Nền Kinh Tế Xanh Lam
Nền Kinh Tế Xanh Lam
Log in to download this book.
Publisher | THỜI ĐẠI |
---|---|
Accessible book producer | Public domain |
Published year | 2014 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN THỜI ĐẠI |
Các ý tưởng mà bạn sắp bắt gặp trong cuốn sách này thuộc về những viễn cảnh hấp dẫn nhất của quá trình thực hiện một nền kinh tế ít carbon, sử dụng nguồn lực hiệu quả và có sức cạnh tranh trong thế kỷ 21. Đáng lưu ý là việc mô phỏng các hoạt động hiệu quả và không chất thải của các hệ sinh thái sẽ mở ra những cơ hội tạo công ăn việc làm lớn nhất. Thế giới tự nhiên tuyệt vời và đa dạng đã giải quyết thật tài tình, bất ngờ, thậm chí phản trực giác những thách thức đặt ra cho nhân loại trong phát triển bền vững. Nếu như con người có thể giải mã những bí ẩn hóa học, những quá trình và thiết kế hấp dẫn mà các sinh vật – từ vi khuẩn, động vật nhuyễn thể cho tới các loài bò sát và có vú – đã phát triển và thử nghiệm hàng ngàn năm, có lẽ chúng ta sẽ có được những giải pháp mới mẻ mang tính cải biến cho nhiều vấn đề của một hành tinh chứa sáu tỉ người và sẽ vượt quá con số chín tỉ trong năm 2050.
Quyển The Blue Economy của Gunter Pauli mở cửa cho chúng ta bước vào lĩnh vực mới mẻ hướng đến tương lai này. Các bước tiến khai phá mà nó mô tả sẽ nhanh chóng thuyết phục các nhà lãnh đạo nhà nước và doanh nghiệp về việc nghiên cứu, phát triển những ngành khoa học mũi nhọn làm cơ sở cho các phát triển mới ấy. Cuốn sách nêu bật công việc sáng tạo của nhiều nhân vật như Emile Ishida (Nhật Bản), Wilhelm Barthlott (Đức), Andrew Parker (Anh), Joanna Aizenberg (Nga/Mỹ), Jorge Alberto Vieira Costa (Brazil) và các nhà khoa học hàng đầu khác, những người không chấp nhận sự hiểu biết thông thường hay tình trạng hiện tại. Qua mô tả công việc của họ, The Blue Economy chứng minh rằng chúng ta có thể tìm ra những phương pháp vật lý, hóa học và sinh học để sử dụng nguyên vật liệu tái tạo và hoạt động thực tiễn bền vững giống như các hệ sinh thái vậy. Điều ấy không còn thuộc lĩnh vực khoa học giả tưởng nữa: nó đang xảy ra thực sự tại đây, ngay lúc này. Với chính sách hỗ trợ thích hợp cho việc nghiên cứu phát triển, với những chiến lược thúc đẩy hoạt động kinh doanh qua cơ chế thị trường, các phương tiện và phương pháp nói trên sẽ cho chúng ta rất nhiều cơ hội đẩy nhanh quá trình ứng phó với các vấn đề cấp bách của thế giới.
Mặt khác, sự chấp nhận rộng rãi khuôn khổ nêu trong The Blue Economy có thể tạo một cơ sở logic vững chắc cho việc thực hiện chương trình hành động của Công ước đa dạng sinh học và việc hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức như UNEP và IUCN. Hiện nay, các loài sinh vật biến mất với tốc độ chưa từng thấy. Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng đây là đợt tuyệt chủng thứ sáu trên trái đất, chủ yếu do mô hình kinh tế và cách thức hoạt động của con người đã đánh giá thấp đóng góp của các loài, sinh cảnh và hệ sinh thái cho đời sống chúng ta cũng như cho các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh.
Những loài sinh vật trong các hệ sinh thái ấy đã củng cố nền kinh tế hàng triệu tỉ đô la của chúng ta bằng nhiều dịch vụ thiết yếu cả trên bình diện địa phương, vùng lẫn toàn cầu. Nhiều loài sinh vật và quá trình hệ sinh thái giữ đầu mối cho những thành quả có thể rất quan trọng trong việc sản xuất thuốc men, lương thực, nhiên liệu sinh học và vật liệu ít tốn năng lượng. Chúng tỏ ra là thiết yếu cho việc giảm nhẹ tác động hay thích ứng với biến đổi khí hậu. Chắc hẳn chúng ta sẽ cần đến những thành quả như thế để thúc đẩy các ngành kinh tế bền vững cung cấp nhiều việc làm lâu dài phù hợp với con người. Với 100 đổi mới mô tả trong quyển sách, The Blue Economy ước lượng một tiềm năng tạo ra 100 triệu việc làm. Ước lượng ấy càng hiển nhiên hơn khi thực tế hiện nay đã có nhiều lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn trong cả ngành công nghiệp dầu khí, và số vốn đầu tư vào năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt đã vượt quá mức đầu tư cho việc xây dựng mới những nhà máy sử dụng năng lượng hóa thạch.
Liên Hợp Quốc dự đoán năm 2025 sẽ có 1,8 tỉ người sống ở những quốc gia hay vùng khan hiếm nước. Hai phần ba nhân loại có thể phải sống trong điều kiện thiếu hụt nước. Trong khi đó, biến đổi khí hậu với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan được dự đoán là sẽ làm vấn đề nước trở nên trầm trọng hơn nữa. Các bạn hãy xem xét một hệ thống thu góp nước mưa mô phỏng khả năng của con bọ ở sa mạc Namib (Onymacris unguicularis) . Con vật tháo vát này sống ở nơi mỗi năm nhận nửa inch [1] nước mưa thôi, nhưng nó có thể hứng lấy nước từ sương mù ùa qua sa mạc trong vài buổi sáng của một tháng.
Mới đây, một số nhà nghiên cứu đã thiết kế một bề mặt mô phỏng cấu tạo của cánh con bọ; cấu tạo ấy gồm những chỗ lồi hút nước và những khe kỵ nước cho phép nó thu hút và đẩy những giọt nước nhỏ hơn sợi tóc tới miệng nó. Những thử nghiệm kỹ thuật đầu tiên ở một số tháp giải nhiệt cho thấy phát minh của họ có thể giúp thu lại 10% lượng nước thất thoát. Điều ấy làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt [2] ở các tòa nhà lân cận, do đó cũng hạ chi phí năng lượng xuống. Hàng năm có chừng 50.000 tháp làm mát mới được xây dựng và mỗi hệ thống lớn ấy để mất hơn 500 triệu lít nước mỗi ngày. Như vậy, lượng tiết kiệm 10% thật đáng kể. Những nhà nghiên cứu khác dựa vào hệ thống thu thập nước của con bọ để phát triển một loại lều tự sản xuất nước cũng như những bề mặt pha trộn thuốc thử cho các áp dụng liệu pháp “phòng thí nghiệm trên một vi mạch”. Hai mươi người được thuê làm việc trong phát triển còn non trẻ này, nhưng tiềm năng thực sự của nó trên thế giới lên tới 100.000 việc làm mới.
Quyển The Blue Economy đề cập đến một dự án ở Benin, nơi một hệ thống canh tác và chế biến thực phẩm mô phỏng cách thức chuyển dưỡng chất qua nhiều tầng của một hệ sinh thái. Chất thải động vật từ lò sát sinh được chế biến ở một trại nuôi dòi thành đồ ăn cho cá và chim cút; khí sinh học cung cấp điện và nhà máy được xây dựng để xử lý nước. Dự án ấy là một thế giới thu nhỏ của Nền Kinh tế Xanh lam. Cũng dùng đồng đô la, euro, rupi hay nhân dân tệ như những hệ thống kinh tế thông thường, nhưng nó tạo ra thu nhập, sinh kế và an ninh lương thực, đồng thời tái chế, tái sử dụng chất thải. Hiện nay có 250 người làm việc trong dự án. Nếu như mô hình thác nhiều tầng này được áp dụng tại mỗi lò mổ, sẽ có tiềm năng đạt tới 500.000 việc làm ở châu Phi hay năm triệu việc làm trên toàn thế giới.
Gần 70 năm trước đây, kỹ sư người Thụy Sĩ George de Mestral trong một cuộc đi dạo ở đồng quê đã quan sát những móc nhỏ ở hạt ngưu bàng ngoan cố bám vào quần áo mình. Sau đó, ông nghĩ ra một phát minh được biết dưới tên “khóa dán Velcro”. Gần đây hơn, những tòa nhà như trung tâm thương mại Eastgate ở Zimbabwe, một bệnh viện ở Columbia, một trường học ở Thụy Điển và trụ sở Hội Động vật học London được làm mát bằng những hệ thống điều hòa hoạt động theo cách thức của gò mối. Trong khi đó, các trường kỹ sư trên khắp thế giới đua nhau phát triển điện mặt trời hiệu quả hơn trên cơ sở các phân tử và quá trình của sự quang hợp. Điều mà The Blue Economy nhấn mạnh là tiềm năng to lớn của những đổi mới như thế. Nó soi sáng bước ngoặt gắn liền với vô số những bước đột phá ở phòng thí nghiệm, trong quá trình phát triển hay thương mại hóa.
Thế giới phải khốn khổ vì những cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu, tài chính và kinh tế. Tổn thất hệ sinh thái và đa dạng sinh học dẫn đến khủng hoảng khí hậu và hiểm họa cạn kiệt tài nguyên đang lờ mờ hiện ra. Một Nền Kinh tế Xanh lam có khả năng giải quyết các thử thách ấy một cách có hệ thống và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội hiển nhiên, nền kinh tế ấy là thiết yếu trong lúc này. Trái đất luôn luôn là nguồn lực lớn nhất của chúng ta, và cuốn sách này nêu 100 thí dụ nhằm giải thích tại sao ngày nay việc đầu tư vào lĩnh vực bền vững hệ sinh thái cả trên bình diện địa phương lẫn toàn cầu càng hợp lý và quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu tuân theo logic của tự nhiên, chúng ta có thể xây dựng nền tảng cho quá trình đổi mới xã hội toàn diện và công cuộc cải tạo kinh tế ngay từ gốc rễ.
Trong cuốn Codex Atlanticus , Leonardo da Vinci đã tóm tắt cô đọng về khả năng của các hệ sinh thái và sự bảo tồn vật chất của tự nhiên như sau: “Mọi thứ đều đến từ mọi thứ; mọi thứ đều làm bằng mọi thứ; mọi thứ đều biến thành mọi thứ, tất cả những gì tồn tại trong các nguyên tố đều được làm bằng các nguyên tố ấy.”
Achim Steiner, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc,
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP)
Ashok Khosla, Chủ tịch Liên Hiệp Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN