Tín ngưỡng Việt Nam

Ảnh bìa; Tín ngưỡng Việt Nam

Tín ngưỡng Việt Nam

Tác giả: Toan Ánh
Chủ đề: Văn hóa - Du lịch
Thể loại: Tham khảo - Nghiên Cứu
Định dạng: Braille All Contractions, Daisy Text, Epub

Đăng nhập để đọc sách và tải về file pdf miễn phí

Nhà xuất bản NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Nhà xuất bản sách tiếp cận Public domain
Năm xuất bản 1991
Coppy right NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

            Dân việt Nam, như trên đã nói rất trọng lễ, và trong lễ thì ân nghĩa giữ phần quan trọng. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, và đã hiếu với cha mẹ phải hiếu với ông bà tổ tiên tức là nguồn gốc của mình.           

            Lúc ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải phụng dưỡng, phải tuân theo những lời dạy bảo của các người, phải lựa ý chiều chuộng ăn ở sao để cho các người được hài lòng.           

            Khi các người trăm tuổi, ngoài việc lo ma chay chôn cất, con cháu phải thờ cúng các người, cũng như thờ cúng các tổ tiên về trước.           

            Thờ cúng tổ tiên nghĩa là lập bàn thờ tại nhà và cúng bái trong những ngày sóc vọng giỗ Tết.           

            Người Việt Nam thường ngoài tôn giáo của mình đều có thờ phụng tổ tiên, kể cả những người theo Thiên Chúa giáo.           

            Thực ra thờ phụng tổ tiên không phải là một tôn giáo, do đó không thể gọi là Đạo Ông Bà được. Là một đạo phải có giáo chủ và giáo điều và việc hành đạo phải qua trung gian tu sĩ.           

            Thờ phụng tổ tiên do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ đã khuất.           

            Phan Kế Bính trong “Việt Nam Phong Tục” đã viết: “Xét cái phong tục tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là nghĩa cử của người”.           

            Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, thì con người ta phải có tổ tiên mới có thể có mình được. Bỏ tổ tiên không thờ phụng tức là quên nguồn gốc, huống chi ông bà là những người đã sinh dưỡng cha mẹ và cha mẹ là những người đã sinh dưỡng mình.           

            Những người theo Thiên Chúa giáo, tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người khuất, và việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa [1], như vậy nghĩa là vẫn có sự thờ phụng tổ tiên qua bàn thờ Chúa.