Thế Giới Bị Quỷ Ám

Ảnh bìa: Thế Giới Bị Quỷ Ám

Thế Giới Bị Quỷ Ám

Author : Carl Sagan
Subject: Other subjects
Category: Reference - Research
Format: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Log in to download this book.

Publisher THẾ GIỚI
Accessible book producer Public domain
Published year 2014
Coppy right Nhà xuất bản thế giới

            NHỮNG NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

            Đó là một ngày thu gió thổi mạnh vào năm 1939. Trên những đường phố bên ngoài khu chung cư, những chiếc lá rơi cuộn xoáy thành những lốc xoáy nhỏ, với cuộc sống riêng của chúng. Thật may khi được ở trong nhà, ấm áp và an toàn, với mẹ tôi đang chuẩn bị bữa tối ở phòng bên. Trong căn hộ của chúng tôi, không còn đứa trẻ nào lớn hơn một chút chọc ghẹo ta chẳng vì lý do gì cả. Chỉ mới một tuần trước, tôi đã đánh nhau một trận – sau chừng ấy năm tháng, tôi không còn nhớ đã đánh nhau với ai nữa; có thể là Snoony Agata ở tầng ba – và sau một cú đấm bạt rất mạnh, tôi thấy nắm đấm của mình đã xuyên qua ô cửa sổ lắp kính tấm của hiệu thuốc Schechter.

            Bác Schechter rất ân cần: “Không sao, bác mua bảo hiểm rồi,” ông nói khi bôi một ít thuốc khử trùng đau không tả được lên cổ tay tôi. Mẹ tôi đưa tôi tới bác sĩ có phòng mạch ở tầng trệt trong dãy nhà của chúng tôi. Bằng một cái nhíp, ông rút ra một mảnh thủy tinh. Rồi ông khâu hai mũi bằng kim và chỉ.

            “Hai mũi khâu!” tối hôm đó, bố tôi nhắc lại. Ông biết rõ về các mũi khâu bởi vì ông là một thợ cắt trong lĩnh vực may mặc; công việc của ông là dùng một lưỡi cưa điện rất đáng sợ để cắt ra các miếng ghép – lưng áo, hoặc ống tay áo choàng và com lê của phụ nữ - từ cả chồng vải nghễu nghện. Sau đó, các miếng ghép này được chuyển tới hàng dãy vô tận những bà ngồi bên máy khâu. Ông rất hài lòng rằng tôi đã đủ giận dữ để át cả cái tính nhút nhát bẩm sinh.

           Có nhiều lúc, đánh trả lại là rất tốt. Tôi không định làm bất kỳ điều gì liên quan đến bạo lực. Nó tự xảy ra thôi. Một lần, Snoony đẩy tôi và một lúc sau nắm đấm của tôi đã xuyên qua cửa sổ hiệu Schechter. Tôi làm cổ tay mình bị thương, tạo ra một khoản chi thuốc men bất ngờ, làm vỡ một ô cửa kính, và không ai nổi giận với tôi cả. Còn với Snoony, cậu ấy còn thân thiện hơn bao giờ hết.

            Tôi cứ băn khoăn chuyện rút ra bài học gì. Nhưng ngồi trong căn hộ ấm áp, nhìn xuống Vịnh Lower New York qua cửa sổ phòng khách và nghĩ về việc đó thú vị hơn rất nhiều so với việc thử một tai nạn mới nào đó ở trên phố dưới kia.

            Như thường lệ, mẹ tôi thay quần áo và trang điểm lại để chuẩn bị đón bố tôi về nhà. Mặt trời gần như đã lặn và chúng tôi cùng nhìn ra phía vùng nước sóng vỗ dập dìu.

            “Có người đang đánh nhau ngoài kia, giết hại lẫn nhau,” mẹ tôi nói, tay chỉ mơ hồ ra xa Đại Tây Dương. Tôi chăm chú nhìn theo.

            “Con biết,” tôi đáp. “Con có thể nhìn thấy họ.”

            “Không, con không thể thấy,” bà trả lời, gần như gay gắt, trước khi quay vào bếp. “Họ ở quá xa.”

            Làm sao mẹ biết được liệu mình có nhìn thấy họ hay không cơ chứ? Tôi tự hỏi. Nheo nheo mắt, tôi nghĩ mình đã nhận ra cái dải đất mỏng manh ở phía chân trời, nơi nó những bóng người nhỏ xíu đang xô đẩy và vung kiếm đâm chém y như trong những cuốn truyện tranh của tôi. Nhưng có lẽ mẹ nói đúng. Có lẽ đó chỉ là trong tưởng tượng của tôi, hơi giống như những con quái vật lúc nửa đêm vẫn thỉnh thoảng làm tôi choàng tỉnh lúc đang ngủ say, quần áo ướt đẫm mồ hôi, và tim đập thình thịch.

            Làm cách nào bạn nói được rằng ai đó chỉ đang tưởng tượng? Tôi đăm đăm nhìn ra vùng nước xám xịt cho tới khi bóng tôi bao phủ và tôi được gọi đi rửa tay để ăn tối. Trước sự thích thú của tôi, bố tôi bế thốc tôi lên cánh tay ông. Tôi có thể cảm nhận được cái lạnh của thế giới bên ngoài vẫn còn trong bộ râu của ông.

            --

            Một ngày Chủ nhật cùng năm đó, bố tôi kiên trì giải thích cho tôi về số 0 như là một con số quan trọng trong môn số học, về những cái tên nghe rất kỳ quái của những con số lớn, và về sự thật là không có số lớn nhất. (“Con luôn luôn có thể thêm một số nữa,” ông nói). Đột nhiên, tôi có cái ham muốn rất trẻ con được viết lần lượt cả dãy toàn bộ các số nguyên từ 1 đến 1000. Chúng tôi chẳng có thếp giấy nào cả, nhưng bố tôi chìa ra một tập bìa các tông màu xám mà ông dành dụm được khi đem những chiếc áo sơ mi đi giặt. Tôi háo hức bắt tay vào việc, nhưng rất ngạc nhiên rằng sao nó lại chậm chạp đến vậy. Khi tôi mới viết được chưa quá vài trăm số, mẹ tôi bảo rằng đã đến lúc tôi phải đi tắm. Tôi cảm thấy chán nản. Tôi phải viết đến một nghìn chứ. Cả đời luôn trong vai trò hòa giải, bố tôi can thiệp ngay: Nếu tôi vui vẻ đi tắm, ông sẽ tiếp tục viết cho tôi. Tôi vô cùng phấn khởi. Đến lúc tôi quay ra, ông đang viết gần đến 900, và tôi có thể viết đến 1000 chỉ quá giờ đi ngủ bình thường một chút. Tầm vóc của những con số lớn chưa bao giờ thôi ám ảnh tôi.

            Cũng vào năm 1939, bố mẹ tôi đưa tôi tới Hội chợ Thế giới New York. Ở đó, tôi được nghe về viễn cảnh một tương lai hoàn hào có thể đạt được nhờ khoa học và công nghệ cao. Người ta chôn giấu một khoang thời gian, trong đó chứa nhiều đồ vật của thời đại chúng tôi để gửi lại cho các thế hệ tương lai – những người có thể không biết gì nhiều về con người năm 1939. “Thế giới Ngày mai” sẽ trù phú, sạch sẽ, hợp lý và, như tôi nghĩ, không hề có dấu vết của người nghèo.

            “Nhìn âm thanh,” một sản phẩm trưng bày đưa ra lời tuyên bố khiến ai cũng phải bối rối. Và đúng như vậy, khi âm thoa được một chiếc búa nhỏ gõ vào, một sóng điện từ hình sin rất đẹp chạy ngang màn hình máy hiện sóng. “Nghe ánh sáng,” một áp phích khác khẳng định. Và quả thật, khi dùng đèn pin chiếu vào tế bào quang điện, tôi có thể nghe được tiếng gì đó như tiếng tĩnh điện trên cái máy thu thanh hiệu Motorola của chúng tôi khi kim dò sóng nằm giữa các điểm có sóng. Rõ ràng thế giới có những điều kỳ diệu mà tôi chưa bao giờ đoán ra. Làm thế nào một âm thanh lại có thể trở thành một hình ảnh và ánh sáng trở thành tiếng động?

            Bố mẹ tôi không phải những nhà khoa học. Họ gần như chẳng biết gì về khoa học. Nhưng khi cho tôi làm quen với cách hoài nghi cùng những điều kỳ diệu, họ dạy tôi hai cách tư duy vốn không dễ cùng tồn tại nhưng lại là trung tâm của phương pháp khoa học. Họ không lấy gì làm sung túc. Nhưng khi tôi tuyên bố rằng tôi muốn trở thành một nhà thiên văn, tôi đã nhận được sự ủng hộ hết mức – thậm chí nếu họ (và cả tôi) chỉ có hiểu biết hết sức sơ đẳng về thế nào là một nhà thiên văn. Họ chưa bao giờ đề xuất rằng, nếu cân nhắc tất cả mọi điều thì có lẽ tốt hơn cả là tôi nên trở thành một bác sĩ hoặc luật sư.

            Ước gì tôi có thể nói với các bạn về những người thầy khoa học đã truyền cảm hứng cho tôi từ thời còn học phổ thông. Nhưng khi tôi nghĩ lại thời kỳ đó, lại chẳng hề có ai cả. Trong tôi chỉ còn trí nhớ “thuộc lòng” về Bảng Tuần hoàn các Nguyên tố, về đòn bẩy và mặt phẳng nghiêng, về quang hợp ở cây xanh, và về sự khác nhau giữa anthracite với than đá có bitumen. Nhưng không hề có cảm nhận gì về những điều kỳ diệu, không có mảy may gì về triển vọng tiến hóa, và chẳng có gì về những ý tưởng sai lầm mà tất cả mọi người từng tin tưởng. Trong các buổi thí nghiệm ở trường phổ thông, chúng tôi thường phải tìm cho được một câu trả lời. Chúng tôi sẽ bị mất điểm nếu không làm nổi. Không hề có sự khuyến khích theo đuổi những điều chúng tôi quan tâm hoặc những linh cảm hay những khái niệm chưa đúng. Ở bìa sau của sách giáo khoa, luôn có tài liệu mà bạn có thể nói rằng thú vị. Năm học luôn kết thúc trước khi chúng tôi tiếp thu được tài liệu đó. Bạn có thể tìm được những cuốn sách tuyệt vời về thiên văn học trong thư viện, nhưng không hề có trong lớp học. Phép chia dài được dạy như một loạt quy tắc rút ra từ một cuốn sách dạy nấu ăn vậy, chẳng hề có giải thích làm thế nào cái biểu thức gồm những phép chia ngắn, phép nhân và phép trừ này lại có thể đem lại cho bạn kết quả đúng. Ở trường phổ thông, phép tính căn bậc hai được dạy đầy vẻ cung kính, cứ như thể đó là một phương pháp từng được truyền lại từ núi thiêng Sinai vậy. Nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ việc nhớ những gì chúng tôi được yêu cầu. Tìm câu trả lời đúng, và đừng bao giờ bận tậm rằng bạn không hiểu những gì bạn đang làm. Tôi từng học một giáo viên đại số năm thứ hai rất giỏi mà tôi đã học được rất nhiều về toán học; nhưng ông ấy cũng là một tay ưa bắt nạt rất khoái trò làm cho các cô gái trẻ phải bật khóc. Mối quan tâm của tôi đối với khoa học vẫn nguyên vẹn trong suốt những năm học phổ thông đó nhờ việc đọc sách và tạp chí về sự thật cũng như hư cấu khoa học.

            Đại học chính là nơi thực hiện những giấc mơ của tôi: Tôi tìm thấy những vị thầy không chỉ hiểu khoa học mà thực tế còn có thể giải thích nó. Tôi may mắn được theo học một trong những cơ sở học thuật danh tiếng thời đó, Đại học Chicago. Tôi là sinh viên vật lý tại một khoa có nhà vật lý vĩ đại Enrico Fermi1; tôi phát hiện ra cái hay đích thực của môn toán học từ Subrahmanyan Chandrasekhar2; tôi có cơ hội được trò chuyện về hóa học với Giáo sư Harold Urey3; các mùa hè, tôi được thực hành sinh học với H. J. Muller4 tại Đại học Indiana; và tôi học về thiên văn học hành tinh từ nhà nghiên cứu toàn thời gian duy nhất thời đó là G. P. Kuiper5.

            --

            1. Enrico Fermi (29 tháng 9 năm 1901 – 28 tháng 11 năm 1954) là một nhà vật lý Mỹ sinh tại Italia, được tặng giải thưởng Nobel Vật lý năm 1938 cho công trình về phóng xạ cảm biến. Ông nổi tiếng với những đóng góp cho việc phát triển lý thuyết lượng tử, vật lý hạt và hạt nhân, cùng môn cơ khí thống kê. Thời kỳ Thế chiến II, ông làm việc tại Đại học Chicago và những nghiên cứu của ông tại đây đã dẫn tới việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trên thế giới mang tên Chi cago Pile -1 trên một sân quần vợt bên dưới phần mái che phía tây của sân vật động Alonzo Stagg Field trong khuôn viên trường. Phản ứng dây chuyền hạt nhân tự lực đầu tiên được tiến hành tại CP-1 ngày 2 tháng 12 năm 1942. – ND

            2. Subrahmanyan Chandrasekhar (19 tháng 10 năm 1910 – 21 tháng 8 năm 1995) là nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Ấn Độ, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1983 cùng với William A. Fowler với những phát hiện quan trọng dẫn tới lý thuyết về các giai đoạn phát triển muộn của các sao đỏ siêu khổng lồ. Chandrasekhar từng làm việc tại Đại học Chicago từ năm 1937 cho tới khi qua đời năm 1995 ở tuổi 84. - ND

            3. Harold Clayton Urey (29 tháng 4 năm 1893 – 5 tháng 1 năm 1981) là nhà vật lý hóa học người Mỹ với công trình tiên phong về chất đồng vị đem lại cho ông giải Nobel Hóa học năm 1934. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bom nguyên tử và đặc biệt có nhiều đóng góp cho các lý thuyết về sự phát triển dạng sống hữu cơ từ vật chất vô cơ. - ND

            4. Hermann Joseph Muller (tức H. J. Muller) (21 tháng 12 năm 1890 – 5 tháng 4 năm 1967) là nhà di truyền học, nhà giáo dục người Mỹ đoạt giải Nobel, nổi tiếng với công trình về hiệu ứng vật lý và gien của phóng xạ (đột biến gien X-quang). Muller thường xuyên cảnh báo về những hiểm họa lâu dài của bụi phóng xạ do thử nghiệm hạt nhân và chiến tranh hạt nhân, giúp nâng cao nhận thức của công chúng trong lĩnh vực này. Ông cũng là người đầu tiên mô tả những gì sau này được đặt thuật ngữ là "tính phức tạp tối giản", được sử dụng trong luận điểm của những người theo chủ thuyết sáng tạo, đối lập với lý thuyết tiến hóa. - ND

            5. Gerard Peter Kuiper (7 tháng 12 năm 1905 – 24 tháng 12 năm 1973 tại Mexico City) là nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan, được lấy tên đặt cho vành đai Kuiper. Kuiper phát hiện hai vệ tinh tự nhiên của các hành tinh trong hệ mặt trời là vệ tinh Miranda của Sao Thiên vương và vệ tinh Nereid của Sao Hải vương. Ông cũng phát hiện ra khí CO2 trong bầu khí quyển của Sao Hỏa và sự tồn tại của bầu khí quyển có khí methane phía trên vệ tinh Titan của Sao Thổ vào năm 1944. Kuiper cũng là người đi tiên phong quan sát bằng tia hồng ngoại sử dụng máy bay Convair 990 vào những năm 1960. Ông hỗ trợ xác định địa điểm hạ cánh trên Mặt trăng cho chương trình Apollo và cũng phát hiện ra một số sao nhị nguyên, như KUI 79. Kuiper chủ yếu làm việc tại Đại học Chicago, trước khi chuyển tới Tucson, Arizona năm 1960 để thành lập và là giám đốc Phòng Thí nghiệm Mặt trăng và Hành tinh tại Đại học Arizona. – ND

            --

            Chính từ Kuiper mà tôi lần đầu tiên có được cảm nhận về những gì được gọi là cách tính mặt sau phong bì: Một cách giải thích khả dĩ cho vấn đề gì đó chợt đến với bạn, bạn chỉ việc lấy ra một cái phong bì cũ, huy động kiến thức vật lý cơ bản của mình, viết vội vài phương trình xấp xỉ lên phong bì, thay thế bằng các giá trị số, và xem xem liệu câu trả lời của bạn có đến được đâu đó gần giải thích cho vấn đề của bạn không. Nếu không, bạn lại tìm một lời giải khác. Nó khắc phục những điều vô lý dễ dàng chẳng khác gì dao cắt bơ.

            Tại Đại học Chicago, tôi cũng có may mắn được học qua chương trình giáo dục đại cương do Robert M. Hutchins hoạch định, trong đó khoa học được xem như một phần không thể thiếu trong “tấm thảm” lộng lẫy của tri thức nhân loại. Sẽ là không tưởng tượng nổi nếu một nhà vật lý lại không biết đến Plato, Aristotle, Bach, Shakespeare, Gibbon, Malinowski, và Freud – cùng nhiều người khác. Trong một buổi khoa học nhập môn, quan điểm của Ptolemy rằng Mặt trời quay quanh Trái đất được trình bày thuyết phục đến mức một số sinh viên đã cân nhắc lại niềm tin của họ đối với Copernicus. Địa vị của các giáo viên trong giáo trình Hutchins gần như không phải làm gì với nghiên cứu của họ cả; ngược lại – không như tiêu chuẩn đại học Mỹ ngày nay – các giáo viên được đánh giá theo khả năng dạy, năng lực truyền đạt thông tin và truyền cảm hứng cho thế hệ sau của họ.

            Trong bầu không khí hừng hực này, tôi có thể lấp đầy một số trong rất nhiều lỗ hổng kiến thức của mình. Nhiều vấn đề vốn cực kỳ bí hiểm, và không chỉ trong lĩnh vực khoa học, trở nên sáng tỏ hơn. Tôi cũng tận mắt chứng kiến niềm vui sướng của những người có đặc ân được khám phá chút ít về sự vận hành của Vũ trụ.

            Tôi luôn biết ơn những người thầy của tôi vào thập niên 1950, và cố gắng bảo đảm rằng từng người trong số họ đều biết lòng biết ơn của tôi. Nhưng khi nhìn lại, dường như tôi thấy rõ rằng mình học được những điều quan trọng nhất không phải từ các giáo viên ở trường, cũng không phải từ các giáo sư đại học, mà là từ bố mẹ tôi, những người chẳng biết gì về khoa học, kể từ cái năm 1939 xa xăm đó.