Anh Nghĩa và con trai. Hiện anh Nghĩa là kỹ sư điện tử tham gia các dự án thiết kế robot của Chính phủ Mỹ.
Có thể thông báo bằng giọng nói về thông số của vật thể đối diện như khoảng cách, màu sắc, "gậy ảo đa năng" là thiết bị được tác giả Trần Xuân Nghĩa thiết kế và chế tạo.
Anh Nghĩa tâm sự, do có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, con trai lớn của anh mắc chứng tự kỷ nên anh có sự cảm thông sâu sắc với những người gặp khó khăn trong cuộc sống vì chịu khiếm khuyết.
Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, anh Nghĩa dành nhiều tâm huyết phát triển các sản phẩm điện tử cải thiện khả năng giao tiếp và truyền đạt ngôn ngữ của người khuyết tật, trong đó có chiếc “gậy ảo”.
Cấu tạo của “gậy” bao gồm: Các cảm biển khoảng cách, cảm biến màu giúp nhận biết chướng ngại vật trước mắt đồng thời giúp nhận biết màu sắc của vật thể…, và một bộ điều khiển trung tâm sử dụng chip PIC32 để xử lý thông tin thu được từ cảm biến.
PIC32 là loại vi điều khiển mới nhất của hãng Microchip. So với các vi điều khiển trước đó, PIC32 có đơn vị xử lý CPU 32-bit, bộ nhớ chương trình và dữ liệu 512kb, một bộ định thời gian thực. Không bị hạn chế về khả năng như các vi điều khiển đời thấp, PIC32 có thể thực hiện các công việc tính toán phức tạp, xử lý lượng thông tin thu thập từ các cảm biến nhiều hơn, nhất là những thông tin liên quan đến hình ảnh, âm thanh và truyền tải thông tin.
Anh Nghĩa cho biết, ý tưởng về sản phẩm đến với anh từ khi còn ở Việt Nam. Năm 1984, anh Nghĩa học tại trường cấp II Sương Nguyệt Anh, quận 10, TP HCM. Học chung lớp với anh có hai người bạn bị mù. Đến bây giờ, hình ảnh hai người bạn khiếm thị dắt tay nhau đến trường mỗi ngày, rồi dìu nhau đứng dậy mỗi khi bị ngã do đường trơn trượt để lại trong anh ấn tượng sâu sắc.
“Dự án tôi đang làm đây nhằm giúp người khiếm thị dễ dàng đi lại và hòa đồng với cuộc sống bình thường. Tôi hy vọng các ý tưởng và phần công sức của mình có thể giúp ích cho những người khuyết tật”, anh Nghĩa tâm sự.
Thời gian eo hẹp, để sáng chế “Gậy ảo”, anh Nghĩa đã phải tranh thủ các buổi tối cuối tuần để thực hiện dự án. Thường anh thức đến tận 2-3 giờ sáng để cố hoàn thành từng công đoạn.
Điều băn khoăn của anh Nghĩa là không biết sản phẩm của mình có thực sự phù hợp hay không. “Vì không thật sự sống trong thế giới của người khiếm thị, tôi không biết rõ yêu cầu và cách thức tốt nhất tạo giao diện giữa người dùng và máy”, anh Nghĩa nói.
Mỗi khi thử nghiệm, anh Nghĩa tự vào vai người khiếm thị để kiểm tra sản phẩm. “Tôi cũng giả cầm gậy khua giống người mù để có cảm giác chính xác nhằm hoàn thiện các chức năng của sản phẩm”, anh kể. Bảng mạch thử của gậy ảo đa năng. Sau khi hoàn tất giai đoạn thử nghiệm, toàn bộ linh kiện điện tử sẽ được sắp xếp trên một bảng mạch nhỏ.
Hiện trên thế giới, đã có nhiều các sản phẩm trợ giúp người khiếm thị trong học tập, công việc. Nhưng đa phần các thiết bị này ít chức năng, có kích thước lớn và nhất là giá thành còn cao. Anh Nghĩa hy vọng, sản phẩm mới của mình khi hoàn thiện sẽ nhỏ gọn và có giá thành phù hợp với túi tiền của người bình dân.
Trong tương lai, anh Nghĩa dự định sẽ tích hợp vào sản phẩm nhiều chức năng khác, trong đó có khả năng ghi âm, nhập văn bản từ bàn phím Braille… để giúp người khiếm thị dễ dàng trong việc ghi chú bài vở và giao tiếp với cộng đồng.
Một trong những ước muốn của anh Nghĩa là sản phẩm của mình có mặt ở Việt Nam. Anh dự định khi sản phẩm hoàn thiện sẽ cùng bạn bè góp tiền sản xuất một số mẫu để gửi về nước. Anh Nghĩa cho biết, ở Việt Nam đã có nhiều người sử dụng vi điều khiển PIC32 và có nguồn cung cấp ổn định. Vì vậy, khi được hỏi về khả năng chế tạo “gậy tàng hình” trong nước, anh Nghĩa nhận định, Việt Nam có dư điều kiện để sản xuất thiết bị này.
(Nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=88305)
Share via:
EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin