Shambhala - Vùng Đất Tây Tạng Huyền Bí Hay Cuộc Hành Trình Tìm Về Bản Thể
Shambhala - Vùng Đất Tây Tạng Huyền Bí Hay Cuộc Hành Trình Tìm Về Bản Thể
Log in to download this book.
Publisher | PHƯƠNG ĐÔNG |
---|---|
Accessible book producer | Public domain |
Published year | 2011 |
Coppy right | Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG |
Trong một cửa hàng trên phố Barkor náo nhiệt ở Lhasa, Laurence J. Brahm tình cờ thấy một bản kinh Phật cổ: Kinh Shambhala. Anh mua bàn kinh cổ ấy và bắt đầu hành trình tìm kiếm xứ sở Shambhala huyền thoại, vốn được phương Tây biết đến với tên goi “Shangri-La”. Theo những chỉ dẫn trong cuốn kinh, Laurence đã mạo hiểm tiến sâu vào một số vùng hẻo lánh nhất của Tây Tạng. Ở những nơi đó, anh gặp những nhà sư, các vị Phật sống, những người du mục và một vị Bồ Tát trong hình hài cải trang - họ đã chỉ cho anh con đường dẫn tới Shambhala. Cuối cùng, con đường đó đã đưa anh tới Tu viện Tashilumbo, nơi Đức Panchen Lama XI cư ngụ, cũng là nơi ra đời của Kinh Shambhala.
(Theo website ilook.asia)
Tu viện Tashilumbo thuộc thành phố Phật giáo Shigatze, nằm ở miền Tây của Tây Tạng. Nơi đây, gió thường thổi xuyên qua các hành lang rải đầy đá, để lại những luồng không khí mát rượi giữa cái nóng dịu nhẹ của buổi chiều tà. Vào thời khắc này, người ta thường cảm thấy trào dâng niềm cảm xúc động khi ngắm nhìn những tia sáng chói lòa chiếu rọi qua cao nguyên Himalaya. Cảm xúc ấy càng trở nên mãnh liệt hơn khi mặt trời dần khuất bóng.
Shambhala là bản kinh cổ xưa viết bằng tay, được lưu giữ tại Tu viện Tashilumbo. Kinh Shambhala miêu tả những nơi như "Hồ Độc Dược", "Hồ Ác Quỷ" và cả hiện tượng quầng cực quang ở dãy núi Himalaya, khi "Một trăm ngọn núi cùng phát sáng sau khi màn đêm buông xuống". Tất cả những nơi này đều có thực. Chúng nằm ở Ngari, một vùng xa xôi hẻo lánh ở cực tây của Tây Tạng.
Ở một góc độ khác, bản kinh không chỉ đơn thuần là một cuốn sách dẫn đường theo nghĩa đen nữa, nó còn có thể là một tấm bản đồ chỉ dẫn thiền định cho mỗi cá nhân trên con đường khám phá nội tâm của chính mình. Ở góc độ này, Kinh Shambhala mang ý nghĩa phức tạp hơn. Nó dạy chúng ta cách khống chế những năng lượng tiêu cực và chuyển hóa chúng thành năng lượng tiêu cực và chuyển hóa chúng thành năng lượng tích cực....
Shambhala - Vùng đất Tây Tạng huyền bí hay cuộc hành trình tìm về bản thể (Bản gốc: Shambhala Sutra) là tập cuối nằm trong bộ ba tập sách Himalayan Trilogy Book III, kể về những hành trình và trải nghiệm của tác giả tại miền đất hùng vĩ Tây Tạng.
Với tuổi đời xuất bản tại Việt Nam lên đến một thập kỷ, hiện nay cuốn sách đã không còn được sản xuất cũng như bày bán. Dù vậy, nếu muốn tìm đọc, độc giả hoàn toàn có thể tìm kiếm phiên bản PDF của sách trên thanh tìm kiếm.
