Khổng Học Đăng
Khổng Học Đăng
Log in to download this book.
Publisher | VĂN HỌC |
---|---|
Accessible book producer | Public domain |
Published year | 1998 |
Coppy right | Nhà xuất bản Văn Học |
Là một môn đồ ưu tú của chốn cửa Khổng sân Trình, thấm nhuần những tư tưởng tích cực của Nho gia, chí sĩ Phan Bội Châu đã cống hiến cuộc đời của mình cho quốc gia xã hội. Trải qua mấy mươi năm bôn ba khắp trong ngoài nước vận động, đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc, những ngày tháng cuối đời cụ bị thực dân Pháp quản thúc ở Huế. Trong thời gian truân nạn này, cũng như bao bậc hiền sĩ thời xưa, cụ đã trước tác để cố gửi gấm những điều mình tâm đắc cho thế hệ sau. Cùng với sách Quốc Văn Chu Dịch Diễn Giải, bộ Khổng Học Đăng là tác phẩm tâm huyết của nhà nho thành đạt Phan Bội Châu về triết học, tư tưởng.
Với một quan điểm hết sức tiến bộ, Sào Nam Phan Bội Châu đã đúc kết được tinh hoa của Khổng học thể hiện qua Tứ Thư - Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử - bốn cuốn sách "pháp bảo" của Khổng môn, đồng thời nêu rõ những bước thăng trầm của Khổng học qua các triều đại Trung Quốc trước cuộc Cách mạng Tân Hợi. Tác giả đã chứng minh rằng bản thân tư tưởng Khổng học chính thống là một hệ thống triết học mang tính nhân bản rất sâu sắc, phát huy được những phẩm chất cao cả của con người và nhằm phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp của một xã hội bình đẳng. Và giống như hình ảnh dùng trong tựa đề, có lẽ điều mà tác giả muốn khẳng định qua bộ sách này là cho dù hoàn cảnh lịch sử đã đổi thay, Khổng học vẫn luôn là ngọn đèn sáng soi rọi cho đời sống tinh thần của con người Á Đông. Đó là những giá trị học thuật rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, do trên thực tế, một số giáo điều căn bản của Khổng học đã bị các triều đại phong kiến phương Đông sử dụng như một hệ ý thức của giai cấp mà họ đại diện, cho nên cũng là điều dễ hiểu nếu trong một thời gian dài không ít người đã đánh đồng Khổng học với chế độ phong kiến và do đó, xem những lời dạy của các bậc thánh hiền Nho gia chỉ là một thứ tư tưởng lạc hậu cần bài trừ, hoặc chỉ có giá trị đơn thuần của một món đồ cổ. Ngày nay, bằng một quan điểm thỏa đáng hơn, một thái độ tiến bộ hơn và một cái nhìn biện chứng hơn, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong những lời dạy của bậc "vạn thế sư biểu" là Khổng Tử cùng các môn đồ xuất sắc của ông, những giá trị to lớn đã tạo thành nền tảng văn hóa Á Đông. Và không nghi ngờ gì nữa, chính những giá trị ấy qua hàng ngàn năm được truyền giảng ở nước ta như một quan điểm học thuật chính thống đã góp phần hình thành truyền thống tinh thần và đạo lý của con người Việt Nam. Quan niệm chính danh, tư tưởng tu tề trị bình, tinh thần nhân nghĩa của Nho gia, thậm chí cả những lời chỉ dẫn về xử kỷ tiếp vật trong từng tình huống cụ thể như "kỷ sở bất dục vật thi ư nhân", hay "kính quỷ thần nhi viễn chi", hoặc một quan điểm đầy tính tiên phong về tinh thần dân chủ như câu "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", xưa nay không hề xa lạ với con người Việt Nam.
Cho nên nội dung bộ sách Khổng Học Đăng vẫn có nhiều điều khả thủ cho việc "ôn cố tri tân", trở về với kho tàng trí tuệ phương Đông, tìm những giá trị cổ truyền chân chính để bổ sung cho hệ thống tư tưởng tiên tiến của thời đại mới, thúc đẩy nó đạt đến một tầm cao mới phù hợp với yêu cầu phát triển của dân tộc và nhân loại.
Tái bản bộ Khổng Học Đăng vì thế, ngoài mục đích bảo tồn một công trình trước thuật quan trọng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, còn nhằm đem đến cho công chúng độc giả ngày nay một tư liệu hết sức cần thiết trong việc tìm hiểu đời sống tinh thần của tiền nhân cùng truyền thống văn hóa học thuật của nước nhà.
Tác phẩm này trước đây đã được xuất bản ba lần: lần đầu, năm 1957, do nhà Anh Minh, Huế; lần thứ hai, năm 1974, do nhà Khai Trí, Sài Gòn; lần mới nhất, năm 1990, do nhà Thuận Hóa in chung trong bộ Phan Bội Châu Toàn Tập. Giống như hai bản in năm 1974 và năm 1990, chúng tôi cũng dựa theo bản năm 1957 của nhà xuất bản Anh Minh, song để giúp tiện lợi trong việc lưu giữ, chúng tôi in chung hai tập Thượng và Hạ thành một quyển duy nhất, và để thêm tính hệ thống chặt chẽ, chúng tôi có sắp xếp lại một vài đề mục cho được nhất quán. Đồng thời, chúng tôi đã bỏ đi các phụ lục, đó là bài "Lối học khoa cử và lối học của Tống nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không?" của cụ Huỳnh Thúc Kháng và bài “Thân thế và văn chương của ông Văn Thiên Tường" trong đó có cả nguyên văn bài thơ Chính Khí Ca, để cho bộ sách là một tác phẩm trọn vẹn của cụ Sào Nam. Cũng nằm trong ý hướng đó, chúng tôi tuyệt đối không biên tập câu chữ nào trong tác phẩm tiêu biểu này của cụ Phan, dẫu cho cách dùng từ “tuyền" thay cho “toàn", "lỵ" thay vì "lợi", v.v. có làm chậm phần nào tốc độ tiếp thu của người thời nay đối với những điều tâm đắc mà cụ muôn lưu truyền. Chúng tôi thiết nghĩ, những dấu vết của chữ quốc ngữ còn phôi thai trong sở học của các nhà nho hồi đầu thế kỷ, cộng với một số từ dùng còn mang nặng màu sắc địa phương dễ dàng tìm thấy trong sách có khi lại tạo một hiệu quả bất ngờ: Đọc Khổng Học Đăng dễ làm ta liên tưởng đến hình ảnh một ông Thủ khoa Phan - một môn đồ xuất sắc của Khổng học - sau bao nhiêu năm tích cực nhập thế hành động, nay đến lúc “công thành thần thoái", trở về trong vai trò một ông đồ Nghệ tiếp tục giảng đạo thánh hiền!
Cuối cùng, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với người chủ trương nhà xuất bản Anh Minh - ông Ngô Thành Nhân đã quá cố - là người có công lưu giữ và công bố các bản thảo vô cùng quý báu của nhà nho - nhà yêu nước lỗi lạc Phan Bội Châu, và trân trọng giới thiệu bộ Khổng Học Đăng cùng độc giả.
NHÀ XUẤT BẢN
VĂN HÓA THÔNG TIN