2.3. Cài đặt Windows 7

Nghe Audio

Phần I: Cài đặt windows từ nền windows có sẵn

Chào các bạn!

Dù rằng số người sử dụng Windows 8/ 8.1 trong cộng đồng người mù không ít, và cũng đã có một số người có thể tự cài được windows 7/ 8/ 8.1. Tuy nhiên, Vẫn còn đó những bạn thích dùng windows 7 vì đã quen với giao diện hay vì một lí do nào đó. Mặt khác, Microsoft vẫn còn hỗ trợ cho hệ điều hành (HĐH) này. Do đó, nó vẫn còn giá trị sử dụng. Thêm nữa, qua một số diễn đàn công nghệ cho người mù mà tôi tham gia, cũng như những cuộc điện thoại gọi đến trung tâm Sao Mai, tôi nhận thấy nhu cầu tự cài đặt HĐH của người khiếm thị cũng tương đối cao.

Bằng vốn hiểu biết hạn hẹp của mình, xin chia sẻ với các bạn những kinh nghiệmma tôi, một người khiếm thị đã tự cài đặt HĐH cho mình nhiều năm qua. Ở kì này, xin chia sẻ cách thức cài đặt windows trên nền một HĐH có sẵn.

1. Chuẩn bị

Để có thể tự mình cài đặt Windows 7, bạn cần lưu ý  một số điểm sau:

  • Nắm được thông tin về phần cứng máy tính của mình – nghĩa là phải biết máy này có đủ điều kiện cài đặt Windows 7 không. Bạn có thể lên mạng tìm hiểu cấu hình tối thiểu của một máy có thể chạy được HĐH này, hay đơn giản chỉ là nếu bạn đang sử dụng Windows 7 thì máy đó cài được HĐH này.
  • Phân vùng làm ổ hệ thống (thường là ổ đĩa C) phải có dung lượng tối thiểu khoảng 50 Gb. Thật ra thì Windows 7 chỉ cần  khoảng 15 Gb dung lượng, nhưng một số người cho rằng chừa trống như vậy thì không gian ổ đĩa sẽ thoải mái hơn cho việc cài đặt và sử dụng phần mềm về sau.
  • Một bộ cài đặt Windows 7 có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng (thường là tập tin nén dạng *.iso).
  • Đĩa Driver của máy.
  • Phần mềm NVDA tự chạy (NVDA Portable). Hãy lưu thư mục NvDa ở một nơi nào càng dễ nhớ càng tốt. Tôi gợi ý bạn lưu nó ở ngay ổ đĩa D.

Lưu ý: Với người dùng laptop, phải sử dụng điện trong suốt quá trình cài đặt. Đây là yêu cầu bắt buộc của nhà sản xuất nhằm bảo vệ người dùng khỏi những rủi ro có thể gặp phải do hết pin.

2. Tiến hành cài đặt:

Sau khi đã chuẩn bị hết mọi thứ, hãy giải nén tập tin *.iso của HĐH vào một nơi nào đó không phải là ổ hệ thống rồi chạy tập tin setup.exe lên như cài đặt một chương trình bình thường. Bạn sẽ phải trải qua các bước sau đây để cài mới hoàn toàn HĐH cho mình:

Đầu tiên là một bước mang tính thủ tục – cửa sổ chào mừng người dùng đến với phiên bản cài đặt của Windows 7. Việc bạn cần làm chỉ là bấm vào nút Install now (Alt+I) để tiếp tục.

Tiếp theo là một cửa sổ có tên Get important updates for installation (tạm dịch: cập nhật các bản vá lỗi quan trọng cho việc cài đặt) với hai tùy chọn dạng nút (Button):

  • Go online to get the latest updates for installation (recommended) Tải các bản vá lỗi quan trọng cho việc cài đặt.
  • Do not get the latest updates for installation: không tải các bản vá lỗi.

Để tiết kiệm thời gian, tôi thường chọn vào nút do not get the latest update…

Cửa sổ thứ 3: Select the operating system you want to install (chọn HĐH bạn muốn cài đặt). Dùng mũi tên lên xuống để chọn trong danh sách.

Hiện nay có hai phiên bản cơ bản là Windows 32 bit và Windows 64 bit. Tôi khuyên bạn nên kiểm tra trong System Properties để biết hiện tại đang sử dụng phiên bản nào. Nếu HĐH hiện tại của bạn là 32 bit chẳng hạn, bạn nên cài lại theo y như vậy để tránh phiền phức về sau. Trong danh sách các phiên bản của Windows sổ xuống, cái nào bạn thấy có chữ x86 thì nó là Windows 32 bit. Bấm nút Next để đến bước tiếp theo.

Bước tiếp đến là thỏa thuận của nhà sản xuất về những điều khoản khi sử dụng sản phẩm của họ (license agreement) -  giống như khi cài đặt một ứng dụng trên Windows. Bạn chỉ việc bấm Alt+A để đánh dấu vào I accept the license terms (chấp nhận những điều khoản) rồi bấm vào nút next.

