Triết Học Hiện Sinh

Ảnh bìa; Triết Học Hiện Sinh

Triết Học Hiện Sinh

Subject: Politics - Philosophy
Category: Reference - Research
Format: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Log in to download this book.

Publisher VĂN HỌC
Accessible book producer Public domain
Published year 2015
Coppy right Nhà xuất bản Văn Học

            Sau khi gây một phong trào mãnh liệt và sâu rộng trong văn học và nghệ thuật, và sau gần hai mươi năm hoạt động ở thế nổi, nay triết học hiện sinh đi vào thế chìm. Nó ăn sâu vào quan niệm sống của người Âu Mỹ. Nó đã lắng vào lòng người thời đại, và trở thành một cái gì quá quen thuộc, người chủ trương nó không còn bồng bột trưng xướng nó, người chống đối thì hoặc vì mệt, hoặc vì thấy không ai quan tâm đến vấn đề nữa, nên cũng im tiếng dần.

            Bên Việt Nam cũng thế, triết hiện sinh không còn gây chấn động như mấy năm trước đây. Thực ra người ta vẫn ngờ ngợ nó. Giới bảo thủ không biết rõ bộ mặt triết hiện sinh ra sao, nhưng nơm nớp coi nó như một thứ dịch tả, một thứ vi trùng gieo rắc ngông cuồng và phá phách. Giới thanh thiếu niên phần nhiều cũng chưa hiểu thế nào là triết hiện sinh, nhưng hăng nồng chào đón nó như một tin vui đang về, một tin còn hoang mang mơ hồ, nhưng chính vì thế mà dễ làm thỏa những ước mơ của họ.

            Năm 1961, tạp chí Bách Khoa xin tôi viết một loạt bài trình bày về triết hiện sinh cho giới hiếu học. Và đây là những bài tôi đã cho đăng trên tạp chí Bách Khoa từ tháng 10 năm 1961 đến tháng 9 năm 1962. Khi viết, tôi đã cố gắng viết sao vừa dễ hiểu, vừa không đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Không biết tôi có đạt được phần nào mục tiêu đó không, nhưng cần nói đây để bạn đọc thông cảm khi thấy tôi đi vào những vấn đề căn bản và sâu xa của các triết gia hiện sinh, và thấy tôi hay trích dẫn những đoạn văn điển hình của các triết gia đó. Khi trích dẫn các tác phẩm đó, tôi riêng nghĩ đến các bạn sinh viên: Tôi muốn họ dần dần làm quen với lời văn các triết gia, để họ đỡ ngại ngùng khi phải đích thân đọc vào các tác phẩm đó.

            Hôm nay xem lại các bài đó để in thành sách, tôi cảm thấy đã quá thiếu sót đối với triết Heidegger. Thú thật hồi đó tôi còn chịu ảnh hưởng một số giáo sư của tôi ở Ba Lê, nhất là R.Verneaux: Các ngài gọi triết Heidegger có khuynh hướng vô thần và tiêu cực. Hồi đó tôi lại chưa đọc cuốn “Thư về nhân bản chủ nghĩa” của Heidegger. Tôi đã đọc các tác phẩm khác của ông. Riêng cuốn nhỏ này, tôi tưởng nó cũng như tập “Hiện sinh chủ nghĩa là một thân bản chủ nghĩa” của Sartre, nghĩa là suýt soát một lời tự bào chữa. Và tôi không có sẵn cuốn đó, nên không cố công tìm để đọc. Không ngờ cuốn sách nhỏ này lại là một tài liệu quý báu, một lời thương xác của Heidegger đối với những ai hiểu sai chữ Dasein của ông, và nhất là đối với những người dám ghép cho ông thái độ vô thần. Heidegger tuyên bố ông không vô thần và cũng không chủ trương thuyết dửng dưng tôn giáo. Sở dĩ ông chưa bàn nhiều về định mệnh con người và về Thượng đế chỉ vì ông tự coi như chưa làm xong phần đặt nền cho khoa siêu hình học, tức phần siêu hình học tổng quát.

            Ngày nay, người ta đã nhận định đúng hơn: Không ai coi triết Heidegger là tiêu cực nữa, và cũng ít ai dám nghĩ triết của ông là vô thần. Người ta đã tưởng triết đó tiêu cực, vì nó không đề cập dồi dào về những vấn đề nhân sinh. Nay người ta mới thấy triết Heidegger còn đi sâu hơn hiện sinh, vì nó đạt tới bình diện hiện hữu, chỗ căn cơ của hiện sinh và còn là căn cơ tất cả các sinh hoạt của con người, kể cả sinh hoạt khoa học và sinh hoạt tôn giáo. Bởi vậy, y khoa đã nhờ triết Dasein để hiểu con người cách toàn diện và đích thực hơn, nhân đó có thể quan niệm đứng đắn hơn về bệnh lý con người. Về vấn đề tôn giáo, một triết gia am tường Heidegger đã gọi triết Dasein là “Cửa mở vào đức tin tôn giáo” (praeambulum fidei). Riêng tôi rất tiếc đã chỉ dành cho triết Heidegger một chỗ quá hẹp hòi trong khuôn khổ những bài này. Giá có thể viết lại phần này, chắc tôi phải dành phần xứng đáng nhất cho Heidegger.

            Tôi đặc biệt cảm ơn ông Võ Phiến, giám đốc nhà xuất bản Thời Mới. Không có sự khuyến khích của ông, chắc tôi không có can đảm duyệt lại các bài báo đó để in thành sách. Trong việc duyệt lại này, ông cũng giúp tôi nhiều ý kiến xây dựng, nhờ đó tôi đã bỏ đi nhiều đoạn không cần lắm, và sửa lại cách trình bày cho gọn ghẽ sáng sủa hơn.

            Tôi cũng cám ơn ông Lê Ngộ Châu, chủ nhiệm tờ Bách Khoa, đã dành cho tôi nhiều thịnh tình và giúp nhiều ý kiến khi tôi viết loạt bài này, và nay đã dễ dùng cho chúng tôi lấy lại in thành sách.

            TRẦN THÁI ĐỈNH
 (20.12.1966)