Cái nhìn đầu tiên, tôi chỉ thấy ấn tượng mạnh với tên cuốn sách. Bìa và cách thiết kế của sách, thực lòng, chưa thu hút người mua và bạn đọc. Tuy vậy, tôi lại rất thích thú với cách tác giả trình bày sách. Cuốn sách có rất nhiều tranh minh họa. Khi đọc và ngẫm nghĩ về nền văn hóa đa dạng của Tây Tạng, những bức ảnh minh họa ấy thực sự đã làm tôi phần nào hình dung ra được vẻ đẹp tráng lệ và càng khiến cái khao khát được thăm thú Tây Tạng trong tôi ngày một lớn hơn.
Lhasa và thiên nhiên hùng vĩ
Điểm mạnh lớn nhất của cuốn sách, có lẽ, nằm trong chính những thông tin về Tây Tạng mà tác giả truyền đạt. Từ đây đó tới giờ, mỗi lúc rảnh rỗi tôi thường có thói quen đi thăm thú các website du lịch và tìm đọc về những tour du lịch ở Châu Á nói chung, ở vùng Trung Á nói riêng. Là một người đam mê tôn giáo và những điều kỳ thú của tôn giáo, tôi biết đến Bhutan trước tiên. Là hàng xóm của nhau, nếu bạn đã biết đến Bhutan và có mong muốn được thăm thú đất nước tuyệt vời này thì có lẽ Tibet cũng nên được cho vào danh sách những địa điểm cần tới ít nhất một lần trong đời.
Vào bất cứ lúc nào ở Ngari, bạn có thể thấy mình đang băng qua những vùng đất cao 4.000 - 6.000 mét so với mặt biển mà không hề nhận ra điều đó. Những ngọn núi phủ tuyết trắng mọc lên trên sa mạc. Bồng bềnh ở chân trời, nối liền mặt đất và bầu trời. Khắp nơi ở Ngari là sự trải rộng mênh mông của bầu trời. Trời xanh trải rộng về mọi hướng - khiến bạn đi lòng vòng khi băng qua sa mạc vì không định vị được phương hướng.
Khi đứng trong gió trên sa mạc Ngari, bạn sẽ cảm nhận như mình chuẩn bị lặn xuống lòng biển vậy. Rất dễ bị mất phương hướng. Nhưng trong lòng biển, bạn còn có thể bơi, còn ở Ngari thì không, đó là một sa mạc mênh mông nối liền những hẻm núi cân xứng nhau một cách kì lạ với những ngọn núi cao nhất trên thế giới.
Cảnh sắc chảy dài và xuyên suốt cuốn sách, nổi bật nhưng cũng “chìm” nhất, chính là bầu trời xanh. Bầu trời trên độ cao 3600m, chắc chắn, sẽ khác bầu trời những người con đồng bằng như tôi và các độc giả đây thường thấy. Thiết nghĩ, sẽ không có loại máy ảnh kỹ thuật số hay máy quay tân tiến, hiện đại nào có thể bắt được cái tinh túy và vẻ đẹp của bầu trời Lhasa. Xanh, xanh lắm. Tôi thường tưởng tượng trong đầu: Thấy được sắc xanh ấy, nhất định tôi sẽ chìm đắm và “bay” cùng với những cánh chim để tận hưởng hết sức bình sinh màu xanh tuyệt diệu và bầu không khí thiếu O2 đó. Bầu trời ấy tưởng xa nhưng đồng thời, như có thể chạm tay là tới.
Trong chuyến hành trình đến với Shambhala, tác giả đưa ta đến với một thế giới tưởng chừng không có thật hay chỉ tồn tại trong những giấc mơ. Cảnh sắc và màu sắc hiện lên một cách rõ nét - không bị xóa nhòa hay bị làm mờ đi bởi lớp khói bụi xe cộ ở thành phố. Người dân Lhasa nói riêng, nhân dân Tibet nói chung, hiền hòa và thân thiện lắm. Con người nơi đây, họ sống với thiên nhiên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ yêu thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên và từ đó, thiên nhiên cũng tôn trọng họ. Sự tôn trọng và trân quý ở đây đến từ hai chiều. Một cuộc sống không quá màng tới vật chất, trân trọng mọi điều đang xảy ra trước mắt và luôn thân thiện với sự vật xung quanh thực sự là một thử thách đối với nhiều người ngày nay. Do đó, tôi thấy thích thú vô cùng và khá háo hức khi đọc những trang sách của Brahm, đắm mình vào vùng đất đẹp đẽ và diệu kỳ đó.
Điểm thu hút và hơn thế
Tôi đánh giá cuốn sách này dựa trên hai tiêu chí nằm chính trong cái tên tiếng Việt của sách: Vùng đất Tây Tạng huyền bí và Cuộc hành trình tìm về bản thể.
Với vai trò sách hướng dẫn du lịch và sách thông tin về một mảnh đất, Shambhala - Vùng đất Tây Tạng huyền bí hay Cuộc hành trình tìm về bản thể đã thực sự làm tốt vai trò của nó. Vai trò của sách du lịch là gì? Ấy chính là làm người đọc, như tôi và độc giả đây, nếu từng muốn được thăm thú vùng đất đó thì giờ đây, niềm khao khát đó càng cháy bỏng hơn gấp trăm lần. Còn đối với những ai trước đó chưa được biết đến vùng đất này hay đất nước này, thì giờ đây, bạn đã có một ấn tượng tồn tại trong suy nghĩ - dù ít hay nhiều và ấn tượng đó, vào một khoảnh khắc nào đó, sẽ biến thành một niềm thôi thúc được khám phá ngay lập tức.
Thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và hoang sơ. Con người thân thiện, mến khách và “huyền bí”. Nền ẩm thực tuyệt vời. Một khí hậu hoàn toàn khác biệt so với những phần còn lại của thế giới. Những kiến trúc, đền chùa có một không ai và phủ đầy sự huyền bí và mang đậm màu sắc văn hóa. Tất cả đã tạo nên một Lhasa, một Tibet, một Tây Tạng tuyệt vời và trù phú. Có lẽ sau Shambhala - Vùng đất Tây Tạng huyền bí hay Cuộc hành trình tìm về bản thể, tôi sẽ tìm đọc và tìm xem những tư liệu, tài liệu khác nói về Tây Tạng. Nhưng ngay bây giờ (không biết độc giả có giống tôi), niềm khao khát được đến với Tibet của tôi lớn hơn bao giờ hết.
Tôi dành tặng mọi lời khen cho sách với vai trò một cuốn sách du lịch, nhưng với vai trò “tìm kiếm bản thể”, cụ thể là hành trình tìm đến bản thể của tác giả, tôi chưa thật sự ấn tượng với sách.
Có lẽ là do lối hành văn chưa thật sự hấp dẫn, nhiều ý lặp và chưa thoát nghĩa nên càng về cuối sách, thông điệp sau cùng mà tác giả muốn gửi tới độc giả chưa thực sự đến được với tâm trí tôi. Tuy vậy, những câu nói và bài học nhân sinh được lồng ghép xuyên suốt sách về sự bảo vệ môi trường hay việc con người ta đã quá phục tùng với cuộc sống vật chất,... phần nào đánh động tôi.
Con người luôn nghĩ mình thông minh hơn bởi vì chúng ta có trí thông minh mang tính vật chất, nhưng có lẽ chính sự thông minh lôgic này đã làm mất đi sự sáng suốt tâm linh, trực giác của chúng ta. Vì thế, không ai chú ý tới những lời cảnh báo ấy và cuối cùng con người bị kéo theo những sở thích, sự tham lam mang tính ngắn hạn, tầm thường mà lờ đi những bản năng và phương thức thích nghi để rồi mang lại những kết quả tiêu cực, chính là những thảm họa ngày càng nhiều mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay.
Kết
Nếu thấy yêu Tây Tạng thêm một chút, mời độc giả hãy tìm đọc Shambhala - Vùng đất Tây Tạng huyền bí hay Cuộc hành trình tìm về bản thể và tự trải nghiệm một vùng đất diệu kỳ cho riêng mình.