Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Ảnh bìa: Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Subject: Literature
Category: Reference - Research
Format: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Log in to download this book.

Publisher THẾ GIỚI
Accessible book producer Public domain
Published year 2018
Coppy right Nhà xuất bản thế giới

            DIMITRI: Nếu thần Atlas đỡ Địa cầu, vậy thì ai đỡ thần Atlas?

            TASSO: Thần Atlas đứng trên lưng con rùa.

            DIMITRI: Nhưng con rùa ấy đứng trên cái gì?

            TASSO: Một con rùa khác.

            DIMITRI: Thế con rùa khác ấy đứng trên cái gì?

            TASSO: Dimitri thân mến à, trở xuống toàn là rùa suốt lượt!

            oOo

            Mẩu đối thoại kiểu Hy Lạp cổ đại này minh họa hoàn hảo cho khái niệm triết học về sự hồi quy vô tận, một khái niệm nảy sinh khi chúng ta đặt câu hỏi liệu có hay không một Nguyên nhân Đầu tiên - của cuộc sống, của vũ trụ, của thời gian và không gian, và quan trọng nhất là của một Đấng Sáng tạo. Phải có một cái gì đó đã sáng tạo ra Đấng Sáng tạo, vậy thì cái bệ đỡ nguyên nhân - hay con rùa - không thể dừng lại Đấng Sáng tạo ấy. Hay - Đấng Sáng tạo đằng sau ông ấy. Thậm chí không dừng lại cái ông sau ông ấy nữa. Từ đó trở xuống - hay trở lên - đều là các Đấng Sáng tạo suốt lượt, nếu đó có vẻ là hướng đúng để truy tìm các Đấng Sáng tạo.

            Nếu thấy rằng sự hồi quy vô tận sớm chẳng đưa bạn đến đâu, bạn có thể lưu ý đến học thuyết về creatio ex nihilo - sáng tạo từ hư vô - hay, như John Lennon diễn tả trong một bối cảnh hơi khác một chút, “Trước Elvis, không có gì cả.”

            Nhưng chúng ta hãy lần nữa lắng nghe ông lão Tasso. Lời đáp của ông - “Trở xuống toàn là rùa suốt lượt!” không chỉ làm sáng tỏ câu chuyện - mà rõ ràng còn có tính tiếu lâm nữa. Ba-da-bing!

            Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Kết cấu và yếu tố gây cười của truyện tiếu lâm cũng như kết cấu và kết luận đúc rút từ các khái niệm triết học được tạo nên từ cùng thứ chất liệu. Chúng chọc ghẹo tâm trí theo cùng một cách. Đó là bởi triết học và tiếu lâm xuất phát từ cùng một thôi thúc: xáo trộn cảm thức của chúng ta về cách mà sự vật hiện hữu, lật ngược thế giới của chúng ta lên, và lôi ra những sự thật bị che giấu, thường là không hay ho gì, về cuộc đời. Cái mà các triết gia gọi là thấu thị thì các tếu gia gọi là châm biếm.

            Chẳng hạn, hãy xem truyện cười nổi tiếng sau đây. Thoạt nghe, nó chỉ có vẻ ngớ ngẩn rất buồn cười, nhưng xét kỹ hơn, nó nói tới điều hết sức cốt lõi của triết học kinh nghiệm chủ nghĩa Anh - vấn đề chúng ta có thể tin cậy loại thông tin nào về thế giới này.

            Anh chàng Morty về nhà, thấy vợ đang trần như nhộng trên giường với gã bạn chí cốt của mình là Lou. Trong khi Morty còn chưa kịp há miệng ra thì Lou đã nhảy phắt khỏi giường và kêu lên, "Này bạn vàng, trước khi mày nói bất cứ điều gì, hãy thử xem mày tin vào cái gì, tin tao hay tin vào mắt mày?"

            Bằng cách thách thức tính ưu việt của kinh nghiệm cảm giác, Lou đã đặt ra câu hỏi loại thông tin nào là chắc chắn và tại sao. Có hay không, một cách thức thu thập dữ kiện về thế giới - chẳng hạn như nhìn [bằng mắt] - đáng tin cậy hơn những cách khác - chẳng hạn như bất chấp tất cả để tin cậy và chấp nhận mô tả [bằng lời] của Lou về thực tại?

            Còn đây là ví dụ khác nữa về truyện triết tếu, liên quan đến phép loại suy, phát biểu rằng nếu có hai kết quả tương tự thì chúng phải có chung một nguyên nhân.

            Một ông lão chín mươi tuổi đến gặp bác sĩ và nói, "Thưa bác sĩ, cô vợ mười tám tuổi của tôi sắp sinh con."

            Ông bác sĩ bèn đáp, "Để tôi kể cụ nghe câu chuyện này nhé. Một gã đi săn, đáng lẽ mang súng thì hắn lại vác nhầm theo cái ô. Khi bất thình lình bị gấu vồ, hắn giương ngay ô lên, bắn chết tươi con gấu."

            Ông lão nói, "Làm gì có chuyện. Nhất định phải có ai khác đã bắn con gấu đó rồi."

            Ông bác sĩ nói, "Thì ý tôi đúng là thế đấy!"

            Thật khó có thể kiểm được minh họa nào hay hơn về phép Loại Suy, một mánh khóe triết học vẫn đang được áp dụng (và áp dụng sai) để bảo vệ thuyết Thiết kế Thông minh (tức là, nếu có một nhãn cầu, thì nhất định phải có một Đấng-Thiết-kế-Nhãn-cầu-trên-Trời).

            Chúng tôi có thể cứ tiếp tục mãi - và thực tế là chúng tôi sẽ tiếp tục, từ thuyết Bất khả tri đến Thiền, từ Thông diễn học đến Vĩnh hằng luận. Chúng tôi sẽ cho thấy các khái niệm triết học có thể được soi sáng bằng những truyện tiếu lâm như thế nào, và có biết bao nhiêu truyện tiếu lâm chất chứa nội dung triết học hấp dẫn ra sao. Khoan đã, hai khái niệm ấy có phải là một không nhỉ? Chúng tôi có thể trở lại đề tài này với các bạn được chứ?

            Các sinh viên lơ ngơ bước vào lóp Triết thường hy vọng sẽ đạt đến một nhãn quan nào đó, về ý nghĩa của vạn sự chẳng hạn, nhưng rồi có một gã đầu bù tóc rối mặc bộ tuýt xộc xệch thong thả bước lên bục giảng và bắt đầu giảng về ý nghĩa của “ý nghĩa”.

            Phải tuần tự trước sau rõ ràng đã, gã nói. Trước khi trả lời bất cứ câu hỏi nào, lớn hay nhỏ, chúng ta cần phải hiểu được bản thân câu hỏi có nghĩa gì. Miễn cưỡng lắng nghe, chẳng mấy chốc chúng tôi phát hiện ra rằng những gì gã kia nói thú vị ra trò.

            Triết học và các triết gia là như vậy đấy. Câu hỏi nọ đẻ ra câu hỏi kia, rồi các câu hỏi lại đẻ ra cả loạt những câu hỏi khác. Trở xuống toàn là câu hỏi suốt lượt.

          Chúng ta có thể bắt đầu vói những câu hỏi cơ bản như, “Ý nghĩa của vạn sự là gì?”, “Chúa có tồn tại không?” rồi “Tôi có thể là chính mình như thế nào?” và “Có phải tôi đang ngồi nhầm lớp?” nhưng rồi chúng ta sẽ chóng phát hiện ra rằng chúng ta cần hỏi những câu hỏi khác để trả lời cho những câu hỏi ban đầu của mình. Quá trình này đã khai sinh ra một loạt các phân môn triết học, mỗi môn đào sâu vào Những Câu Hỏi Lớn riêng bằng cách hỏi và cố gắng trả lời các cầu hỏi nằm bên dưới chúng. Thế đấy, có ai hỏi gì không?

            Kết quả là, “Ý nghĩa của vạn sự là gì?” được giải quyết bởi một môn có tên là Siêu hình học, “Chúa có tồn tại không?” bởi môn Triết học Tôn giáo, “Tôi có thể là chính mình như thế nào?” thuộc về trường phái Hiện sinh, “Có phải tôi đang ngồi nhầm lóp?” thuộc địa hạt mới của triết học gọi là Siêu Triết học, bộ môn đặt ra câu hỏi “Triết học là gì?”. Và cứ như thế, mỗi lĩnh vực của triết học đảm nhiệm những loại câu hỏi và quan niệm khác nhau.

            Chúng tôi sắp xếp cuốn sách này không theo trật tự thời gian mà theo trình tự những câu hỏi trong tâm trí mình khi lơ ngơ bước vào giờ triết học đầu tiên - và những phân môn triết học giải quyết chúng. Thật vừa khéo là toàn bộ chùm truyện tiếu lâm tình cờ lại nằm gọn trong vùng lãnh địa khái niệm của các phân môn kia. (Có hoàn toàn tình cờ không nhỉ? Hay rốt cuộc có một Đấng Thiết kế Thông minh?) Và có một lý do lớn giải thích tại sao tất cả lại vừa khéo đến thế: Khi ngập ngừng rời lớp học, hai chúng tôi cảm thấy thật hoang mang bối rối bởi tin chắc rằng mình không bao giờ lĩnh hội được cái món nặng đầu này. Đúng lúc đó, một sinh viên khóa trên ung dung lại gần và kể cho chúng tôi nghe chuyện anh chàng Morty về nhà bắt quả tang gã Lou chí cốt đang trên giường với vợ mình.

            “Đấy mới là triết học!” anh ta nói.

            Còn chúng tôi gọi nó là triết tếu.

            THOMAS CATHCART DANIEL KLEIN

            Tháng Tám, 2006.