trang kênh Youtube của Sao Mai

Bản sao bằng văn bản của clip

Hiện nay công việc kết cườm là một nghề thủ công khá phổ biến và phù hợp với người khiếm thị. Hôm nay chúng ta đến thăm chị Đặng Phạm Diễm Hồng – một trong những người khiếm thị khá thành công với công việc này.
Chào mọi người, mình là Đặng Phạm Diễm Hồng, là hội viên Hội người mù quận Bình Thạnh. Mình học kết cườm đến nay đã được 3 năm. Mình được đào tạo trong Hội người mù quận Bình Thạnh.
Chị học nghề này trong bao lâu ạ?
Thời gian học trong Hội chỉ kéo dài trong vòng 1 tháng thôi.
Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến quý vị sản phẩm móc khóa hình con thỏ.
Bây giờ xin mời quý vị theo dõi cách chị Hồng chuẩn bị để làm con thỏ này như thế nào.
Trước hết, người khiếm thị làm kết cườm cần có 1 kéo bấm. Có thể cần thêm 1 cái dùi cho những hạt cườm bị bít lỗ. Đây là những hạt cườm rất nhỏ để làm vòng xỏ móc khóa. Ngoài ra còn có 1 khoen tròn. Đây là một khoen đơn giản, mình sẽ thêm vào một chuông nhỏ để sản phẩm sinh động hơn.
Với những hạt nhỏ thế này thì quá trình xỏ hạt có khó lắm không chị?
Cũng không khó lắm, vì mỗi kích cỡ hạt sẽ có một cỡ dây, mình sẽ chọn loại dây tương ứng với cỡ hạt.
Một con thỏ thế này thì chị có thể làm trong bao lâu?
Chậm lắm là 45 phút.
Nghĩa là lâu nhất là khoảng 45 phút đối với người mới học nghề thôi đúng không ạ?
Đúng vậy.
Đây là hạt để làm thân, đây là hạt làm mũi.
Tức là chị có nhiều chiếc hộp đựng riêng từng màu hạt khác nhau, nên mình sẽ phải nhớ vị trí từng màu đúng không ạ?
Đúng vậy. Đây là hạt làm mắt.
Mắt sẽ có màu đen. Mũi màu đỏ. Chân và tai màu trắng, còn thân màu xanh.
Vậy là đã có ít nhất 4 màu rồi.
Đây là dây cước để xỏ, có số tương ứng là số 5. Người khiếm thị sẽ không đo bằng thước, mà sẽ dang tay ra để đo. Để làm một con thỏ, cần có dây dài 1 dang tay.
Bây giờ xin kính mời quý vị theo dõi quá trình người khiếm thị làm một con thỏ với những hạt cườm rất nhỏ thế này.
Quý vị vừa theo dõi quá trình một người khiếm thị đã hoàn toàn làm được con thỏ móc khóa bằng cườm. Còn đây là những sản phẩm mà chị Diễm Hồng đã tự làm.
Làm sao chị phân biệt được màu sắc từng sản phẩm để bán khi chúng có hình dáng tương đối giống nhau?
Khi làm ra sản phẩm nào mình đều ghi nhớ được màu sắc và kiểu dáng của nó, cho nên chỉ cần sờ vào sản phẩm này, mình biết nó là chiếc túi màu đen. Hoặc túi này có màu hồng, kiểu dáng có khác một tí. Đây là túi phối màu đỏ và trắng.
Có khi nào chị bị người mua nghi ngờ đây là sản phẩm do người sáng mắt làm và chị chỉ bán hộ không?
Có chứ. Mình gặp thường xuyên. Khi mình giới thiệu sản phẩm, người ta thường không tin là do người khiếm thị làm. Cho nên cũng có những khó khăn trong vấn đề tiếp cận sản phẩm với thị trường đối với người khiếm thị.
Vậy đầu ra hiện nay chủ yếu dựa vào những nguồn nào ạ?
Mình thường làm theo đơn đặt hàng từ bạn bè, hoặc tổ chức từ thiện muốn giúp đỡ người khiếm thị, vv…
Quý vị vừa theo dõi một quá trình thực tế những sản phẩm do chính người khiếm thị làm. Đây là một gương điển hình mà chúng tôi muốn giới thiệu với quý khán giả. Hy vọng sau chương trình này, cộng đồng sẽ có cái nhìn tích cực hơn về năng lực của người khiếm thị.
Chương trình “Dùng tay thay mắt” của chúng tôi đến đây là khép lại. Hẹn gặp lại quý vị trong những chương trình tới, chúng ta sẽ cùng đến với những tấm gương điển hình khác cùng những công việc thực tế mà người khiếm thị có thể tự làm được.

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin