Chức Năng Và Nhiệm Vụ Phòng Hướng Nghiệp

Kinh tế Việt Nam đang từng bước trưởng thành hòa vào dòng chảy chung của xu thế toàn cầu hóa, chất lượng dịch vụ được nâng cao, số lượng sản phẩm không ngừng tăng mạnh để thỏa mãn nhu cầu phát triển nhanh của xã hội. Hệ quả tất yếu là người lao động Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực chuyên môn, trang bị thêm kỹ năng lao động phù hợp mới đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Vì vậy, một sinh viên mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong ba năm (2009 đến 2012), cả nước có gần 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng và 500 nghìn sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học các hệ đào tạo, trong đó đào tạo chính quy chiếm khoảng 65%. Tổng cục Thống kê báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam, tính đến tháng 10-2012, trong tổng số 985 nghìn người thất nghiệp có 55,4 nghìn người trình độ cao đẳng (chiếm 5,6%) và 11,1 nghìn người trình độ đại học trở lên (chiếm 11,3%). Riêng tại TP Hồ Chí Minh, với 54 trường đại học, 25 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 11 trường cao đẳng nghề, 32 trường trung cấp chuyên nghiệp, 23 trường trung cấp nghề và hơn 370 cơ sở dạy nghề thì đây là địa phương đứng đầu cả nước về quy mô đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (FALMI), hiện chỉ có 80% sinh viên, học viên tốt nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tìm được việc làm, 20% không tìm được việc. Trong tổng số tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp với năng lực, sở thích. Những con số nói trên chỉ cho thấy được bề nổi của tảng băng trôi thực trạng khó khăn việc làm của sinh viên Việt Nam. Phần khuất của tảng băng còn chứa đựng một vấn đề căng thẳng và phức tạp hơn là giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật. Hầu hết các sinh viên khuyết tật, đặc biệt là các sinh viên khiếm thị đều không thể tìm được việc làm hoặc làm những ngành nghề phù hợp với đặc thù khiếm khuyết. Vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng, không còn là chức trách riêng của một đơn vị ban ngành nào cả mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Đứng trước tình hình thực tế đó Trung Tâm Hướng Nghiệp & Công Nghệ Trợ Giúp Cho Người Mù Sao Mai đã đặt ra cho mình những mục tiêu mới để góp phần giải quyết nan đề việc làm cho người khiếm thị.

1. Xây dựng website việc làm cho người khiếm thị.

- Đưa tin về toàn bộ hoạt động việc học, việc làm của người khiếm thị

- Giới thiệu những tấm gương người khiếm thị thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp

- Bắt nhịp cầu để nhà tuyển dụng và người lao động khiếm thị nắm bắt nhu cầu lẫn nhau

- Giới thiệu những dịch vụ, thiết bị trợ giúp cho người khiếm thị cũng như những dịch vụ, sản phẩm mà người khiếm thị cung cấp cho toàn xã hội

- Cung cấp những văn bản hành chính cần thiết cho việc học, việc làm của người khiếm thị Việt Nam

2. Biên soạn giáo trình và đào tạo kỹ năng mềm cho người khiếm thị

- Khảo sát, nghiên cứu, biên soạn trọn bộ giáo trình đào tạo kỹ năng mềm phù hợp với yêu cầu xã hội và theo nhu cầu của người khiếm thị Việt Nam.

- Đào tạo kỹ năng mềm cho người khiếm thị đặc biệt là sinh viên khiếm thị theo ba phần riêng biệt.

+ Kỹ năng hoàn thiện bản thân

+ Kỹ năng xã hội

+ Kỹ năng nghề nghiệp

3. Mở rộng phạm vi nghề nghiệp cho người khiếm thị

- Xây dựng những khóa hướng nghiệp có ứng dụng công nghệ trợ giúp vào việc làm

- Mở các lớp nghề về ứng dụng Internet

- Tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh cho học sinh khiếm thị.

- Tổ chức hội thảo việc làm cho người khiếm thị.

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin