Yêu Thương Và Tự Do

Ảnh bìa; Yêu Thương Và Tự Do

Yêu Thương Và Tự Do

Tác giả: Tôn Thụy Tuyết
Chủ đề: Giáo dục
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản VĂN HỌC
Nhà xuất bản sách tiếp cận Public domain
Năm xuất bản 2013
Coppy right Nhà xuất bản Văn Học

            Khi được Công ty Cổ phần Sách và Truyền thông Quảng Văn mời viết lời giới thiệu cho bản dịch của tác phẩm “Yêu thương và tự do” của tác giả Tôn Thụy Tuyết, chúng tôi khá bỡ ngỡ vì chưa biết nhiều về tác giả, do đó cần đọc quyển sách 384 trang này ngay để tìm hiểu rõ nội dung.

            Toàn bộ quyển sách bao gồm 22 chương; nội dung dựa trên những quan điểm và nguyên tắc giáo dục chính của nữ bác sĩ Maria Montessori, người đề xướng phương pháp giáo dục trẻ thơ Montessori hiện được áp dụng trên khắp thế giới và cũng là người đã thành lập tổ chức AMI (Association Montessori Internationale) sau này. Mỗi chương sách trình bày một khía cạnh trong cách tiếp cận với trẻ thơ theo triết lý giáo dục Montessori với những luận điểm và nhiều ví dụ minh họa đầy xác thực được rút ra từ chính bản thân tác giả trong quá trình tiếp xúc với con của mình và các bé xung quanh.

            Tác giả kết hợp với việc trích dẫn các phát biểu của bác sĩ Maria Montessori và một số học giả tâm lý học để chứng minh các quan sát của mình và thêm nhiều ghi chú rất hữu ích.

            Bản dịch lưu loát, ngôn từ dễ hiểu khiến độc giả dễ tiếp cận với các quan niệm giáo dục Montessori. Cuốn sách cũng cho thấy tác giả có cái nhìn sâu sắc về giáo dục con người và hiểu rõ các nguyên lý giáo dục trẻ thơ của bác sĩ Montessori. Do tác phẩm minh họa các trường hợp xảy ra trong đời sống thực tiễn về việc nuôi dạy trẻ ở một nước có văn hóa khá gần gũi với xã hội Việt Nam, nên người đọc sẽ dễ nhận ra những tình huống mà chính mình cũng đã từng trải nghiệm, qua đó nhận ra rằng triết lý giáo dục Montessori mang tính phổ quát và có thể áp dụng cho chính mình!

            Chúng ta có thể cụ thể hóa phương pháp giáo dục Montessori bằng ba đỉnh của một hình tam giác với mối quan hệ tương tác mang tính mật thiết, đó là trẻ em, người lớn và môi trường.

            Ngoài môi trường vật chất, “môi trường được chuẩn bị” đơn giản, sạch sẽ, có trật tự, được thiết kế với tính thẩm mỹ cao cùng các học cụ mang tính khoa học chính xác, theo tiêu chuẩn mà Maria Montessori đã đề ra, thì trẻ còn cần một môi trường tinh thần cần thiết cho sự phát triển toàn diện để trở thành con người theo đúng nghĩa. Trong môi trường tinh thần ấy cần có đủ hai yếu tố yêu thương và tự do.

            Hai yếu tố này đòi hỏi sự tôn trọng ở cả chủ thể lẫn khách thể trong các mối tương quan giữa người với người (giữa trẻ em và người lớn, giữa trẻ em và trẻ em), giữa người với môi trường xung quanh trẻ.

            Nội dung quyển sách tập trung vào giai đoạn phát triển đầu tiên của con người, nhất là giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi. Trẻ em ở giai đoạn này có những nét đặc thù: trẻ có bộ óc và tâm thức thấm hút, mẫn cảm với các kích thích giác quan, luôn hành động dưới sự hướng dẫn của những thôi thúc nội tại mãnh liệt. Đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh về cả thể lực và trí lực. Trẻ củng cố những ấn tượng, kinh nghiệm và ngôn ngữ đã hấp thụ ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, hướng tới sự độc lập về vận động, chức năng để tự định hình trí tuệ và nhân cách của bản thân.