Bước kế tiếp là chọn kiểu cài đặt. Bạn có hai lựa chọn dạng button.

  • Upgrade: cài lại Windows nhưng vẫn giữ nguyên các thiết lập của HĐH cũ, kể cả các phần mềm và dữ liệu.
  • Custom (advanced) Xóa sạch HĐH cũ và cài lại từ đầu. Tôi sẽ chọn vào tùy chọn này bằng cách bấm khoảng trắng.

Bước tiếp theo là chọn nơi để cài HĐH. Trên màn hình sẽ là những ổ đĩa của máy bạn. Dùng mũi tên lên xuống để chọn vào ổ hệ thống – thường là ổ nằm trên cùng. Xin đưa ra danh sách các phân vùng trên máy tôi để minh họa:

  • Disk 0 Partition 1: SYSTEM (C:) 50.6 GB 20.8 GB System
  • Disk 0 Partition 2: DATA (D:) 190.9 GB 80.3 GB Primary

Trên cửa sổ này có nút Load Driver. Bạn có thể bấm vào đây rồi chỉ đường dẫn đến thư mục chứa các driver của máy để windows tự cài chúng trong quá trình cài đặt HĐH.

Lưu ý: không phải Driver nào cũng có thể cài trong quá trình cài đặt Windows 7 được. Bởi vậy bạn cần tìm hiểu vấn đề này trước khi quyết định tích hợp Driver. Thường thì những thư mục Driver nào bên trong có các tập tin *.dll, inf… thì có thể tích hợp được. Các tập tin cài đặt dạng *.exe thì không được. Hơn nữa Windows 7 nhận hầu hết các driver âm thanh hiện nay. Do đó bạn không phải lo lắng việc sau khi cài win xong không có cái gì đọc để cài driver.

Bấm vào nút next để đi tiếp, chương trình cài đặt sẽ thông báo cho bạn biết rằng ổ hệ thống đang có một HĐH và yêu cầu bạn chấp nhận để sao lưu lại toàn bộ dữ liệu của HĐH này. Có hai nút là OK và Cancel. Theo tôi hiểu thì người dùng có thể chấp nhận hay không chấp nhận làm việc đó, nhưng thường thì nếu tôi bấm Cancel, tôi sẽ không đi tiếp được các bước sau. Hiện chưa có thời gian tìm hiểu vấn đề này.

Sau khi bấm OK, hệ thống sẽ tiến hành sao lưu dữ liệu của HĐH cũ vào thư mục C:\Windows.old. Bây giờ, hệ thống dựa trên những tùy chọn của bạn để xúc tiến quá trình cài đặt. Sau khoảng một vài phút, máy sẽ tự khởi động lại và lúc này trình đọc màn hình sẽ chính thức không hoạt động. Máy sẽ khởi động lại thêm vài lần nữa. Việc của bạn là đợi khoảng  15 phút hay theo kinh nghiệm của một số người là lắng nghe xem khi nào ổ cứng hết chạy. Lúc này quá trình cài đặt đã tạm dừng để chờ bạn khai báo một số thông tin như tên người dùng, tên máy tính… .Thời gian chờ ở mỗi máy là khác nhau nên thời gian 15 phút chỉ là lí thuyết.

Bạn sẽ lo lắng rằng không có cái gì đọc cho bạn hoặc không có ai nhìn giúp? Hãy yên tâm. Như đã nói ởtrên, Windows 7 nhận được hầu hết driver của các thiết bị âm thanh hiện nay. Thêm nữa, quá trình cài đặt về cơ bản đã hoàn thành. Bạn đã đủ điều kiện để bấm Windows+U gọi chạy trình Narrator của Win, thậm chí bạn có thể gọi cả NVDA để tiếp tục đọc các bước còn lại. Nếu bạn quen dùng Narrator thì hãy làm các bước dưới đây sau khi gọi chạy bằng Windows+U:

Khi cửa sổ Narrator hiện ra, bấm Tab tìm và dùng khoảng trắng đánh dấu chọn vào tùy chọn: here text on screen using narrator (tạm dịch: dùng narrator đọc màn hình)

Với các bạn muốn sử dụng  NVDA và biết chút ít về Command Prompt (chương trình cmd.exe), hãy bấm shift+F10. Cửa sổ Command Prompt sẽ mở ra. Hãy gõ đường dẫn chính xác đến tập tin nvda.exe mà tôi đã gợi ý các bạn chuẩn bị ở trên rồi nhấn Enter. Khi đã gọi xong NVDA, bạn có thể gõ lệnh Exit rồi Enter để thoát khỏi cửa sổ Command Prompt và quay về cửa sổ cài đặt.

Lúc này cửa sổ hiện ra là những tùy chọn đại loại như chuẩn bàn phím, tên quốc gia… .Theo kinh nghiệm của tôi và một số người hướng dẫn cài win trên mạng thì bạn không nên chọn gì ở bước này. Như vậy sẽ tránh được một số rắc rối. Đừng ngần ngại, hãy nhấn Enter để đi tiếp.

