Khi Rồng Muốn Thức Dậy
Khi Rồng Muốn Thức Dậy
Log in to download this book.
Publisher | LAO ĐỘNG - XÃ HỘI |
---|---|
Accessible book producer | Public domain |
Published year | 2011 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG - XÃ HỘI |
Năm 2000, cuốn sách Đánh thức con Rồng ngủ quên do tôi và GS Trần Nam Bình của Đại học New South Wales (Australia) đồng chủ biên, đã ra mắt bạn đọc giữa thời kỳ Đổi mới để góp ý về các chính sách vĩ mô và phát triển kinh tế trên bình diện rộng lớn bao gồm lý thuyết kinh tế và định hướng cơ cấu, thể chế, xã hội, giáo dục, an sinh xã hội, môi trường, v.v… Sách nhấn mạnh cơ chế “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được đặt ra và áp dụng ở Việt Nam, gần như không có mặt trong lý thuyết kinh tế và chỉ là giải pháp “second best”1 mà Việt Nam và cả Trung Quốc đã chọn lựa.
Sau hơn 20 năm áp dụng, những kết quả thuận lợi (tăng trưởng nhanh, xóa đói giảm nghèo, v.v…) cũng như bất lợi đều được thể hiện (bất ổn định vĩ mô, nền kinh tế không hiệu quả, ICOR tăng gấp đôi từ 4 lên 8, v.v…). Đặc biệt, sự chênh lệch quá mức về thu nhập và tài sản trong xã hội đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho một khối đông dân cư như các công nhân thành phố và đa số nông dân nghèo phải vật lộn trong cuộc sống hàng ngày với lạm phát hai con số, trong khi một thành phần khác được tiếp tục thụ hưởng các đặc lợi kinh tế một cách bất quân bình.
Đường hướng tăng trưởng nhanh như mong đợi của Việt Nam không thể tiếp tục trong những điều kiện hiện tại. Các mất cân đối kinh tế vĩ mô phải được điều chỉnh trước khi tăng trưởng bền vững có thể thực hiện với ba khâu đình trệ cần phải giải quyết: (i) hạ tầng cơ sở xấu, (ii) giáo dục suy thoái và (iii) hành chính thiếu hiệu quả và minh bạch, khiến tham nhũng trở thành quốc nạn và gây ra những đổ vỡ xã hội ngày càng nghiêm trọng.
Nếu các chính sách Đổi mới đã góp phần đánh thức được “con Rồng ngủ quên” trong hai thập niên qua, con Rồng đó muốn thức dậy thật sự phải thực hiện thêm nhiều chính sách cần thiết để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô đang ở biên giới của một cơn khủng hoảng tài chính và thay đổi mô hình kinh tế để thực hiện tăng trưởng bền vững trong 10 năm tới.
Năm 2011, thường được gọi là “năm bản lề”, có thật sự được là thời kỳ chuyển tiếp mong muốn cho kinh tế Việt Nam hay không? Và, nếu có, Việt Nam phải theo đuổi những chính sách cấp thiết nhằm ổn định vĩ mô và thay đổi cơ cấu nền kinh tế như thế nào? Giới hữu trách cũng như các nhà kinh tế ngoài chính phủ đều đang loay hoay quanh các vấn đề này và các giải pháp.
Với hoài vọng đóng góp cho năm bản lề của nền kinh tế Việt Nam, cá nhân người chủ biên mong mỏi tập hợp nhiều tác giả cho một cuốn sách mới với mục đích tương tự như Đánh thức con Rồng ngủ quên của mười năm trước. Trong khi đi tìm các ý tưởng chính cho sách mới, chúng tôi đọc thấy bài của tác giả Dương Ngọc đăng trên mạng VNeconomy nêu ra 10 nghịch lý đang tồn tại trong kinh tế Việt Nam như sau:
· Một là, tăng trưởng cao hơn nhưng vẫn tụt hậu, thậm chí còn tụt hậu xa hơn.
· Hai là, tăng trưởng liên tục trong thời gian dài, nhưng vẫn chưa được coi là phát triển bền vững.
· Ba là, mở cửa hội nhập để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng lại nhập siêu liên tục với quy mô lớn.
· Bốn là, chuyển sang kinh tế thị trường đã nhiều năm, nhưng thể chế chuyển chậm.
· Năm là, chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã hơn 15 năm, nhưng tính gia công còn nặng.
· Sáu là, “tam nông” rất quan trọng, nhưng chưa được quan tâm tương xứng.
· Bảy là, với mục tiêu tăng trưởng cao, Việt Nam đã kích cầu đầu tư lớn (có tỷ lệ đầu tư so với GDP đứng hàng đầu thế giới), nhưng lãi suất vay vốn ở Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước và vùng lãnh thổ.
· Tám là, tỷ lệ tiết kiệm, tỷ lệ động viên tài chính cao, nhưng tỷ lệ bội chi ngân sách cũng lớn và ngày càng tăng.
· Chín là, khoa học - công nghệ là động lực của tăng trưởng, là yếu tố để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nhưng tác động đối với nền kinh tế còn thấp.
· Mười là, giáo dục được coi như quốc sách hàng đầu, nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chúng tôi nghĩ ngay là sẽ cố gắng giải thích đa số các nghịch lý đó để tìm ra lời giải cho thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2011.
Như đã nói ở trên, động lực thật sự cho công việc mà chúng tôi đang theo đuổi là hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay của số đông gia đình ở các thành phố hay nông thôn. Chúng tôi rất xúc động khi đọc trên mạng những đoạn như sau về đời sống xung quanh, thí dụ như của một gia đình “tiêu biểu” ở thành thị mà chúng tôi không được trải nghiệm hàng ngày để thật sự thấu hiểu:
Công chức trẻ cũng có gì hơn!
Lê Trường
Hai vợ chồng chúng tôi đều là công chức nhà nước, lương hai vợ chồng một tháng cũng được 3,2 triệu đồng. Tổng nguồn thu đơn giản chỉ có một khoản ấy, nhưng thực hiện chi thì phức tạp vô cùng. Tiền mua sữa một tháng cho con 300 nghìn; đóng tiền nuôi (trông giữ) trẻ 600 nghìn; tiền thuê nhà, điện, nước 800 nghìn; nuôi hai chiếc điện thoại di động 200 nghìn; nuôi hai chiếc xe máy (uống xăng) hết 200 nghìn; bình quân một tháng hết 400 nghìn hiếu, hỉ những người liên quan. Tổng cộng các khoản cứng phải chi như trên là 2,5 triệu. Còn lại 700 nghìn là tiền ăn, uống, mua quần áo, chi tiêu sinh hoạt khác của gia đình có ba người ăn; mà tiêu chuẩn của em bé thì chắc chắn không thể cắt giảm được. Một tuần có hai ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật) cũng không tìm được việc gì để làm thêm, gia đình cũng không dám ra khỏi nhà, vì đi ra khỏi nhà là lại liên quan đến tiền. Chỉ mong mọi người trong gia đình được khỏe mạnh, xin đừng ốm đau, chứ đến bệnh viện lại liên quan đến tiền. Nhiều lúc nghe vợ tính toán chi tiêu, mình cũng tủi thân, chỉ động viên “thì có như thế mới là một gia đình”. Cứ nghĩ hai vợ chồng hết cảnh dè xẻn chi tiêu của thời sinh viên rồi, nhưng bây giờ lại còn tệ hơn. Cũng không biết trong hoàn cảnh như thế này, có khi nào “cái khó ló cái khôn” được nữa không. Mình thật là yếu đuối. Chắc rồi sẽ qua.”
Trong tâm tư đó, chúng tôi – các tác giả cuốn sách, đều muốn góp phần nhỏ bé của mình cho ước mơ tăng trưởng bền vững của đất nước và nâng cao đời sống kinh tế cũng như chất lượng sống của người Việt Nam trong một xã hội công bằng hơn.
Các bài viết tương đối ngắn gọn và nhấn mạnh đến góc cạnh hàm ý chính sách và áp dụng thực tiễn. Nội dung sách gồm bốn phần chính:
A. Dẫn Nhập: Tổng quan về thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2011 và các biện pháp ổn định vĩ mô và phát triển bền vững cho các thập niên tới, cũng như phân định rõ hơn việc áp dụng song hành nền kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa.
B. Ổn định kinh tế vĩ mô: Nhìn lại kinh nghiệm 20 năm qua, nhất là phân tích chính sách 5 năm 2006-2010 vừa qua, đề xuất các chính sách cho năm 2011 và thời gian tới: chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, v.v...
C. Tư duy và mô hình kinh tế mới?: Những tư duy nhằm tìm kiếm một mô hình kinh tế mới,thí dụ: chiến lược đầu tư theo chiều sâu thay vì chiều rộng như từ trước (chiến lược phát triển đã phần lớn dựa vào vốn đầu tư nhà nước [do hệ thống tín dụng ngân hàng cung cấp và ưu đãi] và FDI – chú trọng quá nhiều vào bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản… ); nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân để tăng hiệu quả nền kinh tế (giảm ICOR); và chú trọng nhiều hơn vào thị trường nội địa để tăng mãi lực cho nhu cầu phát triển. Chính sách này sẽ kêu gọi ít vốn đầu tư hơn trước đây và thích hợp với khả năng tài chính yếu kém của Việt Nam hiện nay.
D. Nông nghiệp nông thôn và các khâu đình trệ chính: các biện pháp để thật sự nâng cao khu vực nông nghiệp nông thôn, các vấn đề hộ nghèo, giáo dục đại học và đầu tư cơ sở hạ tầng (nhấn mạnh vai trò của việc hợp doanh công - tư (PPP, public-private partnership)), cũng như y tế và an sinh xã hội.
Giống như ĐTCRNQ, cuốn sách này là tập hợp những công trình của một số nhà kinh tế người Việt làm việc trong và ngoài nước. Một số tác giả (khoảng một phần năm) đã từng tham dự vào ĐTCRNQ. Phần còn lại là bài viết của các tác giả mới, tuy rằng tên tuổi của họ đã từ lâu rất quen thuộc với các độc giả thường xuyên theo dõi các bài viết về kinh tế Việt Nam. Mặc dù người viết có thể đếm từ tuổi 30 đến trên 80, đa số các tác giả mới là các bạn đồng nghiệp trong lứa tuổi 30-40, đang công tác tại các đại học, viện nghiên cứu và cơ quan chính quyền hay ngành kinh doanh tư nhân tại Việt Nam. Có thể nói không quá rằng các tác giả này là đại diện nhóm nhà nghiên cứu kinh tế trẻ tuổi với nhiều triển vọng và do đó phản ánh được phần nào tiếng nói của thế hệ trẻ hiện nay. Vì thế, ở khía cạnh tác giả, cuốn sách Khi Rồng muốn thức dậy vừa mang tính liên tục, vừa có tính chuyển tiếp để chuyền tay bó đuốc của thế hệ trước trong sách Đánh thức con Rồng ngủ quên.
Giá trị của một cuốn sách là do độc giả quyết định. Chúng tôi hy vọng độc giả sẽ rút ra được một vài lợi ích thực tiễn từ cuốn sách này trong việc tìm hiểu kinh tế Việt Nam hay áp dụng một số đề xuất chính sách cho hoàn cảnh khó khăn của đất nước hiện nay.
Tôi xin trân trọng cảm ơn các bạn đồng tác giả, đặc biệt là GS. Trần Nam Bình đã gợi ý cho việc hình thành cuốn sách mới này, vì bận rộn đã không thể góp mặt như một đồng chủ biên nhưng đã tích cực góp ý cho việc sắp xếp bố cục, chuẩn bị kỹ thuật, kêu gọi đóng góp của một số tác giả và có bài góp mặt; như vậy trên tinh thần, GS. Bình đã là đồng chủ biên. Tôi cũng xin ghi nhận và cảm ơn những cảm tình đặc biệt dành cho cuốn sách này của ông Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, và ông Dương Thanh Thủy, nguyên biên tập viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Lời cuối chúng tôi xin đặc biệt dành cho ông Nguyễn Cảnh Bình (Tổng Giám đốc), bà Đào Quế Anh (Phó tổng Biên tập) và Công ty Cổ phần Sách Alpha đã tích cực hỗ trợ trong việc xuất bản và phát hành cuốn sách này.
Tháng 4 năm 2011
PHẠM ĐỖ CHÍ