            Các khái niệm trừu tượng về tự do và yêu thương được lý giải một cách rất cụ thể, dễ hiểu qua những ví dụ sinh động trong “Ngôi nhà của trẻ”.

            Tự do là những gì trẻ trải nghiệm trong sinh hoạt hằng ngày: Trẻ được tự chọn lựa công việc có mục đích, ý nghĩa cho mình và hoàn tất việc ấy trong khoảng thời gian nó cần mà không bị người khác gián đoạn, được tự do sinh hoạt theo nhịp điệu và tốc độ phát triển của bản thân. Trẻ tìm được sự thỏa mãn trong việc trẻ chọn, chứ không phải làm để vừa lòng người lớn. Trẻ được tự do giao tiếp với các trẻ khác trong sinh hoạt của mình.

            Nhưng tự do luôn đi đôi với kỷ luật tự giác và tinh thần trách nhiệm: Trẻ tự dọn món học cụ đã chọn, trả nó về chỗ cũ, để một bạn khác đang kiên nhẫn chờ đợi đến phiên dùng.

            Yêu thương không phải là từ trên đầu môi chót lưỡi. Trong phương pháp giáo dục này, người lớn không phải là người chỉ huy mà là kẻ kiên nhẫn quan sát, tôn trọng nhịp điệu và tốc độ phát triển của trẻ.

            Còn trẻ em thì sao? Trẻ em được thực hành phong cách ứng xử trang nhã và lịch thiệp. Trẻ lớn có thể chỉ dẫn thêm cho trẻ nhỏ, trẻ nhỏ quan sát và học thêm từ trẻ lớn. Trong cái xã hội thu nhỏ này, các em học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Điều này xảy ra tự nhiên, không do người lớn sai bảo hay yêu cầu. Trong môi trường ấy, sự cộng tác được khuyến khích, phần thưởng và sự cạnh tranh bị vắng bóng, cách hành xử với bạo lực, làm tổn thương người khác hay thiệt hại đến môi trường là những điều không được chấp nhận.

            Tất cả những điều này đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hai yếu tố tự do và yêu thương trong lĩnh vực giáo dục, phát triển con người từ tấm bé.

            Trẻ thơ là cha mẹ của loài người, là những mầm non tương lai của đất nước, là những tảng đá gốc làm nền cho một xã hội hài hòa, một đất nước cường thịnh và một thế giới hòa bình mai sau. Đầu tư không đúng mức và bỏ qua giai đoạn phát triển này của trẻ là một thiếu xót và sai lầm cơ bản chắc chắn sẽ dẫn đến một hệ lụy trầm trọng khó tháo gỡ. Qua lời tựa ngắn gọn, cuốn sách muốn hàm ý nhắn gửi tới người đọc là trẻ thơ phải được phát triển toàn diện trong bầu không khí yêu thương và tự do thì hy vọng về một xã hội hòa bình mới có thể trở thành hiện thực.

            Tự do không hiện hữu nhờ xin cho; yêu thương không tồn tại nếu không được ấp ủ và vun trồng. Cả hai cùng đồng hành, cả hai đều đòi hỏi sự trân trọng, nâng niu, nuôi dưỡng tinh tế.

            Dựa trên quan niệm và tinh thần đó, chúng tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm "Yêu thương và tự do" của Tôn Thụy Tuyết. Hy vọng quí độc giả sẽ có dịp tìm hiểu thêm về phương pháp giáo dục trẻ thơ này và bước đầu có thể ứng dụng nó vào đời sống thường nhật khi tiếp cận với con trẻ. Đó phải chăng cũng là cách tốt nhất mà người lớn chúng ta có thể tích cực góp phần vào việc tạo dựng nên một xã hội hòa bình, bình đẳng và bác ái.

            Nghiêm Phương Mai

            © Nghiêm Phương Mai, 2013