3.2 Người khiếm thị mê thiết bị công nghệ

Đưa điện thoại áp vào tai, tay mò mẫm các phím… những âm thanh lạ cứ vang lên mỗi khi ấn vào một phím bất kỳ. Đó là cách mà anh Nguyễn Văn Kiệt, một người khiếm thị dò số cần gọi trong danh bạ của mình.

Anh Kiệt bắt đầu làm quen và sử dụng thành thạo chiếc điện thoại từ hơn 7 năm nay. Tất cả nhờ vào một chương trình gọi tắt là Talk, hỗ trợ người khiếm thị cài sẵn trong máy. Trước đây chưa biết chương trình này, anh phải học sử dụng di động bằng cách nhớ thao tác rồi học thuộc lòng. Nay anh đã biết sử dụng những chức năng cơ bản không thua gì người bình thường.

Không những thế, anh còn sử dụng được máy vi tính để online và làm việc cũng nhờ các chương trình hỗ trợ riêng. Việc anh Kiệt sử dụng các thiết bị công nghệ không phải là học đòi cho giống người bình thường, mà xuất phát từ nhu cầu công việc và niềm đam mê.

Làm quản lý cho nhà mở Hoa Mẫu Đơn, quận Tân Bình (TP HCM) lại đánh đàn cho quán Hát với nhau, di động và máy tính đối với anh là công cụ hỗ trợ đắc lực và cũng có lắm chuyện vui buồn với chúng. Lắm lúc máy vi tính trục trặc, sửa không được anh bèn kêu người đến thì mới phát hiện mình đã làm tuột dây bàn phím mà không biết.

Những chương trình giúp người khiếm thị trên vi tính, di dộng, đều có tính năng đọc màn hình khi di chuyển con trỏ hoặc các phím tắt. Bởi vậy nếu hỏng bàn phím hay con chuột coi như… "tiêu". Tuy vậy anh tâm sự: "Có các chương trình hỗ trợ này tôi cảm thấy cuộc sống có ích hơn, cảm thấy mình không là người vô dụng khi quản lý được giấy tờ nhà mở, tìm nhạc trên mạng hoặc có thể tán gẫu với bạn bè bằng di động". Đây cũng là những điều mà đã có lúc anh tưởng không thể làm được khi bị khiếm thị.

Anh Vũ Hồng Phương là một người khiếm thị do những di chứng của căn bệnh 5 năm trước. Hiện nay, anh là hội viên của Hội người mù quận Bình Thạnh (TP HCM) và cũng là người biết vi tính thành thạo nhất trong hội.

Trao đổi với VnExpress.net, anh cho biết trước đây khi còn bình thường anh chỉ sử dụng điện thoại còn máy vi tính chưa tiếp cận nhiều. Sau khi mắt yếu dần, anh bắt đầu tiếp cận với máy vi tính và cách sử dụng di động qua các khóa học của Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai. Liên tục trong sáu tháng, anh đã có thể sử dụng máy vi tính để chat, đọc báo, trao đổi thông tin, tìm kiếm kiến thức cũng như điện thoại thành thục.

Mới đây anh đã quen vài người bạn nước ngoài trên mạng và cảm thấy rất vui. Vui vì anh có cảm giác là mình không hề lạc lõng với mọi người, với nhịp sống hiện nay. Theo anh, phải ở trong trường hợp của những người khiếm thị mới cảm nhận rõ niềm hạnh phúc ấy.

Bạn Phan Thúy Phượng, sinh viên khoa Giáo dục đặc biệt của trường Đại học sư phạm TP HCM, người đã có thâm niên dạy phổ cập tin học cho người khiếm thị cho biết, hầu hết ở các trung tâm và trường dành cho người khiếm thị đều có lớp dạy tin học vì nhu cầu này rất lớn. Họ học không phải để cho giống người bình thường mà cốt yếu phục vụ cho công việc và giải trí... "Do còn nhiều khó khăn nên việc sử dụng thành thạo chưa nhiều, đa số chỉ mới dừng ở mức độ khá vì người khiếm thị cần nhiều thời gian để học cách làm quen”, Phượng nói.

Theo Phượng, giữa máy vi tính và di động thì người khiếm thị dễ sử dụng di động hơn, vì máy tính đòi hỏi phải có một chút hiểu biết nhất định. Nhiều lúc trong giảng dạy, Phượng cũng nản vì phải lặp lại nhiều lần cho học viên hiểu, nhưng bù lại thái độ học của họ rất tích cực. Điều đó làm cô và những giáo viên khác rất hạnh phúc. Những thiết bị này đã mở ra cho người khiếm thị những chân trời mới, giúp họ cảm thấy cuộc sống tốt hơn chứ không còn thụ động, mặc cảm như lúc chưa biết.

Ông Phạm Quang Tín, Chủ tịch Hội người mù quận Bình Thạnh, cho biết, hiện nay, số người khiếm thị ở TP HCM ước chừng hơn 1.000 người, riêng hội có 71 hội viên trong đó người trẻ tuổi chiếm 30%. Nhu cầu về việc tiếp cận các thiết bị công nghệ của người khiếm thị là rất cao, song họ cũng đang gặp nhiều khó khăn như tài chính, cơ sở vật chất…

Ở Hội người mù quận Bình Thạnh, người khiếm thị thường sử dụng di động nhiều vì dễ học và cũng ít tốn kém. Trong khi đó Hội chưa có cơ sở, kinh phí để đào tạo vi tính. Đặc biệt, vẫn còn một khoảng cách rất xa cho sự hội nhập của người khiếm thị với cuộc sống vì ít doanh nghiệp chịu tuyển dụng người mù. Những phần mềm công nghệ thông tin phù hợp, hỗ trợ người khiếm thị cũng không có nhiều.

Theo ghi nhận của VnExpress.net, các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động hay sửa chữa máy vi tính thường không có sẵn các phần mềm dành cho người khiếm thị vì chúng không được phổ biến, ngoại trừ một vài địa chỉ để tham khảo như www.saomaicenter.org hoặc www.freedomscientific.com, hoặc đến Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai để tìm hiểu thêm.

Phú Sơn - Quốc Triều

http://www.vnexpress.net/GL/Vi-tinh/2009/06/3BA0FE58/

 

 

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin