Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy
Ứng Dụng Bản Đồ Tư Duy
Log in to download this book.
Publisher | LAO ĐỘNG - XÃ HỘI |
---|---|
Accessible book producer | Public domain |
Published year | 2020 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - XÃ HỘI |
Khả năng của bộ não vĩ đại tới mức nào và bạn sử dụng được bao nhiêu phần trăm? Vào những năm 1950, các nhà tâm lý học ước tính một người trung bình sử dụng được 50% khả năng của bộ não. Đến thập niên 60-70, con số này hạ xuống còn 10%. Đến thập niên 80 chỉ còn 1%. Giờ đây, vào những năm 1990, nó chỉ còn không quá 0,01%. Tuy nhiên những con số này không chứng tỏ trí tuệ nhân loại ngày càng đi xuống mà cho thấy khả năng đo lường sức mạnh tiềm ẩn to lớn của bộ não con người ngày càng tăng. Giáo sư Pyotor Anokhin, một trong những nhà nghiên cứu não bộ hàng đầu thế giới, đã công bố ước tính khoa học về số mẫu tư duy mà một bộ não trung bình của con người có thể sử dụng. Con số mà ông nhấn mạnh là vừa phải ấy còn lớn hơn rất nhiều so với số nguyên tử trên toàn vũ trụ. Trong cuốn sách này, Joyce Wycoff sẽ hướng dẫn bạn suốt hành trình khám phá khả năng của bộ não đầy kỳ thú. Tất nhiên, hiểu biết về khả năng tiềm ẩn của chúng ta có thể đem lại cảm hứng và động lực, nhưng như vậy chưa đủ; chúng ta cần có hướng dẫn thực tiễn để tiếp cận với những khả năng còn chưa được khai thác của mình. Ứng dụng bản đồ tư duy cung cấp những gợi mở thiết thực và có thể áp dụng tức thì khi lập bản đồ tư duy – một hệ thống sức mạnh vô cùng hiệu quả nhằm khai thác tối đa khả năng của bộ não. Bản đồ tư duy được Tony Buzan phát triển vào đầu những năm 1970 như một công cụ giúp con người ghi nhớ hiệu quả. Khi áp dụng công cụ này, ông nhận ra nó không chỉ giúp ghi nhớ hiệu quả mà còn giúp tăng cường kỹ năng tư duy cho sinh viên của mình. Giá trị của bản đồ tư duy thể hiện rõ nét nhất khi đối chiếu với kỹ thuật truyền thống mà đa số chúng ta sử dụng để lấy ý tưởng và ghi nhớ: lập dàn ý. Tuy nhiên, việc lập dàn ý đòi hỏi chúng ta phải sắp xếp các ý tưởng trước khi chúng hình thành, và do đó làm giảm tốc độ và phạm vi của các ý tưởng. Bộ não của chúng ta sở hữu khả năng nảy sinh ý tưởng vô hạn. Nó hoạt động tốt nhất khi các ý tưởng được tự do tuôn trào trước khi phải sắp xếp lại. Có vô số hệ thống ghi nhớ được phát minh để giúp bộ não tự do nảy sinh các ý tưởng nhưng phương pháp lập bản đồ tư duy vượt xa tất cả. Phương pháp này là phương tiện khuyến khích dòng tư duy tự nhiên bằng cách tạo ra một “vòng phản hồi tích cực” giữa bộ não và các ghi chú. Hãy nhớ lại cuốn sách bạn mới đọc gần đây và tưởng tượng bạn phải viết bài thu hoạch về nó. Khi bắt đầu nhớ lại các ý, bạn có thể không hình dung lại được dàn ý chính thức của cuốn sách. Thay vào đó, bạn sẽ thấy các từ khóa, các mối liên tưởng, hình ảnh và tranh vẽ tự nhiên “nổi lên trong ý thức”. Để viết bài thu hoạch, bạn sẽ phải sắp xếp lại các dòng liên tưởng đó. Không chỉ gia tăng các liên tưởng tự do, lập bản đồ tư duy còn đem lại một phương pháp sáng tạo toàn diện để tổ chức các ý tưởng. Rất nhiều sinh viên của chúng tôi nói việc lập bản đồ tư duy diễn ra rất tự nhiên và họ đã xây dựng được hệ thống ghi nhớ của riêng mình bao gồm các hình ảnh, màu sắc và các từ khóa gần giống như bản đồ tư duy. Trực giác phát triển giúp họ khám phá những khía cạnh linh hoạt và chính xác mới của tư duy. Từ năm 1975 tôi đã kết hợp chặt chẽ với Buzan để phát triển bản đồ tư duy thành một công cụ đào tạo tư duy hiệu quả. Vào cuối những năm 1970, chúng tôi xác định viễn cảnh như sau: đến năm 2000 sẽ có 100 triệu người thường xuyên sử dụng bản đồ tư duy, phương pháp lập bản đồ tư duy được giảng dạy ở các trường học và trở thành phương pháp tối ưu khi làm việc tập thể. Việc hiện thực hóa viễn cảnh này đòi hỏi mỗi cá nhân phải dạy, diễn đạt và quảng bá sức mạnh của bản đồ tư duy theo nhiều cách khác nhau. Cuốn sách của Joyce Wycoff là đóng góp quý báu cho việc hiện thực hóa viễn cảnh nói trên. Chị đã viết cuốn sách nhằm phổ biến phương pháp lập bản đồ tư duy, chứng minh tính ứng dụng thực tiễn của nó trong cuộc sống. Gần đây, bản đồ tư duy trở thành “chủ đề nóng” thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhưng nhiều người phản ứng rất hời hợt và thực dụng đối với vấn đề này. Hiệu quả của bản đồ tư duy thường bị hiểu sai do kỹ thuật này đơn giản đến mức người ta có thể dễ dàng bỏ qua ý nghĩa sâu xa của nó. Sự linh hoạt và thiện chí mà Joyce Wycoff thể hiện đã khiến cuốn sách khác biệt so với bất cứ tác phẩm nào cùng đề tài. Điều đặc biệt là Joyce đã áp dụng kỹ năng tư duy ngay trong cuốn sách này. Khi bạn đọc những trang tiếp theo và làm theo chúng, bạn sẽ tiếp cận càng gần với trí tuệ tuyệt vời của chính mình. Michael J. Gelb Nhà sáng lập và Chủ tịch tổ chức High Performance Learning Washington, DC, Hè 1990 Mùa hè 1990