NGƯỜI PHỤ NỮ GIỎI VIỆC NƯỚC ĐẢM VIỆC NHÀ

Kiên cường, bản lĩnh như vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh quê hương chị, người phụ nữ ấy đã khiến tôi thực sự khâm phục. Đạt một bằng thạc sĩ và hai tấm bằng đại học trong khi chị vừa đi làm vừa lo chăm sóc gia đình. Nghị lực ấy đối với những người phụ nữ không khuyết tật cũng vô cùng khó khăn, thế mà chị, một người khiếm thị đã làm được.

 

Ảnh Nhân Vật

 

Sinh năm 1978, cô bé Đinh Việt Anh hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm ba tuổi thì bố mẹ phát hiện ra cô mắc phải căn bệnh thoái hóa giác mạc. Bao nhiêu nỗ lực chạy chữa của gia đình cũng chỉ giữ được thị lực của Việt Anh đến năm 15 tuổi, đủ để cô học hết lớp chín. Trước mắt cô từ ấy chỉ còn là một màn đêm tối tăm, nó cũng mịt mù bế tắc như tương lai của cô. Song không ai ngờ rằng 14 năm sau chính người con gái ấy đã là chủ nhân của hai tấm bằng đại học: cử nhân Quản lí xã hội – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2000 – 2004) và cử nhân Tiếng Anh - Viện Đại học mở Hà Nội (2002 – 2007). Bảy năm sau Việt Anh tiếp tục bảo vệ thành công luận văn cao học với chuyên ngành Quản lí hành chính công – Học viện Hành chính quốc gia (2014).

 

“Khó khăn lớn nhất trong quá trình học của mình là sự thiếu thốn về thời gian và tài liệu học tập”, chị Việt Anh bộc bạch. Thực vậy, trong suốt bảy năm từ 2000-2007, chị vừa học cùng một lúc hai trường đại học vừa là giáo viên của Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù. Chị cũng kiêm nhiệm một số công việc khác ở Trung tâm. Thời gian học Cao học thì chị làm Phó Giám đốc Trung tâm và sau đó chuyển lên làm ở Trung ương Hội. Song, khó khăn nhất có lẽ là giai đoạn chưa sử dụng được máy tính (từ 2000 – 2003), đặc biệt là đối với môn Tiếng Anh. Chị phải nhờ người sáng đánh vần từng chữ một rồi cặm cụi ghi lại bằng chữ nổi. Khi đã thành thạo vi tính và việc học tiếng Anh đã thuận lợi hơn, chị lại tự học tiếng Nhật qua sách chữ nổi và qua mạng internet.

 

Hiện chị đang là Ủy viên thường vụ thường trực Trung ương Hội người mù Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí đời Mới, Trưởng Ban Công tác phụ nữ và trẻ em của Hội cùng một số công việc kiêm nhiệm khác. Thành thạo hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật đã mang tới cho chị cơ hội tham gia rất nhiều các khóa học chuyên đề và hội thảo quốc tế dành cho đối tượng người khuyết tật như khóa tập huấn Công nghệ thông tin  cho người khiếm thị tại Nhật Bản và Malaysia, lớp học sản xuất sách kĩ thuật số đa phương tiện DAISY ở Thái Lan, lớp đào tạo giáo viên nguồn về vi tính cho người mù với sự giảng dạy của các chuyên gia Thụy Điển, Diễn đàn đối thoại giữa những nhà lãnh đạo khiếm thị trẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Thái Lan...

 

Ngoài ra, Việt Anh còn dành thời gian cho các hoạt động cộng đồng như phối hợp với những tổ chức hảo tâm,  các mạnh thường quân để thực hiện các chương trình tham quan giã ngoại nhân dịp lễ, Tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tổ chức dạy Tiếng Anh cho người khiếm thị, con em người khiếm thị thông qua các nhóm sinh viên tình nguyện... Thời gian rảnh rỗi, Việt Anh còn lên mạng tìm kiếm và tập hợp tài liệu học tập cho sinh viên học sinh khiếm thị còn gặp nhiều khó khăn.

 

Dù công việc bận rộn nhưng chị không hề xao nhãng việc gia đình. Cả chị và anh đều là người khiếm thị nên  mọi việc của gia đình chị đều tự tay quán xuyến. Từ việc chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà, đưa con đi học, chiều về dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng   … Cho đến việc tắm rửa cho con, Chơi với con, dạy con học , cho con đi ngủ và hoàn tất những công việc còn gian dở trong ngày...

 

Luôn sống như câu nói chị vẫn hằng tâm niệm “Words mean nothing without actions”, chị Đinh Việt Anh đã trọn vẹn bộc lộ những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Giỏi việc nước, đảm việc nhà, chị thực sự là tấm gương sáng không chỉ cho những người khuyết tật mà cho mọi người phụ nữ noi theo.

 

Lệ Xuân

Share via:

EmailFacebookTwitterGoogleLinkedin