Soạn nhạc chữ nổi với MUSESCORE 4: bước đột phá về tính tiếp cận

Ngày tạoT5, 01/18/2024 - 21:21

Chúng tôi vui mừng thông báo MuseScore sẽ là chương trình ký hiệu âm nhạc chính thống đầu tiên hỗ trợ các tính năng tiếp cận đột phá trong việc dịch ra chữ Braille và nhập note nhạc chữ nổi bằng 6 phím.

Tin gốc: https://www.mu.se/post/704tef5v71-accessibility-breakthrough-compose-in-br

Lược dịch: Đặng Mạnh Cường

Ngày 14/8/2023

Chúng tôi vui mừng thông báo MuseScore sẽ là chương trình ký hiệu âm nhạc chính thống đầu tiên hỗ trợ các tính năng tiếp cận đột phá trong việc dịch ra chữ Braille (chữ nổi) và nhập note nhạc chữ nổi bằng 6 phím. Được phát triển với sự hợp tác của hai tổ chức về tính tiếp cận tiêu biểu — DAISY Consortium và trung tâm vì người mù Sao Mai— những tính năng mới này sẽ bổ sung cho tính năng điều hướng bàn phím nâng cao và hỗ trợ trình đọc màn hình đã có sẵn trong MuseScore 4; cung cấp thêm giải pháp cho các nhạc sĩ khiếm thị tương tác với kí hiệu âm nhạc.

Video tiếng Anh: MuseScore 4.1 dịch chữ nổi trực tiếp: https://www.youtube.com/watch?v=xnD5Py4YbfI

Tính năng mới: hỗ trợ tiếp cận trên MuseScore 4.1

Trình xem chữ nổi

Cùng với việc ra mắt MuseScore 4.1, trình xem chữ nổi sẽ dịch và hiển thị trực tiếp: Một bảng nội dung mới ở dưới khuông nhạc. Với người dùng sáng mắt, nội dung bằng chữ nổi sẽ hiển thị trong bảng nói trên dưới dạng các chấm (không cần phải cài thêm phông chữ nổi). Với những người mù có kết nối màn hình chữ nổi vào máy vi tính, các chấm nổi sẽ hiển thị trên màn hình.

Kí hiệu nhạc chữ nổi hiển thị trong trình xem chữ nổi luôn tương ứng với ô nhịp hoặc bất cứ thành phần nào được chọn ở khuông nhạc chính. Khi các note nhạc trong khuông bị thay đổi, hoặc thành phần khác được chọn, kí hiệu nhạc chữ nổi cũng sẽ được cập nhật cho trùng khớp. Điều này cho phép các nhạc sĩ mù khám phá khuông nhạc theo từng ô nhịp một, và sẽ nhanh hơn cách thức truyền thống liên quan đến trình đọc màn hình, chỉ có thể đọc từng note một. Tính năng dịch chữ nổi trực tiếp này thúc đẩy tính toàn diện và mở ra nhiều cơ hội mới để người dùng có thể tương tác với các bản nhạc một cách hiệu quả hơn.

Nhập note nhạc bằng sáu phím

Bên cạnh việc đọc note nhạc trên màn hình chữ nổi, phiên bản 4.2 phát hành cuối 2023 của MuseScore sẽ tích hợp khả năng soạn nhạc vào bảng chữ nổi (Braille Panel) bằng kí hiệu nhạc chữ Braille nhưng sẽ hiển thị trên màn hình bằng note nhạc chữ in. Việc này được thực hiện bằng sáu phím trên bàn phím máy vi tính

S, D, F, J, K, L đại diện cho sáu chấm trong một ô của chữ nổi. Các phím này có thể được bấm bằng nhiều tổ hợp khác nhau để tạo ra tất cả các kí hiệu chữ nổi.

Một sự vượt trội lớn cho các nhạc sĩ mù

Khi kết hợp với các cải tiến cho điều hướng bằng bàn phím và hỗ trợ trình đọc màn hình trong MuScore 4, Các tính năng chữ nổi mới tạo ra một quy trình làm việc cực kì dễ tiếp cận, là công cụ thay đổi cuộc chơi cho các nhạc sĩ mù và nhìn kém.

James Bowden, nhân viên kĩ thuật chữ nổi tại RNIB, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép các nhạc sĩ mù dùng một chương trình miễn phí để soạn một bản nhạc có thể in ra và được chơi bởi một người khác.

James tiếp tục giải thích sự hữu ích của tính năng chữ nổi với một giáo viên sáng mắt đang dạy cho học sinh mù và ngược lại, để có thể hiểu nhau hơn. Giáo viên sáng mắt có thể thấy một cách chính xác những gì được viết trên màn hình . Giáo viên sáng mắt dạy nhạc thì rất nhiều và họ có thể có những học trò không nhìn thấy gì. Tính năng này cung cấp một công cụ hữu ích cho cả nhạc sĩ mù và sáng mắt đang nỗ lực học chữ nổi.

Với MuseScore, bạn có thể dùng trình đọc màn hình để xem mô tả note nhạc, và dùng màn hình chữ nổi để xem các kí hiệu note nhạc. Nếu có kí hiệu nào không biết, bạn có thể nghe mô tả bằng trình đọc màn hình.

Nó đã xuất hiện như thế nào

Việc triển khai các tính năng chữ nổi trực tiếp sẽ không thể thực hiện nếu không có cộng đồng tình nguyện viên và người làm việc tự do tận tâm đóng góp cho sự phát triển mã nguồn mở của MuseScore cùng với nhóm nội bộ của chúng tôi tại Muse Group. Trước khi gia nhập Muse Group vào năm 2021, Peter Jonas, hiện là Đại sứ cộng đồng của chúng tôi, đã đóng góp vào sự phát triển của MuseScore với tư cách là nhà phát triển nguồn mở, chuyên về hỗ trợ tiếp cận. Những đóng góp trước đây của anh được hỗ trợ bởi RNIB, tổ chức từ thiện điều trị mất thị lực hàng đầu của nước Anh. Vào năm 2020, Peter được mời nộp đơn xin tài trợ từ DAISY Consortium, một liên minh toàn cầu của các tổ chức về hỗ trợ tiếp cận, những tổ chức đang tìm cách tài trợ cho việc phát triển phần mềm soạn nhạc chữ nổi.\ Peter đã hợp tác với Trung tâm vì Người mù Sao Mai, một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam, để MuseScore hoạt động tốt với công cụ chuyển đổi MusicXML sang Braille mà Sao Mai đang phát triển. Thật may mắn, vào thời điểm đó, một nhà phát triển nguồn mở khác tên là Andrei Tuicu đã gửi mã cho MuseScore để bổ sung khả năng xuất bản nhạc dưới dạng tệp nhạc chữ nổi, mặc dù không có các tùy chọn chi tiết để tùy chỉnh do công cụ chuyên dụng của Sao Mai cung cấp. Sự phát triển bất ngờ này đã cho phép Peter và Sao Mai mở rộng kế hoạch của họ để đưa vào các tính năng dịch chữ nổi trực tiếp mà bạn thấy ngày nay.\ Cuối cùng, với một đề xuất cụ thể trong tay, Peter đã đến gặp chúng tôi tại Muse Group để xác nhận rằng các tính năng chữ nổi trực tiếp sẽ được chào đón trong MuseScore. Đương nhiên, chúng tôi rất vui mừng khi biết về dự án và cam kết sẽ hỗ trợ nhóm phát triển nội bộ của chúng tôi để các tính năng được hợp nhất hoàn toàn. Vào năm 2021, chúng tôi đã thuê Peter làm nhà phát triển toàn thời gian để hỗ trợ phát triển khả năng tiếp cận trong tương lai và liên lạc với cộng đồng nguồn mở của chúng tôi.‍

Tiếp theo là gì?

Hỗ trợ tiếp cận tiếp tục là một trong những nguyên tắc thúc đẩy chính của Muse Group, khi chúng tôi cố gắng trao quyền cho mọi người để họ sáng tạo hơn. Nhóm phát triển của chúng tôi tiếp tục thiết kế và cập nhật phần mềm có chú trọng đến khả năng truy cập và chúng tôi tích cực tìm kiếm phản hồi từ người dùng khiếm thị cũng như các cơ quan như RNIB và DAISY Consortium. Hai ứng dụng phổ biến nhất của chúng tôi, MuseScore và Audacity, đều miễn phí, mã nguồn mở và có thể truy cập được đối với các nhạc sĩ mù và nhìn kém..

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin

Blog khác