Quản Trị Quá Trình Đổi Mới Và Sáng Tạo

Ảnh bìa: Quản Trị Quá Trình Đổi Mới Và Sáng Tạo

Quản Trị Quá Trình Đổi Mới Và Sáng Tạo

Tác giả: Allan Afuah
Chủ đề: Kinh doanh
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản Đại Học Kinh Tế Quốc Dân
Nhà xuất bản sách tiếp cận Public domain
Năm xuất bản 2012
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

            Sinh viên nghiên cứu về đổi mới chưa bao giờ có cơ hội thuận lợi, đầy hứa hẹn và cũng nhiều thách thức như bây giờ. Trong bài phát biểu của các Giám đốc điều hành (CEO), trong các khoa chuyên ngành của các trường kinh doanh, từ khoa chiến lược, tài chính đến marketing, và thậm chí trong các báo cáo tài chính thường niên, từ đổi mới đang ngày càng được nhiều người nhắc đến. Thậm chí người ta còn cho rằng vào những năm 2000 đổi mới, cũng có vai trò quan trọng như quản lý chất lượng toàn diện (total quality management) những năm 1970, như quản lý dựa vào thời gian (time-based management) những năm 1980 và như hiệu quả hoạt động (efficiency) những năm 1990 – là điều kiện tiên quyết để các công ty giành được hoặc duy trì một lợi thế cạnh tranh. Không may là trong khi các nghiên cứu học thuật về đổi mới mang lại cho các nhà quản lý những gợi mở hết sức quan trọng thì các tạp chí hoặc các cuốn sách, khi đề cập đến nghiên cứu này, chỉ nhấn mạnh chung chung vào một quan điểm hoặc chỉ tiếp cận một nguyên tắc, thường là với các định nghĩa thiếu nhất quán về những thuật ngữ quan trọng, bao gồm cả thuật ngữ đổi mới (innovation). Chúng chưa đưa ra được một loại hình khuôn khổ giúp sinh viên nghiên cứu về đổi mới nắm bắt đầy đủ về lĩnh vực ngày càng quan trọng này – một khuôn khổ cho phép họ hình thành và đưa ra các dự báo về nguyên nhân & kết quả. Mục đích của cuốn sách này là đưa ra một khuôn khổ như vậy.

            Xuyên suốt cuốn sách là bảy chủ đề cơ bản để từ đó tổng hợp lên một khuôn khổ thống nhất. Thứ nhất, trong khi đối với các học viên MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh), kỹ sư hoặc nhà quản lý, mục tiêu chính là ứng dụng các khái niệm về đổi mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn, vẫn có những quan điểm cho rằng “không có phương pháp thực hành nào tốt hơn một lý thuyết hay”. Jey Barney đã rất đúng khi nói rằng: “không một phương pháp nào mang tính thực hành hơn một lý thuyết hay.” Theo đó, tôi nêu ra những vấn đề mới nhất trong nghiên cứu học thuật và nhấn mạnh vào các cơ sở lý thuyết của bất kỳ mô hình thực hành nào.

            Thứ hai, đối với nhiều công ty, để đạt được và duy trì lợi thế cạnh tranh họ phải liên tục đổi mới. Các công ty sẽ thất bại nếu đối thủ của họ tiến hành đổi mới còn họ thì không. Từ cơ sở này, tôi đã đưa ra vấn đề liên quan đến chiến lược, đặc biệt là vấn đề định vị sản phẩm-thị trường và các quan điểm dựa trên nguồn lực của công ty. Tôi đã nhấn mạnh vào mối liên kết giữa các ý tưởng mới và lợi nhuận liên tục. Trọng tâm tập trung vào một công ty muốn khai thác lợi nhuận từ một đổi mới. Thứ ba, đổi mới không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực công nghệ cao. Chắc chắn thuốc chữa loét dạ dày Zantac nổi tiếng của công ty Glaxo, là một đổi mới. Nhưng gói chuyển phát nhanh qua đêm của Federal Express cũng là một đổi mới. Đổi mới cũng không nhất thiết phải bắt nguồn từ những ý tưởng đột phá.

            Thứ tư, đổi mới thường có nghĩa là thay đổi (change), cả về mặt tổ chức và mặt kinh tế, và vì thế, bất kỳ mô hình đổi mới nào muốn tìm cách hiểu được hiện tượng này đều phải là một mô hình kết hợp đa lĩnh vực. Do đó, các khái niệm, mô hình và lý thuyết được đưa ra trong cuốn sách này đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lý thuyết về kinh tế học và tổ chức. Thứ năm, cả chiến lược và việc thực thi chiến lược đều có vai trò quan trọng để đổi mới thành công. Rất nhiều chiến lược đổi mới thất bại không phải vì bản thân chiến lược đó có những sai lầm cơ bản mà vì chúng không được triển khai tốt. Cuốn sách nhấn mạnh một thực tế là cần phải có một chiến lược tốt, nhưng để triển khai chiến lược đó phải có một cơ cấu tổ chức và các hệ thống thích hợp, và những con người phù hợp. Đúng thế, con người vẫn là nhân tố quyết định.

            Thứ sáu, để đổi mới cần phải xử lý các tri thức mới – thu thập thông tin sau đó chuyển thông tin đó thành các sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Mức độ đổi mới thành công của một công ty phụ thuộc vào khả năng thu thập và xử lý thông tin, và vào bản chất của chính thông tin đó. Cuối cùng, một công ty cần nắm vững lý thuyết để có thể vận dụng vào thực tế; các khái niệm, mô hình và lý thuyết đã được học nhưng không được thực hành sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Do đó, tôi đã thực hiện một số biện pháp giúp bạn đọc hiểu sâu và ghi nhớ nội dung dễ dàng hơn. Trước tiên, trong những phần thảo luận mang tính khái niệm và lý thuyết, tôi đã đưa ví dụ vào một số nội dung. Sau đó, ở cuối mỗi chương, tôi đưa ra một tình huống thực hành ngắn để minh họa cho các khái niệm chính. Cuối mỗi tình huống là danh sách các thuật ngữ chính và các câu hỏi quan trọng nhằm khuyến khích bạn đọc nghiên cứu và thảo luận vấn đề sâu hơn.

           Tôi quan tâm đến lĩnh vực quản trị đổi mới từ khi còn làm việc tại Thung lũng Silicon và sau đó tại Route 128. Khi đó tôi rất ngạc nhiên tự hỏi tại sao một số công ty sản xuất chất bán dẫn bị tụt lại so với đối thủ trong việc sáng tạo hoặc nắm bắt thay đổi. Ví dụ, việc chậm trễ nắm bắt công nghệ mới là do họ cố tình trì hoãn, như một chiến thuật, hay vì họ không có nguồn lực cần thiết để khởi động trước? Nếu đúng như vậy thì tại sao? Khi quay trở lại trường đại học nơi tôi đã tốt nghiệp để tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc này, tôi đã đọc rất nhiều tạp chí và sách vở, nhưng mỗi tài liệu này chỉ đưa ra một quan điểm riêng lẻ hoặc chỉ tiếp cận một lĩnh vực, như lý thuyết về kinh tế học hoặc lý thuyết về tổ chức. Cuốn sách là kết quả của nhiều năm cố gắng nhằm tìm ra một khuôn khổ hợp nhất những quan điểm khác nhau này, một tài liệu tổng quan tiếp cận những tri thức mới nhất về nghiên cứu đổi mới để cung cấp một khuôn khổ mà cả sinh viên và các nhà quản lý đều có thể hiểu và ứng dụng vào thực tế. Dù cuốn sách được thiết kế cho các sinh viên MBA năm đầu hoặc năm cuối, thì các sinh viên quản trị kỹ thuật, nhà quản lý, nhà khoa học, kỹ sư và bất cứ ai liên quan đến quy trình chuyển đổi tri thức mới thành sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng mong muốn cũng sẽ thấy cuốn sách này rất hữu ích.

            Trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách, do thời gian gấp gáp nên tôi đã quên gửi lời cám ơn chân thành tới các Giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đặc biệt là các Giáo sư Tom Allen, Rebecca Henderson, Ed Roberts và Jim Utterback, những nghiên cứu tiên phong của họ trong lĩnh vực quản trị công nghệ đã cho tôi nền tảng để hình thành và phát triển nội dung cuốn sách. Tôi cũng gửi lời cám ơn tới Ken MacLeod, nhà biên tập và John Bauco, giám đốc dự án của cuốn sách này, họ đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Tôi vẫn rất biết ơn ba nhà phê bình ẩn danh, những người đã nhận xét về ấn bản đầu tiên của cuốn sách này.

            NHỮNG THAY ĐỔI TRONG TÁI BẢN LẦN HAI

            Có ba nhân tố đã ảnh hưởng rất lớn đến ấn bản lần hai của Quản trị quá trình đổi mới & sáng tạo. Thứ nhất, vì cuốn sách dựa trên những nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực quản trị công nghệ và quản trị chiến lược, và kể từ sau khi tôi viết ấn bản đầu tiên đến nay, các học giả trong hai lĩnh vực này đã đưa ra tương đối nhiều tri thức mới. Thứ hai, vì tốc độ đổi mới của công nghệ diễn ra rất nhanh, các học giả đã có thể áp dụng các lý thuyết, khái niệm và công cụ được trình bày trong ấn bản đầu tiên để tìm hiểu kỹ hơn về các mô hình của họ để khai thác đổi mới. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là các Giáo sư, những người sử dụng ấn bản đầu tiên làm tài liệu giảng dạy trên lớp đã cho tôi những gợi ý quan trọng để nâng cao chất lượng cuốn sách.

            Khi tôi viết ấn bản đầu tiên, thuật ngữ được sử dụng trong phần quản trị chiến lược theo quan điểm dựa trên nguồn lực của công ty còn phức tạp. Trên thực tế, đến nay thuật ngữ này vẫn phức tạp. Sau khi tìm hiểu kỹ và tiếp thu ý kiến phản hồi của độc giả, tôi quyết định sử dụng thuật ngữ “assets” (tài sản) thay cho thuật ngữ “endowment” (tài sản) và điều chỉnh lại khái niệm của từ “năng lực” (capabilities). Kết quả là tôi đã phải điều chỉnh lại khá nhiều nội dung trong chương 3 và chương 7 để thể hiện thuật ngữ phổ biến hơn theo quan điểm dựa trên nguồn lực của công ty. Tuy nhiên, nội dung của hai chương, về mặt khái niệm và lý luận, đều nhất quán với ấn bản đầu tiên.

            Với mục đích mang đến cho độc giả một khuôn khổ để họ có thể hiểu và ứng dụng vào thực tế, tôi đã tiến hành một số bước để tách riêng các vấn đề về chiến lược khỏi các vấn đề về triển khai chiến lược, dù đôi khi rất khó xác định ranh giới giữa hai phạm trù này. Trước hết, tôi chuyển chương 12 trong ấn bản đầu tiên sang Phần II: Chiến lược hóa, vì chương này nói về các chiến lược cho phép một công ty duy trì lợi thế cạnh tranh nhờ đổi mới. Chương 12 cũ là chương 10 trong ấn bản mới. Thứ hai, tôi chuyển một số khái niệm từng được xếp vào mục triển khai chiến lược trong chương 11 cũ (chương 12 mới) sang chương 10 mới. Tôi cũng chuyển các khái niệm về triển khai trong chương 10 cũ sang chương 12 mới. Bên cạnh đó, trong chương 10, tôi có bổ sung một số tài liệu quan trọng nhằm chỉ ra các chiến lược để theo đuổi và thời điểm thực hiện.

            Trong chương 10 cũ và là chương 11 mới: Hoạt động huy động vốn của công ty, tôi đã thêm vào mục: “Các tài sản bổ sung từ đối tượng hợp tác” như một nguồn tài chính cho các công ty ở giai đoạn mới thành lập. Trong chương 13, tôi thêm vào một mô hình mà các công ty có thể sử dụng để xác định một cơ chế hiệu quả giúp họ nhanh nhạy hơn trong việc khai thác các ý tưởng đổi mới ở những đất nước mới.

            Cuối cùng, tôi bổ sung thêm một chương mới, chương 16, Mạng Internet: Một tình huống về thay đổi công nghệ. Theo một nghĩa nào đó, Mạng Internet là món quà vô giá cho các học giả nghiên cứu về đổi mới. Tôi đã áp dụng rất nhiều khái niệm, lý thuyết và công cụ của cuốn sách này để nghiên cứu một số câu hỏi do mạng Internet đặt ra. Ví dụ, người ta đã có thể lý giải được kết quả trong cuộc cạnh tranh giữa các công ty mới khởi nghiệp trên mạng Internet và đối thủ - các công ty truyền thống không?

            Tôi rất biết ơn các Giáo sư, những người đã sử dụng cuốn sách này làm tài liệu giảng dạy trong các khóa học về công nghệ và đổi mới của họ. Tôi muốn gửi lời cám ơn tới Giáo sư Christopher Tucci, Oscar Hauptman, Elias G. Carayannis, Donna Marie De Carolis và Terry W. Noel vì những đóng góp của họ cho ấn bản đầu tiên để tôi có được ấn bản thứ hai này.

            Ann Arbor, Michigan

            Tháng 6 năm 2003