BÔNG SEN VÀNG
BÔNG SEN VÀNG
Publisher | THÔNG TẤN |
---|---|
Accessible book producer | HCM General Science Library |
Published year | 2007 |
Coppy right | NHÀ XUẤT BẢN THÔNG TẤN |
Bông Sen Vàng ra đời tiếp theo Búp Sen Xanh càng khiến ta liên tưởng tới lời ký thác kia và tự hỏi: Trong cả cuộc đời lớn lao của Bác trải khắp năm châu bốn biển qua ngót một thế kỷ còn bao điều ẩn khuất, phải chăng thời niên thiếu của Người cũng là một giai đoạn quan trọng mà văn học đang cần sớm phát hiện? Với hai tác phẩm nối tiếp đó của một nhà văn hậu thế hiện trú trong ngõ Văn chương của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, có lẽ bạn đọc càng ngẫm nghĩ nhiều hơn về lời nhắn nhủ xưa kia của nhà văn tiền bối Trần Dân Tiên từ rừng sâu Việt Bắc. Con đường hình thành nhân cách của Bác Hồ từ tuổi nhi đồng đến tuổi thành niên trên các dải Lam Hồng và hương Ngự, rõ ràng đang đề xuất với chúng ta nhiều suy tư về một phương thức giáo dục những con người đất nước ngày nay.
Thời niên thiếu của Bác vốn là cả một chương lịch sử đã khởi thủy hình thành những giá trị nhân cách từng phát triển hết sức nhất quán xuyên suốt được cuộc đời rạng rỡ của Hồ Chủ tịch. Vậy phải chăng chính những giá trị nhân cách đã khởi thủy hình thành từ tuổi thơ ấy của Bác, lại nêu lên một tấm gương cổ vũ trực tiếp nhất đối với tất cả thế hệ thiếu nhi ngày nay của đất nước? Soi vào cái cốt cách của con người "Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư" của vị lãnh tụ lão thành trong sự nghiệp cách mạng, nhiều tuổi thơ giờ đây có thể còn tưởng rằng đó là những phẩm cách quá cao cả và rất khó noi theo! Thế nhưng, tính chuyên cần và tiết kiệm, biết liêm sĩ và chính trực, trọng công bằng và vị tha, tức những gì từng được giáo dục ngay trong nếp sống gia đình của cậu bé Nguyễn Sinh Cung hoặc của thư sinh Nguyễn Tất Thành, chắc chắn không thể nào lại bị các thiếu niên nước ta coi là quá đỗi xa vời và rất khó noi gương.
Bông Sen Vàng quả đã khẳng định sâu sắc thêm một quy luật từng hé mở trong Búp sen xanh: Nhân cách hình thành từ tuổi thơ của học sinh Nguyễn Sinh Cung lại chính là "cái gốc", cái khối thủy, cái nhân bản trong cốt cách thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Các Mác từng quan niệm rằng: "Căn bản, có nghĩa là xem xét sự vật từ gốc rễ. Mà gốc rễ, đối với con người, lại chính là bản thân con người".