Sau khi bấm Enter, bước tiếp theo sẽ là tạo một tài khoản người dùng (User Account) cho máy. Hãy bấm Tab đến khi nghe  đọc: Type a user name. Đánh tên bạn và nhấn Enter để đi tiếp hoặc bấm phím Tab tìm đến một tùy chọn dạng Edit Combo có tên: and type a computer name (đặt tên cho máy). Thường thì computer name sẽ được đặt giống với tên bạn đã tạo ở User Account nhưng không có kí tự trắng, ví dụ: khi tạo User là Super computer thì Computer name sẽ là Supercomputer. Nếu thích, bạn có thể gõ lại tên khác (cũng không có khoảng trắng) và nhấn enter để tiếp.

Bước tiếp theo là đặt mật khẩu (password) cho User Account. Bạn nhập vào mật khẩu như tạo trong win rồi nhấn Enter. Thường tôi cũng không quan tâm cái này mà nhấn Enter để đi luôn qua bước sau.

Kế tiếp là bước yêu cầu nhập Product Key, hãy nhập vào số Product Key hay còn gọi là số Serial của máy bạn. Nếu không nhớ thì có thể bỏ qua bước này. Thường thì tôi bỏ qua luôn vì khi ở trong Win chúng ta có thể dễ dàng copy số serial và đăng kí (activate) dễ hơn. Để tránh các rắc rối ngoài ý muốn, bạn nên bỏ chọn mục Auto activate when I’m online trước khi  bấm vào nút next.

Bước tiếp theo, hệ thống yêu cầu bạn chọn cấu hình cho chức năng automatic update (tự cập nhật vá lỗi). Hãy chọn một tùy chọn nào đó theo nhu cầu của bạn. Các tùy chọn ở đây tương tự với tùy chọn về Automatic Update trong System Properties. Nếu bạn chưa từng dùng qua tính năng này, tôi khuyên bạn nên bấm vào nút Ask me later (sẽ cấu hình sau) để đi tiếp các bước còn lại.

Kế tiếp là bước chọn Time Zone (khu vực giờ). Hãy dùng mũi tên chọn khu vực giờ tương ứng  với nơi bạn đang sống trong danh sách. Việt nam chọn (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta

Bấm Enter để đi tiếp.

Tại đây, nếu HĐH nhận được Driver Card Wifi, hệ thống sẽ liệt kê ra những sóng Wifi được tìm thấy. Bạn có thể kết nối vào mạng Wifi của nhà mình nếu có.

Bước cuối cùng là bước chọn cấu hình cho Network. Chỉ khi máy bạn đang kết nối với Internet thì mới có bước này. Nếu đang kết nối với Internet, hãy chọn một trong các kiểu kết nối sau:

  • Home Network: mạng ở nhà
  • Work Network: mạng ở nơi làm việc.
  • Public Network: mạng công cộng. Thường thì cấu hình này dùng khi sử dụng laptop với các mạng wifi ở các quán café chẳng hạn.

Thường thì tôi hay chọn vào nút Home Network rồi đợi cho máy thực hiện cái gì đó trong vòng vài phút và bấm Enter để nó tự thoát. Thật ra tôi cũng chẳng hiểu lắm bước này. Vì thấy nó không ảnh hưởng gì nên cũng chưa tìm hiểu kĩ.

Sau khi thực hiện xong bước này, hãy đợi Windows thực hiện những thiết lập cuối cùng và khởi động lại. Hãy lắng nghe tiếng nhạc khởi động để biết rằng mình đã thành công mĩ mãn.

Bây giờ, hãy cài lại  Driver cho các thiết bị của máy. Tuy Windows 7 đã nhận hầu hết Driver, nhưng bạn nên dùng đĩa Driver đi kèm để cài lại vì Driver tích hợp sẵn trong bộ cài đặt có thể chưa đúng với máy. Làm như vậy, máy sẽ vận hành ổn định hơn.

Việc cuối cùng mà bạn nên làm sau khi cài Driver là cài đặt các phần mềm cần thiết và hưởng thụ thành quả.

Hãy vào thư mục Windows.old và xem xem những dữ liệu nào đã được copy nhé. Tôi cam đoan với bạn là theo cách cài đặt của tôi, dữ liệu của bạn được bảo vệ 100% đó. Vậy là từ nay các bạn không phải lo lắng vì cài Win mà quên copy lại dữ liệu rồi nhé. Việc cài đặt Windows 7 về cơ bản là như vậy. Chắc chắn sẽ có những phát sinh trong quá trình cài đặt mà kinh nghiệm của tôi tại thời điểm này chưa giải thích được. Vì vậy bạn cần đọc kĩ bài viết này, cũng như tìm hiểu thêm thông tin từ những nguồn đáng tin cậy  trước khi thực hiện.

Chúc các bạn thành công.

 

Đặng Mạnh Cường

Saomai.congnghe@gmail.com

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin