1. Tôi là ai?
Chào các bạn, Tôi là Nguyễn Đức Anh Minh. Hiện là giáo viên tin học của trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng. Tôi rất đam mê công nghệ và đã gắn bó với nó hơn 10 năm: từ windows98-jaws3.7 cho đến những chiếc điện thoại nokia với hệ điều hành symbian... Tôi cũng có những điều kiện tiếp cận thuận lợi như: vốn tiếng Anh, và những người bạn cùng sở thích là Tô Nguyên Châu, Đặng Mạnh Cường và cả các bạn - những người thích tìm tòi học hỏi.
Hôm nay, tôi sẽ trình bày những kiến thức đã tích lũy được sau hơn bốn tháng dùng thiết bị cảm ứng với hi vọng nó sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho những bạn đang có ý định tìm hiểu về lĩnh vực này.
2. Vì sao người mù lại phải dùng thiết bị cảm ứng và liệu có dùng được không?
Xu hướng công nghệ ngày nay là những chiếc máy tính bảng (tablet, ipad) và những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) với màn hình cảm ứng rất đa dạng về thương hiệu, cấu hình cũng như là giá tiền. Với người mù hoàn toàn thì cảm ứng ít nhiều sẽ mang lại những phiền toái nhất định. Trên thiết bị cảm ứng, chúng ta khó có thể thao tác nhanh nhẹn như trên thiết bị có bàn phím cứng. Tôi cũng đã tiếp xúc với một số người mù và họ đã rất e ngại khi đề cập về sử dụng cảm ứng. Nhưng nếu bạn đam mê công nghệ hay đơn giản là bạn muốn nó phục vụ cho mình thì phải theo xu hướng này thôi.
Những chiếc điện thoại mới cáo của nokia có bàn phím cứng với hệ điều hành symbian hầu như không còn ở các cửa hàng di động và sẽ có không ít rủi ro nếu ta tìm mua một chiếc điện thoại cũ.
Với kinh nghiệm bản thân, tôi chắc rằng người mù hoàn toàn sử dụng được các thiết bị cảm ứng nếu biết lựa chọn, có cách tiếp cận hợp lí và dĩ nhiên là cũng cần một chút kiên nhẫn nữa.
3. Nên chọn thiết bị nào?
Chọn thiết bị nào là quyền của bạn vì bạn là người bỏ tiền ra mua và sẽ sử dụng nó. Ở đây tôi chỉ đưa ra những phân tích và bạn sẽ là người quyết định cuối cùng.
a. Có nên chọn thiết bị cảm ứng của nokia?
Nokia từng là hãng điện thoại hàng đầu. những chiếc điện thoại 6600, n-gage, 7610, 6120, e72... với Nuance Talks rất phổ biến trong cộng đồng người mù. Nhưng những thiết bị cảm ứng của nokia thì dường như là đã bỏ quên người mù. Nói thật là tôi chưa có cơ hội sử dụng những chiếc nokia cảm ứng với hệ điều hành symbian hay windows nhưng qua tìm hiểu trên internet thì hầu như là không có hướng dẫn sử dụng cũng như những chia sẻ kinh nghiệm cho người dùng khiếm thị.
Vì thế bạn nên xem xét thật kĩ nếu vẫn muốn mua một chiếc nokia cảm ứng hay là một chiếc windows phone.
b. Iphone, ipad thì sao?
Iphone, Ipad, Ipod touch là những thiết bị chạy hệ điều hành IOS và được sản xuất bởi công ty Apple.
Khi nghe tới Iphone, Ipad thì ta sẽ nghĩ ngay đó là những thiết bị rất đắt tiền. Nhưng ông bà ta có câu "đắt sắt ra miếng". Và Apple đã rất quan tâm tới tính tiếp cận cho người khuyết tật. Bạn chỉ việc mua về và sử dụng mà không cần cài thêm phần mềm hỗ trợ nào. Yêu cầu là các bạn phải biết chút tiếng Anh. Nếu không thì các bạn phải mất thêm ít thời gian để học thuộc.
Ngoài ra, trên kho ứng dụng (App Store) của Apple có rất nhiều ứng dụng hay giúp người mù đọc sách, coi tiền, ghi chú, chơi cờ nghe đài, tv... Những ứng dụng này thường miễn phí hoặc có giá khoảng vài dollar.
Các bạn đọc hiểu được tiếng Anh có thể tìm hiểu thông tin tại:
c. Android à! nhức đầu quá!
Android là hệ điều hành mã nguồn mở được phát triển bởi google dành cho các thiết bị cảm ứng như: điện thoại thông minh, máy tính bảng và các loại thiết bị khác nữa. Đây là hệ điều hành mà người mù có thể sử dụng được với sự hỗ trợ của phần mềm đọc màn hình Talkback. Các thiết bị android rất đa dạng về mẫu mã, thương hiệu và giá tiền; các điện thoại, máy tính bảng to nhỏ của những hãng nổi tiếng như Samsung, LG, HTC, Asus cho đến những hãng ít tên tuổi hơn như Lenovo, Zte, HuaWei... từ 1 - 2 triệu cho đến chục triệu. Vì quá đa dạng nên cũng rất khó chọn lựa phải không các bạn? Điều kiện để người mù có thể dùng tốt là thiết bị phải dùng hệ điều hành android 4.1 trở lên, càng mới càng tốt. Android mới nhất tính đến tháng 6 năm 2014 là Android 4.4.2 KitCat. Thiết bị cũng cần có phần mềm Talkback và bộ phát âm (TTS).
Khi đi mua máy các bạn cần yêu cầu người bán chuyển giao diện máy về tiếng Anh rồi vào phần settings/Accessibility/Talkback và bật nó lên. Bạn rà tay trên màn hình mà nghe nó nói thì bước đầu là bạn đã có thể sử dụng thiết bị rồi đó. Tuy nhiên còn có một vài yếu tố khác nữa. Tốt nhất là bạn nên nhờ một người bạn mù, một người bạn sáng mắt và cả hai đều rành về thiết bị android đi cùng.
Thêm một tin vui là mới đây đã có bộ đọc Eloquence cũng như bộ đọc tiếng Việt Vnspeak trên Android. Với bộ đọc Eloquence thì chúng ta phải mua với giá khoảng 20$ nhưng bộ đọc tiếng Việt thì hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể tải Vnspeak trên play store về trải nghiệm nhé!
Tôi sẽ liệt kê ra một số thiết bị android mà tôi biết đã có người mù sử dụng cho các bạn tham khảo nhé:
- Máy tính bảng: Google nexus 7, Google nexus 10, Samsung note 2, Samsung note 3,…
- Điện thoại: Samsung nexus, LG nexus 4, LG Nexus 5, Samsung galaxy SIII/SIV/SV,
Hiện nay, tôi đang dùng chiếc điện thoại giá rẻ Asus zenfone 4 và tôi thực sự rất hài lòng.
Hi vọng những chia sẻ của tôi sẽ giúp các bạn có chọn lựa phù hợp nhất cho mình.
Hãy là người tiêu dùng khôn ngoan nhé!
Nguyễn Đức Anh Minh
Share via:
EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin